Giá trị nổi bật của Lời Chúa

Thứ sáu - 22/01/2021 20:43  843
Chúa Nhật III TN năm B, Chúa Nhật Lời Chúa
Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20

calling the apostles 810x540Ngày 30/9/2019, Đức Giáo hoàng Phanxico qua Tông sắc Aperuit Illis đã thiết lập Ngày Chúa Nhật Lời Chúa được cử hành vào Chúa Nhật III TN hằng năm, để cử hành, suy tư và phổ biến Lời Chúa. 

Lấy lại ý tưởng của Thánh Giêrônimô: Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô, Đức Giáo hoàng mời gọi tất cả con cái Giáo Hội năng tiếp xúc với Lời Chúa, để qua đó học biết về Chúa Kitô vì không biết Chúa Kitô thì cũng không biết Thiên Chúa là ai và cũng không biết Ngài yêu thương chúng ta như thế nào. Có tác giả đã ví von, Kinh Thánh như là bức thư tình của Thiên Chúa gửi đến cho con người. Chúng ta đọc Kinh Thánh là chúng ta đang đọc bức thư của Thiên Chúa gửi cho chúng ta. Đó là những lời yêu thương, nhưng cũng là những lời răn đe, sửa dạy. Hội Thánh không chỉ đón nhận Kinh Thánh như một lời phàm nhân, nhưng thực sự là lời của Thiên Chúa. Thật vậy, trong các Sách Thánh, Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, âu yếm đến với con cái của Người và đối thoại với họ.

Công đồng Vaticano II đã khẳng định: “Hội Thánh luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Mình Thánh Chúa. Hội Thánh không ngừng lấy Bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Thiên Chúa và Mình Máu Thánh Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu” (DV 21). Chúng ta tôn kính Kinh Thánh không dừng lại ở việc tôn kính cuốn sách ghi chép Lời Chúa, đúng hơn chúng ta tôn kính Lời Thiên Chúa được ghi chép lại trong Kinh Thánh. Mỗi lần chúng ta lắng nghe Lời Chúa là mỗi lần Chúa nói với chúng ta qua các trung gian là các thừa tác viên của Hội Thánh. Qua tất cả các lời ở trong Kinh Thánh, Thiên Chúa chỉ nói có một lời là Ngôi Lời duy nhất. Trong Ngôi Lời, Thiên Chúa nói hết về mình cho nhân loại. Hay nói một cách khác, Đức Giêsu – Ngôi Lời của Thiên Chúa là mặc khải trọn vẹn nhất và cuối cùng của Chúa Cha dành cho nhân loại.

Quả thế, Kinh Thánh loan báo Đức Kitô và được hoàn tất nơi Đức Kitô. Cái chết và sự sống lại của Người không thể giải thích được nếu không có toàn bộ Kinh Thánh bởi vì Kinh Thánh nói về Đức Kitô và chúng cho phép chúng ta tin rằng sự chết và sự sống lại của Người không thuộc về chuyện thần thoại, nhưng có tính lịch sử và được tìm thấy ở trung tâm đức tin của các môn đệ của Người. Mối liên hệ giữa Kinh Thánh và đức tin của các tín hữu thật là sâu xa bởi vì có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố Lời Đức Kitô. Mỗi người Kitô hữu được mời gọi phải dành riêng cho việc lắng nghe Lời Chúa, trong cử hành phụng vụ cũng như trong lời cầu nguyện và suy tư cá nhân.

Lời Chúa Chúa Nhật III TN năm B hôm nay cho chúng ta thấy những giá trị nổi bật của Kinh Thánh (hay của Lời Chúa).

