Nệ luật hay xót thương
Thứ ba - 19/01/2021 04:08
1255
“Ngày Sabbat làm ra vì loài người”.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Nệ luật hay xót thương?’ Đó là câu hỏi chúng ta đặt ra cho các nhà lãnh đạo tôn giáo thời Chúa Giêsu khi họ bắt bẻ các môn đệ Ngài phạm luật vì đã đưa tay bứt lấy bông lúa mà ăn trong một ngày Sabbat. Chúa Giêsu đã can thiệp, Ngài ôn hoà giải thích cho họ và kết luận, “Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat”.
Nhân loại cần một Đấng Cứu Rỗi biết bao! Dân Chúa cần những lãnh đạo có trái tim xót thương biết bao! Do Thái là một dân được Thiên Chúa chọn, một dân nhận được mặc khải của chính Thiên Chúa; những người Pharisêu là những nhà lãnh đạo tôn giáo của họ. Vậy mà các lãnh đạo tôn giáo này đã chôn sâu luật pháp Thiên Chúa bên dưới lớp giới luật nhân tạo, đến nỗi những người đói không được phép bứt một gié lúa mà ăn vào ngày Sabbat. Thật ngớ ngẩn! Liệu Thiên Chúa giàu lòng thương xót có thực sự bị xúc phạm vì có người đưa tay bứt lúa mà ăn khi họ đang đói trong ngày Sabbat? Một não trạng nệ luật có thể nghĩ như vậy, nhưng theo lẽ thường, Thiên Chúa không hề bị xúc phạm bởi một hành động như thế. Với những người biệt phái, bản thân luật pháp đã trở thành mục đích và được ưu tiên hơn những con người; ở đây, họ là những người đang đói. Và chúng ta tự hỏi, làm thế nào dân Chúa có thể được dẫn dắt một cách an toàn trên con đường đích thực dẫn đến sự cứu rỗi mà không vướng vào gai góc của những nghi lễ sai lầm và những giới luật tuỳ tiện một cách vô vọng đến thế? Đường lối lãnh đạo của những người dẫn dắt họ là ‘nệ luật hay xót thương?’.
Việc dính trết với hình thức của luật pháp đã khiến các nhà lãnh đạo tôn giáo xa rời tình yêu và công lý; họ chăm chú vào luật pháp và coi thường công lý; họ chi tiết hoá luật pháp và bất chấp tình yêu. Đường lối nệ luật này chỉ dẫn đến khép kín, đóng cửa và ích kỷ; dẫn đến chủ nghĩa vị kỷ, thành kiến và kiêu ngạo; dẫn đến việc coi sự thánh thiện là một cái gì hoàn toàn bên ngoài, cái họ gọi là ‘công chính’. Thế mà, trái ngược với các lãnh đạo tôn giáo, Chúa Giêsu dạy một đường lối hoàn toàn khác; đó là xót thương. Đường lối của Ngài là tình yêu, là công lý; con đường tình yêu dẫn đến công lý này, tất yếu, sẽ dẫn đến Thiên Chúa. Con đường khởi đi từ tình yêu của Chúa Giêsu dẫn đến một sự hiểu biết, nhân ái và phân định; dẫn đến một sự viên mãn, thánh thiện và cứu rỗi; dẫn đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Tình Yêu, Cứu Độ và là Đấng Xót Thương.
Ngày kia, một người mẹ đến gặp Napoléon để cầu xin sự tha thứ cho con trai mình. Hoàng đế trả lời, “Chàng trai trẻ đã phạm tội đến hai lần và công lý của luật nhất định đòi hỏi cái chết”. Bà giải thích, “Nhưng tôi không cầu xin công lý của luật”, “Tôi cầu xin lòng thương xót”. Napoléon trả lời, “Nhưng con bà không đáng được thương xót”. Người phụ nữ kêu lên, “Thưa ngài, sẽ không có lòng thương xót nếu con tôi xứng đáng với nó, và lòng thương xót là tất cả những gì tôi xin!”. Hoàng đế Napoléon nói, “Vậy thì, tôi sẽ có lòng thương xót”; và ông tha cho con trai bà.
Anh Chị em,
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Chúa chúng ta, đã chấp nhận “sinh làm con một người phụ nữ, sống dưới chế độ lề luật, để cứu chuộc những ai sống dưới lề luật; hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”. Ngài đã chết vì luật để chúng ta khỏi bị ràng buộc bởi luật mà sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta đang sống luật của Nước Trời, luật của tình yêu, luật của lòng thương xót. Napoléon, một ông vua thế trần đã không xử với luật của loài người nhưng xử với lòng thương xót của con người; phương chi Thiên Chúa, Đấng ban lề luật yêu thương, Người sẽ xét xử chúng ta theo lòng thương xót của Người; và như vậy, sẽ nhân ái hơn nhường nào!
“Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã ban cho nhân loại chúng con một Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót; Ngài không ‘nệ luật’ để xét xử nhưng chỉ ‘xót thương’. Xin cho con cảm nghiệm được rằng, con đang được Ngài thương xót, hầu con cũng có thể đối xử với anh chị em con bằng trái tim xót thương của Ngài”, Amen.