THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT XXVII TN (Lc 10,25-37)
ĐGH Phanxicô, trong tác phẩm “Tên Thiên Chúa là Thương xót” đã nói : “Ngày nay chúng ta cần có lòng trắc ẩn để thắng vượt sự toàn cầu hóa về dửng dưng. Cần có ánh mắt này khi chúng ta gặp một người nghèo, một người bị gạt ra ngoài lề, một tội nhân”. Lời mời gọi này đặt ra trước những thách đố cho thời đại chúng ta. Chúa Giêsu muốn : “Hãy đi và làm như vậy”. Phải chăng là giải quyết những thách đố này ! Lòng trắc ẩn được “đánh thức” bởi chính Thiên Chúa
“Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Lc 10,25). Câu hỏi của nhà thông luật vẫn còn âm vang trong trái tim và lối suy nghĩ của mỗi chúng ta, những người được thúc bách bởi một cuộc tìm kiếm “sự sống đời đời”. Ta không nghi ngờ đằng sau câu hỏi với mục đích chính trị mà nhà thông luật muốn thử Chúa Giêsu, nhưng điều đáng để cho chúng ta quan tâm, suy nghĩ hơn cả là lòng trắc ẩn của ông về “sự sống đời đời” đã được “đánh thức”, một cuộc “đánh thức” bởi chính cái nhìn nhân từ và xót thương của Thiên Chúa mà có lẽ cả ông và chính chúng ta nữa không biết bắt đầu từ đâu. Ta có thể đặt vấn đề : có quá nhiều vấn đề chính trị, văn hóa…. cần được bàn hỏi. Tại sao nhất thiết phải là một câu hỏi có tính tôn giáo về cứu cánh của cuộc đời ? Phải chăng, trong sâu thẳm tâm hồn vẫn còn điều gì đó trắc ẩn đang thúc bách nơi nhà thông luật này ? Chúa Giêsu không trả lời cho những nhu cầu của ông, nhưng Ngài để ông gọi lại chính sự hiện diện cần thiết phải có của lề luật, điều được cho là quan trọng nhất vốn đã ẩn chứa và được ông thực thi một cách yêu mến : “Phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” (Lc 10,27). Quả thật, Thiên Chúa luôn luôn là Đấng khơi dậy lòng trắc ẩn nơi ta, Ngài “đánh thức” nó bằng sự hiện diện và gọi lại bằng chính con người thật của chúng ta. Thiên Chúa vẫn chờ đợi lòng trung thành và sự quả cảm của ta trong giới luật “mến Chúa và yêu người”.
Lòng trắc ẩn vươn tới hành động “yêu thương”
“Ông hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37). Lòng trắc ẩn bao hàm nội tại trong tư tưởng và nối suy nghĩ của chính chúng ta, nó diễn tả một thực tại cần được vươn tới là “hành động”. Thật vậy, “yêu thương” không bao giờ là những khái niệm chết khô, nhưng là “việc để mình xúc động trước nỗi khốn cùng của con người, trước nhu cầu của chúng ta, trước nỗi đau của chúng ta” (ĐGH Phanxicô). Thật vậy, Thánh Gioan đã nói : “Không thể nói mình yêu Chúa nếu như không yêu tha nhân của mình trước đã” và “ai nói mình yêu Chúa mà không yêu anh em mình thì là kẻ nói dối”. Điều này, Tin mừng đã phản chiếu một cách chân thực nơi người Samari nhân hậu. Không phải là nhà thông luật, cũng chẳng phải là một thầy tư tế hay Lêvi vốn dạy người ta ăn ngay ở lành, đơn giản chỉ là người có lòng trắc ẩn và hành động theo lòng thương xót của Thiên Chúa. Nơi anh, lòng trắc ẩn của ta cần được đánh động bởi lòng bác ái yêu thương vượt trên mọi lề luật, một tình bác ái vô vị lợi. Chúa Giêsu không đồng hóa việc yêu mến Thiên Chúa và tha nhân là một, nhưng Ngài nhấn mạnh tới việc yêu mến Thiên Chúa thì không thể tách rời lòng mến tha nhân. Thật vậy, chúng ta được mời gọi, đừng quá câu nệ vào một lý do đó để miễn chước cho mình thực thi lòng bác ái yêu thương.
Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, Đấng luôn hiện diện và thấu cảm bởi lòng trắc ẩn. Xin Ngài “thức tỉnh” trái tim sỏi đá nơi mỗi chúng con để chúng con trở nên những trái tim yêu thương biết hành động theo lòng thương xót của Chúa. Amen.
Vinh Sơn Cường