TUẦN XXX
Hc 35,12-14.16-18; 2 Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14
Có ai sinh ra trong cuộc đời này mà không có lý tưởng? Không, người nào cũng có lý tưởng sống. Có thể lý tưởng của người này là trở thành thương gia thì lý tưởng của người kia là trở thành luật sư, hoặc người khác trở thành bác sỹ thì người khác nữa lại muốn làm nhà lãnh đạo hay nhà ngoại giao. Là kitô hữu, lý tưởng của ông bà anh chị em là gì? Tôi thiết nghĩ là kitô hữu, lý tưởng của chúng ta là trở nên công chính thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Vậy thế nào là công chính, ai cho chúng ta ơn công chính và khi sống công chính chúng ta được gì?
Thế nào là công chính? Lời Chúa hôm nay cho ta hiểu rằng người công chính không phải là người tuân giữ lề luật một cách tỉ mỉ, nhưng là người được Thiên Chúa ban ơn tha thứ. Chính Đức Giêsu đã giải thích rõ chân lý này bằng dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện. Người thứ nhất là một người thuộc nhóm Pharisêu xem ra rất đạo đức, tuân giữ lề luật một cách rất chu đáo, không thể chê vào đâu được. Ông không tham lam tiền bạc, không sống bất chính, không ngoại tình, ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng cho Chúa một phần mười thu nhập. Ông đã giãi bày với Chúa như thế khi ông lên đền thờ cầu nguyện. Thế nhưng, thật đáng tiếc! Sau khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa và ra về, tội ông không được tha, ông không được trở nên công chính.
Ngược lại với ông, người thu thuế nhận mình là kẻ tội lỗi, không xứng đáng trước mặt Thiên Chúa, cần được xót thương. Vì ý thức thân phận tội lỗi bất xứng, ông đứng xa đền thờ và khiêm tốn thưa cùng Chúa “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Thật ra, ông cũng không có gì nhiều để kể ngoại trừ những thiếu sót lỗi lầm và thân phận thu thuế của mình. Ấy vậy mà sau khi trở về nhà, ông lại được tha thứ và trở nên công chính. Ông chân thành xin Chúa xót thương và ông đã được Ngài xót thương tha thứ mọi lỗi lầm. Để xác nhận thêm điều đó, Đức Giêsu khẳng định “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Ông đã khiêm tốn hạ mình trước mặt Thiên Chúa và ông đã được Thiên Chúa tôn lên bằng việc tha thứ mọi lỗi lầm để ông được nên thánh thiện.
Ai tặng ban cho chúng ta ơn công chính? Không ai trong thân phận con người có quyền trao tặng cho nhau danh hiệu ấy vì tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng công chính nên duy nhất một mình Ngài có quyền quyết định ai công chính và kẻ nào tội lỗi. Không những thế một mình Ngài có quyền cho người ta nên công chính nhờ những phương thế và ân sủng của Ngài. Muốn nên công chính, mỗi người phải nhận lấy ân sủng của Thiên Chúa và làm cho ân sủng ấy được lớn lên qua các Bí tích. Chẳng hạn, nhờ Bí tích Rửa tội chúng ta được thanh tẩy bởi nước và Thánh Thần để được công chính hóa, được tha thứ mọi tội lỗi, được thông phần vào chức vị làm con Chúa, được cùng chết với Đức Kitô và cùng sống lại với Ngài để sống cho con người mới theo tinh thần của Đức Giêsu.
Chính Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy điều ấy. Người Pharisêu đã làm rất nhiều thứ theo luật dạy và tưởng rằng mình công chính. Tuy nhiên, chớ trêu thay, ông không phải là người công chính vì sự phán quyết ấy thuộc về Thiên Chúa chứ không thuộc về ông hay bất cứ người nào. Người thu thuế không dám cho mình là công chính, nhìn nhận mình là tội nhân, rồi phó thác cho lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chính Chúa đã tha thứ mọi tội lỗi cho ông và kể ông là người công chính.
Người công chính được lợi gì? Trước hết, sống trong cuộc đời này, lời cầu nguyện của họ được Chúa lắng nghe và đoái nhận. Thật vậy, Chúa xét xử công minh, không thiên vị ai, không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của kẻ áp bức. Ngài không coi thường lời kêu khấn của kẻ mồ côi góa bụa và chấp nhận lời cầu xin của kẻ vâng theo ý Ngài. Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm, đạt tới cùng đích và sẽ được Ngài xét xử chính trực và thi hành cách công minh. Không chỉ nhận được phúc lành ở đời này, người công chính còn được ban thưởng vòng hoa chiến thắng ở đời sau. Nói cách khác, chính Ngài sẽ giải phóng họ khỏi mọi thử thách, đau khổ, gian nguy và đưa vào vương quốc vĩnh cửu trên trời, điều mà cả đời người tín hữu phải chạy đua và đạt cho được.
Lý tưởng của người tín hữu Công giáo là nên công chính thánh thiện để lời cầu nguyện được Chúa đoái thương chấp nhận và xứng đáng với bình an, hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa mai sau. Muốn nên công chính, chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận thân phận tội lỗi và phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa giống như người thu thuế nói trong Tin Mừng đã chân thành giãi bày thân phận của mình. Xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức thân phận tội lỗi thấp hèn của chúng ta và tin tưởng phó thác cho tình thương tha thứ của Thiên Chúa để được nên công chính như Chúa chờ đợi. Amen.