LỄ THÁNH PHAOLÔ TRỞ LẠI
Cv 22,3-16; Mc 16,15-18
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ thánh Phaolô trở lại. Chúng ta cùng nhau đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Chúa muốn dạy chúng ta rút ra những bài học nào qua biến cố trở lại của thánh Phaolô tông đồ?” Dựa trên căn bản là Lời Chúa được chọn đọc trong thánh lễ này, tôi xin chia sẻ với độc giả ba bài học rút ra từ việc trở lại của thánh Phaolô tông đồ như sau:
1. Trở lại là nhìn nhận rằng mình đang sai lầm
Chính thánh Phaolô đã kể lại kinh nghiệm ấy trong bài đọc thứ nhất trích sách Cvtđ. Thánh nhân thừa nhận rằng người đã sai lầm ở chỗ là người Do thái được giáo dục nghiêm túc để giữ Luật của cha ông một cách khắt khe, đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa theo cách của người Biệt Phái, đã bắt bớ đạo Kitô, không ngần ngại giết kẻ theo đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà chỉ vì họ tin theo Đức Kitô. Người còn xin các vị thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ mục một chứng thư đến Đamát để bắt trói các kitô hữu ở đó giải về Giêrusalem trừng trị. Ngài thừa nhận rằng chân lý không đến từ con người, ngay cả những người có uy tín và quyền hành lớn nhất như các thượng tế hay như vị thầy đáng kính Gamalien. Những gì học hỏi được từ con người hay tự mình khám phá vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ sai lầm cản trở con người đến với sự thật hoàn hảo. Chân lý hay sự thật tuyệt đối có sức giải phóng và đem ơn cứu độ đến cho con người chỉ thực sự phát xuất từ Thiên Chúa và được cụ thể nơi Đức Giêsu Phục Sinh, Sự Thật giải thoát nhân loại.
Mỗi chúng ta cũng được mời gọi trở lại với Thiên Chúa, với Đức Kitô mà bắt đầu từ việc nhìn nhận mình đang sai lầm và chính sự sai lầm ấy kéo chúng ta ra xa Thiên Chúa, làm cho chúng ta mất ơn cứu độ. Vì thế, chúng ta cần khiêm tốn, hãy thành thật và chân thành nhìn nhận những sai lầm của chúng ta. Đó có thể là sai lầm trong các chuẩn mực đạo đức, sai lầm trong cách sống và cách nhìn nhận các giá trị, hoặc sống ngược lại với giới răn yêu thương, quá coi trọng các giá trị vật chất, hay để cho các xu hướng của thế gian chi phối cách hành xử của chúng ta: coi trọng tiền bạc, địa vị, tính kiêu căng tự phụ, không muốn lệ thuộc Thiên Chúa, thích hưởng lạc…
2. Việc trở lại khởi đi từ tình thương vô biên của Thiên Chúa
Trở lại là một tặng ân nhưng không của Thiên Chúa. Là một người chẳng ra gì, thậm chí còn là kẻ thù của Đức Kitô “bắt bớ Đức Kitô, bắt bớ những người tin vào Đức Kitô”, vậy mà thánh Phaolô được Chúa Giêsu giáng xuống một đòn mạnh để lôi kéo trở về. Thánh nhân đã kể lại rất rõ ràng rằng đang trên đường gần tới Đamát, vào khoảng giờ trưa, một luồng ánh sáng chiếu rọi từ trời bao phủ lấy ngài, đẩy ngài ngã xuống đất và Chúa Giêsu cất tiếng gọi tên ngài “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ ta?” Không chỉ gọi tên Saun, Chúa Giêsu còn mạc khải về bản thân Ngài cho thánh nhân. Khi người cất tiếng hỏi “Thưa Ngài, Ngài là ai?” thì chính Chúa Giêsu đã trả lời “Ta là Giêsu Nazareth mà người đang bắt bớ”. Sau đó, chính Chúa Giêsu trao cho người sứ mạng “làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều ông đã thấy và đã nghe.”
Vì trở lại là một tặng ân nhưng không của Thiên Chúa nên chúng ta cần tha thiết nài xin Chúa ban cho mình ơn trở về. Nếu chúng ta đã khiêm tốn thẳm sâu, chân thành và khao khát mãnh liệt, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ ban tặng cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin. Điều quan trọng là tâm hồn chúng ta phải mở ra cho ơn thánh hoạt động. Lúc ấy chúng ta sẽ có cuộc trở lại đúng nghĩa, một sự trở lại đem đến niềm vui và hạnh phúc đích thực.
3. Sự trở lại đích thật là một cuộc trở lại trổ sinh nhiều hoa trái
Cuộc đời trở lại của thánh Phaolô đúng là như thế. Sau biến cố trên đường đi Đamát, thánh Phaolô không còn sống theo lối cũ, không nhiệt thành với đạo cũ, với Lề Luật nữa mà hoàn toàn sống cho Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài. Những lời thật tuyệt vời sau đây của thánh nhân là “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là mối lợi”, “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi”, “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” không phải là những lời tuyên xưng trên môi miệng, nhưng là những xác tín và kinh nghiệm thiêng liêng của người. Những gì người nói được thể hiện bằng chính cuộc sống dấn thân loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã thực hiện ba hành trình truyền giáo lớn và kết quả là mười mấy giáo đoàn được thành lập. Người viết 17 là thư để dạy dỗ, khuyên bảo, động viên các tín hữu vững vàng sống đức tin trong từng hoàn cảnh. Bao nhiêu khổ đau, vất vả trong đời, thánh nhân đều đã đón nhận vì Chúa Kitô. Ngài chấp nhận lênh đênh trên biển, bị đắm tàu, bị bắt cầm tù, chịu đánh đòn và cuối cùng là hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho đức tin vào khoảng năm 67.
Không thể có một cuộc trở lại thực sự nếu ngay sau khi trở lại, đương sự không bắt đầu một cuộc đời trổ sinh hoa trái. Thánh Phaolô đã lấy Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài làm lý tưởng sống và cuối cùng người đã gặt hái bao nhiêu hoa trái: loan báo Tin Mừng cho rất nhiều người, thực hiện ba hành trình truyền giáo, thành lập nhiều giáo đoàn, viết nhiều tác phẩm để dạy dỗ, khuyên bảo, khích lệ các tín hữu và cuối cùng là hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa Kitô. Đến lượt chúng ta, mỗi người cũng phải bắt đầu một cuộc sống mới ngay sau khi trở lại là sống thánh thiện vì Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài để Thiên Chúa được vinh quang, Đức Kitô được nhận biết và anh em được cứu độ.
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, Giáo hội mừng thánh Phaolô trở lại. Đối với mỗi tín hữu Công giáo, việc trở lại của thánh Phaolô luôn mang một ý nghĩa đặc biệt. Nó nhắc nhở chúng ta về việc khiêm tốn nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ và hiện tại của mình. Nó cho chúng ta những cảm nghiệm về ơn ban nhưng không của Thiên Chúa, hồng ân được trở về với Thiên Chúa, nguồn chân lý và sự thật giải thoát nhân loại. Nó mời gọi chúng ta sống một cuộc đời mời, một cuộc sống không ngừng trổ sinh hoa trái thánh thiện để làm chứng cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Nguyện xin Chúa nhờ lời chuyển cầu của thánh Phaolô trở lại ban cho chúng ta được dồi dào ân sủng để chúng ta luôn sẵn sàng cho cuộc trở lại với Chúa của chính mình một khi thấy lầm đường lạc lối. Amen.