Lời Chúa là ánh sáng: ánh sáng chiếu soi cho những ai đang ngồi trong bóng tối tù đầy và tội lỗi. Lời Chúa thật là ánh sáng, ánh sáng chiếu soi cho muôn nước muôn người, để họ có thể nhận biết đâu là đường, là sự thật, là sự sống và cứ đó mà bước theo. Chỉ nơi Chúa họ mới nhận được nguồn ánh sáng chân thật dẫn đến sự sống muôn đời. Ánh sáng ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã xuống thế làm người để cứu độ chúng ta. Những ai đón nhận Người thì bước đi trong ánh sáng của ngày cứu độ. Họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ. Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời. Chúng ta là con cái Thiên Chúa, con cái của sự sáng. Chúng ta được mời gọi hãy sống như con cái sự sáng. Nghĩa là đừng sống trong bóng tối của tội lỗi và tật xấu, mà hãy sống cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày, vì chúng ta không thuộc về đêm cũng không thuộc về bóng tối.

Lời Chúa là sức mạnh biến đổi: lời đầu tiên của Đức Giêsu là lời kêu gọi: hãy sám hối. Đây không chỉ là sự hối lỗi vì tội đã phạm, mà đòi hỏi một sự đổi mới toàn diện. Một sự hoán cải tận thâm tâm. Người được ơn sám hối sẽ sống là một con người mới trong tương quan với Thiên Chúa. Sự thay đổi toàn diện để bắt đầu một lối sống mới được thể hiện qua hành động đáp trả ngay lập tức của các môn đệ đầu tiên trước lời mời gọi của Đức Giêsu. Họ đã từ bỏ lối sống cũ với những công việc hằng ngày như đánh cá, vá lưới… để đi theo Chúa. Từ đây, họ trở thành những kẻ lưới người như lưới cá. Cũng như trong bài đọc I, sau lời cảnh cáo của Ngôn sứ Giôna, dân thành Ninivê đã ăn năn hối cải, thay đổi đời sống, bỏ đường gian ác, nên Đức Chúa đã không giáng phạt như Người đã đe.

Lời Chúa còn có sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ Hội Thánh, ban sức mạnh đức tin, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Hội Thánh. Bởi thế, cần phải mở rộng đường cho các tín hữu đến với Kinh Thánh. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái nhấn mạnh sức mạnh của Lời Chúa như sau: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,12). Hay như thánh Phaolo đã nhắc nhở môn đệ Timôthê của mình: “Tất cả những vì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2Tm 3,16).

Chúng ta đang trong những ngày cuối cùng của tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu được hiệp nhất. Trong Tông sắc thiết lập Chúa Nhật Lời Chúa, Đức Giáo hoàng cũng nhấn mạnh đến việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất dựa trên Lời Chúa bởi vì Kinh Thánh chỉ cho những người biết lắng nghe con đường phải theo để đạt đến sự hiệp nhất đích thực và vững chắc. Chỉ nơi Chúa Kitô, mọi Kitô hữu mới tìm được tiếng nói chung đích thực. Tất cả đều phải được quy hướng về Chúa Kitô như kế hoạch mà Thiên Chúa đã định (x.Ep 1,10).

Mỗi Kitô hữu được mời gọi để cho Lời Chúa là ánh sáng đánh tan những bóng tối còn vây phủ tâm hồn chúng ta. Hãy để sức mạnh của Lời Chúa thay đổi đời sống đạo của chúng ta. Một khi lấy Lời Chúa làm lương thực nuôi sống, chúng ta được mời gọi cất bước ra đi theo Chúa để làm chứng và loan báo Lời đã đón nhận như các môn đệ đầu tiên. Ước gì Chúa Nhật Lời Chúa có thể cho chúng ta thêm lòng sùng đạo và thôi thúc chúng ta chăm chỉ tiếp xúc với Thánh Kinh, để Lời Chúa thực sự trở nên gần gũi như tác giả thánh đã dạy: Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trong miệng, ngay trong lòng, cốt để các ngươi đem ra thực hành (x. Tl 30,14).

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Quỳnh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập237
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm183
  • Hôm nay40,842
  • Tháng hiện tại903,803
  • Tổng lượt truy cập70,931,560
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây