CHÚA NHẬT III TN B
Gn 3,1-5.10; 1 Cr 7,29-31; Mc 1,14-20
Tại một vùng núi nọ, người ta truyền tụng cho nhau câu chuyện: Ngày xưa, có hai thầy dòng quyết tâm nên thánh bằng cách chọn con đường ẩn tu. Để thực hiện việc này, cả hai thầy lên núi, tìm hai hang động cách xa nhau làm chỗ dung thân để sống hết cuộc đời trong thinh lặng và kết hợp với Chúa. Để cuộc sống ẩn tu đạt kết quả và khỏi bận tâm về những “sự thế gian”, cả hai quyết định sống cô độc: hang ai nấy ở, mỗi người môt không gian…
Rồi năm tháng qua đi, cả hai chết lúc nào không ai biết. Hai hang động trở thành hoang phế, như hai chiếc mồ hoang lạnh giữa rừng sâu. Thời gian sau đó, có hai tên cướp bị săn đuổi, đã thay tên, đổi họ, lần mò trốn lên núi này để ẩn danh tìm chút bình an cho cuộc sống.
Gặp được hai cái hang hoang lạnh của người xưa, cả hai đã chọn nơi đây làm chốn dừng chân để sám hối làm lại cuộc đời. Thế là cả hai dọn sạch hang cũ và bắt đầu cuộc sống mới của những người “ẩn tu bất đắc dĩ.” Chỉ khác với hai thầy dòng trước đây một điều là cả hai quyết định làm một con đường nối liền hai hang để thường xuyên qua lại, thăm viếng, giúp đỡ, ủi an… Dần dà, dọc theo con đường nối hai hang đã mọc đầy hoa, xung quanh hang động cảnh trí phô đầy sức sống và vẻ đẹp. Hai tên cướp năm nào giờ đây đã trở thành hai vị ẩn tu hiền lành, thánh thiện, đến nỗi hương thơm thánh đức lan toả khắp vùng khiến nhiều người cất công lên núi để xin “Hai Thầy” cầu nguyện và hưóng dẫn đạo đức. Từ đó, từ hai cái hang đó đã phát xuất nhiều lối đi, nhiều con đường dẫn đến các khu dân cư, và trên các lối đi đó cũng mọc đầy cỏ hoa tươi thắm… Và rồi, hai “thầy tướng cướp ẩn tu” đó qua đời. Vì đời sống thánh thiện và vì có những phép lạ xảy ra cho một số người lên núi cầu xin, nên dân chúng vùng đó “tự động” phong thánh cho hai “thầy cướp ẩn tu” này…
Sám hối là chủ đề lớn, xuyên suốt toàn bộ lịch sử cứu độ: Thiên Chúa tuyển chọn một người hay một dân tộc, yêu thương ban ơn lành cho họ, nhưng Ngài đòi họ phải trung thành giữ giao ước, giữ lề luật của Ngài. Tuy vậy, đôi khi họ lại phản bội Chúa: tôn thờ ngẫu tượng, bỏ bê luật Chúa, chạy theo thói đời... Qua các tổ phụ, ngôn sứ, Thiên Chúa cảnh báo họ. Họ ăn năn sám hối và được Thiên Chúa tha thứ. Câu chuyện dân thành Ninivê sám hối như được thuật lại trong bài đọc 1 hôm nay, gương sám hối của anh trộm lành, của Phê rô là những ví dụ điển hình về lòng sám hối của con người và tình thương xót hải hả của Thiên Chúa.
Tại sao phải sám hối? Thưa, mỗi người đều là tội nhân. Ai dám nhận rằng rằng mình vô tội?!
Hiểu được những bất toàn yếu đuối của con người nên không phải ngẫu nhiên mà lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong sứ vụ công khai rao giảng là lời: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”. Làm người ai mà chẳng yếu đuối lỡ lầm, không tội này thì tội khác. Biết mình có tội, có lỗi, còn thiếu sót nhiều ăn năn sám hối là đòi hỏi đương nhiên gửi đến mỗi người.
Ăn năn sám hối khi nào? Thưa, luôn và ngay! Đừng chần chừ, tội của ta cứ như ung nhọt, để càng lâu nguy cơ càng nặng hơn. Đừng tính toàn để đến khi gần chết mới sám hối, kiểu như: thế là được lời lãi cả đời này lẫn đời sau. Tính toán như thế thì không phải là sám hối thực sự. Hơn nữa, có kịp để sám hối không nếu cái chết cách bất chợt?
Sám hối không những là từ bỏ con đường cũ, hối hận vì những điều lỗi luật Chúa, nhưng còn là đi vào con đường mới, con đường của từ bỏ, yêu thương phục vụ, tích cực làm việc thiện, giống các vị thánh hay như 2 vị ẩn sĩ bất đắc dĩ trong câu chuyện trên.
Lời Thánh Vịnh 130,3: Lậy Chúa, nếu Ngài chấp tội, nào ai được rỗi! Xin cho con luôn biết tin tưởng cậy trông phó thác vào lòng thương xót của Chúa và bắt đầu lại, quyết tâm sống xứng đáng với những ơn lành Chúa ban. Amen.