Cột mốc thời gian và Nước Thiên Chúa

Chủ nhật - 24/01/2021 09:30  1141
Chúa Nhật III TNB
Gn 3,1-5.10; Cr 7,29-31; Mt, 1,14-20

Dấu mốc thời gian: Thật là trùng hợp khi lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng suy niệm về ý nghĩa của những mốc thời gian trong bầu khí của những ngày cuối năm âm lịch. Lại thêm một tầng ý nghĩa khi chẳng bao lâu sau đó, Mùa Chay Thánh 2021 lại sắp về, như điểm nhấn quan trọng hơn cả. Vậy mốc thời gian, theo các bài đọc hôm nay, có ý nghĩa gì trong đời sống sống đức tin của chúng ta?

Bài đọc I kể lại rằng: tiên tri Giôna được Chúa sai đến với dân thành Ninivê để nói cho họ biết rằng: “Chỉ còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá hủy.” Như thế, mốc thời gian ở đây được Thiên Chúa dùng để tiên báo một tai họa sắp xảy đến. Hay nói cách khác, ‘bốn mươi ngày’ là lời mời gọi dân Ninivê cần đưa ra một quyết định phù hợp.

Sách Giô-na kể tiếp: Dân thành Ninivê đã công bố việc ăn chay, mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Họ bỏ đường gian ác để trở về với Thiên Cúa. Và cuối cùng Thiên Chúa đã bỏ ý định giáng phạt. Có phải Thiên Chúa không phạt họ vì họ ăn chay, hay vì họ mặc áo nhặm? Cả hai hình ảnh đều không phải là lý do làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, thế thì điều gì nơi họ đã làm cho Thiên Chúa thay đổi ý định trừng phạt dân Ninivê? Thưa, ‘vì họ bỏ đời sống xấu xa’.

Như vậy việc ăn chay, hay mặc áo nhặm sẽ là vô ích nếu như không thay đổi cuộc sống, không biết từ bỏ tội lỗi, không biết chừa cải những việc xấu xa. Mốc thời gian, như thế chính là cơ hội giúp dân thành Ninivê nhìn lại cuộc sống của mình và nhất là biết quyết tâm đổi mới cung cách sống sao cho phù hợp với thánh ý Chúa. Chính quyết định đổi đời vào mốc thời gian 40 ngày cuối cùng ấy đã giúp người Ninivê thoát khỏi mọi tai ương đang chực đổ xuống, để họ tiếp tục được sống.

Câu nói đầu tiên mà Tin mừng Marcô hôm nay ghi lại đó là: thời gian đã đạt tới mức viên mãn, tròn đầy để cho Nước Thiên Chúa xuất hiện. Hay nói cách khác, thời gian chuẩn bị đã hoàn tất, giờ đây là thời của Nước Thiên Chúa. Nhưng việc Nước Thiên Chúa xuất hiện không thực sự quan trong cho bằng thái độ của con người trước sự xuất hiện của Nước Thiên Chúa ấy. Vui quá vì Nước Chúa sẽ đến? không phải. Phấn khởi quá vì sự xuất hiện của Nước Chúa? Cũng không phải.

Vậy đâu là thái độ cần có của con người vào lúc bấy giờ? Chúa Giêsu khuyến cáo mọi người: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”. Ăn năn về những lầm lỗi của mình đã trót phạm, sám hối vì những tội lỗi của mình đã xúc phạm đến Chúa cũng như đến tha nhân. Đó mới chính là thái độ xứng hợp nhất của con người khi đối diện với việc xuất hiện của Nước Thiên Chúa. Xét như thế, cột mốc thời gian Nước Thiên Chúa xuất hiện cũng chính là cột mốc thời gian thúc đẩy mọi người sám hối ăn năn. Hay nói cách khách, nếu 40 ngày là cột mốc để người dân thành Ninivê hoán cải, thì thời gian Nước Thiên Chúa đến cũng là cột mốc để mọi người ăn năn sám hối. Như vậy hoán cải cuộc sống, hay năn năm sám hối về những lầm lỡ, bất toàn cũng như tội lỗi của mình chính là thái độ xứng hợp nhất của con người trước những cột mốc thời gian Chúa gửi tới? Đồng thời, những ngày cuối năm cũng là cột mốc của thời gian đầy ý nghĩa.

Vậy đâu là thái độ phải có của mỗi chúng ta hôm nay? Thánh Phaolô trong Bài đọc II nhắc nhở: thời gian vắn vỏi, năm Canh Tý sắp đi qua, năm Tân Sửu sắp tới. Cuộc đời của mỗi chúng ta cũng thế, cứ quanh quẩn kiếp làm người với sinh bệnh lão tử. Trong cái nhìn đó, thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Những ai có vợ, hãy ở như không có. Những ai than khóc vì phải xa quê trong dịp tết, hãy ăn ở như không khóc. Những kẻ hân hoan vì nhiều quà biếu hay nhiều tiền lìxì trong dịp tết này, hãy ăn ở như không hân hoan. Những ai đang đi các siêu thị để mua sắm, hãy ăn ở như không có gì. Những ai đang lên chương trình ăn nhậu linh đình trong dịp tết này, hãy ăn ở như không tận hưởng.”

Tại sao Thánh Phaolô lại có những lời khuyên có vẻ bi quan đến vậy? Thưa, vì bộ mặt thế gian này đang qua đi (1Cr 7,31), dĩ nhiên là không loại trừ những điều vừa kể trên. Thay vào đó, thánh nhân mời gọi chúng ta hãy tìm kiếm những gì là Thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa (Cl 3,1) chính là một cột mốc quan trọng để biết nhìn lại mình mà hoán cải và sám hối, canh tân đời sống sẽ là thái độ xứng hợp cho những ai thực sự muốn ở trong Nước Thiên Chúa.

Tác giả: Lm. Giuse Phạm Văn Quang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập140
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm99
  • Hôm nay31,667
  • Tháng hiện tại1,041,902
  • Tổng lượt truy cập79,045,353
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây