Sống thật với chính mình

Thứ tư - 01/06/2022 07:28  900
CẦU NGUYỆN: 10 ĐIỂM BẠN CẦN GHI NHỚ VÀ THỰC HÀNH

Gần đây tôi có chia sẻ với các bạn trẻ và quý độc giả Công giáo về một chân lý cốt yếu trong đời sống tâm linh của chúng ta, đó chính là: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
 
Trong bài viết này,[1] tôi đã nêu lên niềm xác tín của cá nhân: đó chính là chúng ta cần phải kết hiệp mật thiết với Chúa trong đời sống tâm linh. Mỗi người trong chúng ta sẽ trở nên vô tích sự, nếu chúng ta không có đời sống kết hiệp với Chúa, bằng việc cầu nguyện. Bởi lẽ đó, mà hôm nay tôi xin phép được chia sẻ tiếp với các bạn trẻ và quý vị về chủ đề “Cầu Nguyện” qua bài viết sau đây:
CẦU NGUYỆN: 10 ĐIỂM BẠN CẦN GHI NHỚ VÀ THỰC HÀNH
 
image 20220601175354 1Linh mục Dòng Tên, John Polkinghorne, tác giả cuốn sách Belief in God in an Age of Science,[2] đã phát biểu như sau, khi ngài chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về đời sống cầu nguyện: “Trong suốt cuộc đời,  tôi đã được trợ giúp bằng việc thực hành cầu nguyện, dù là một nhà Vật lý học hay là một Linh mục, cũng như trong cuộc sống của một kẻ lữ hành.”[3]

Cảm tưởng ấy đã đánh động tôi rất mạnh, vì đó cũng là niềm xác tín của riêng cá nhân. Cho nên, khi tôi đọc những dòng tư tưởng này của vị linh mục Dòng Tên khả kính, mà tôi rất ngưỡng mộ từ lâu, nó làm cho tôi liên tưởng đến một lời khuyên vàng ngọc của một vị linh mục đàn anh, Dòng Chuá Cứu Thế, thuộc tỉnh Dòng Canberra (Úc Đại Lợi) dành cho tôi, khi tôi sắp sửa nhận sứ vụ linh mục vào ngày 16/07/1994. Vị linh mục ấy viết cho tôi những lời lẽ đại ý như sau: “Anh Hùng thân mến, nhân dịp anh sắp sửa lãnh nhận sứ vụ linh mục, tôi không có gì quí báu để tặng anh làm quà kỷ niệm. Tôi chỉ có một lời khuyên đơn giản, xuất phát từ tấm lòng thành của tôi đối với anh. Tôi biết rồi mai đây, sau khi anh chịu chức linh mục, anh sẽ rất bận rộn với biết bao nhiêu công tác mục vụ ..., nhất là, anh còn phải tiếp tục con đường học vấn của anh tại Đại Học, cho nên, tôi khuyên anh điều này:

Mỗi ngày anh hãy cố gắng bỏ ra ít nhất là 15 phút để CẦU NGUYỆN, vì không có đời sống cầu nguyện, anh sẽ không có đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa và như thế hành trình ơn gọi của anh sẽ rất dễ bị lung lay.[4] Tôi chia sẻ với anh điều này từ chính kinh nghiệm của bản thân, sau hơn 25 năm làm linh mục.”

Lời khuyên vô cùng quí báu ấy của vị linh mục đàn anh khả kính, vẫn luôn vang vọng trong tôi ... và tôi luôn ghi nhớ mãi ... cho đến giây phút hiện tại và tôi đã cố gắng thực hành lời khuyên ấy mỗi ngày.[5]

Lẽ đó mà hôm nay, tôi xin mạo muội được phép chia sẻ với quí bạn trẻ Công Giáo tại Việt Nam (và cả hải ngoại) một vài nguyên tắc căn bản, hầu hy vọng giúp cho anh chị em, mỗi người trong chúng ta thăng tiến đời sống cầu nguyện của chính mình. Vì chủ đề “CẦU NGUYỆN” hiện nay được xem như là một vấn đề thiết yếu cho thời đại mà chúng ta đang sống.[6] Cho nên, tôi xin mạn phép được đề nghị một cách hết sức vắn gọn 10 điểm, được coi như là nền tảng căn bản giúp cho việc cầu nguyện có kết quả tốt đẹp.

Điểm 1:  Hãy Sống thực với chính mình.

Tại sao đây là điều kiện tiên quyết trong việc cầu nguyện?

Bởi vì Thiên Chúa (T.C) muốn chúng ta sống cái giây phút hiện tại, mà cái giây phút hiện tại ấy chính là trở nên một tông đồ cầu nguyện. T.C tạo dựng nên con người để con người đối thoại với T.C, để sống trong sự hiệp thông với ba ngôi T.C. Đây có thể được coi như là một trong những mục đích chính khi T.C tạo dựng nên con người.

Karl Rahner, thần học gia Dòng Tên người Đức, được coi như là lỗi lạc nhất của thế kỷ 20, đã không ngần ngại nhận định về con người như sau: “Chúng ta là kẻ lắng nghe Lời.”[7] Điều mà trong thực tế, Rahner muốn ám chỉ đó chính là: chúng ta được tạo dựng để đối thoại, để hàn huyên, để ngắm nhìn dung mạo, và để sống trước tôn nhan T.C.

Đi xa hơn một tí nữa, Rahner cho rằng: con người tự bản chất luôn hướng đến sự hiệp thông và ao ước được kết hiệp với Đấng Siêu Việt. Tư tưởng này rất phù hợp với suy tư của Thánh Augustinô khi ngài cho rằng: linh hồn con người được dựng nên là để cho chính T.C, lẽ đó mà bao lâu nó chưa được nghỉ yên trong cung lòng của T.C, thì bấy lâu nó vẫn còn khắc khoải.[8] Bao lâu mà chúng ta chưa mật thiết kết hiệp với Chúa, thì bấy lâu ta vẫn còn khoắc khoải ưu tư.

Vậy đâu là hệ quả của chân lý trên đối với vấn đề cầu nguyện? Nó đơn giản chỉ là: tất cả những gì chúng ta cần thiết cho việc cầu nguyện đều đã được ban tặng cho chúng ta. Cầu nguyện sốt sắng, trước tiên, không phải là việc học cho bằng được một kỷ thuật, nhưng đúng hơn là được bắt đầu bằng chính với thực tại con người của chúng ta, với tất cả những gì đã được T.C phú bẩm cho con người.

còn tiếp xin mời quý độc giả đón đọc vào tuần sau!


 

[1] .  Xem “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Tác gỉa Lm Trần Mạnh Hùng
https://dongmancoibuichu.com/vi-khong-co-thay-anh-em-chang-lam-gi-duoc/
Đăng ngày 24/05/2022.

[2] . John Polkinghorne, S.J.,   Belief in God in an Age of Science (United States: Yale University, 1998). Cha Polkinghorne đã được The John Templeton Foundation trao giải thưởng năm 1999, vì tác phẩm này được coi như là một trong những kiệt tác về Thần Học và Khoa Học Tự Nhiên.
[3] . Ngài viết “Throughout my life, whether as a Physicist or as a Priest and all the time as a human being, I have been sustained by the practice of prayer.” Xem tác phẩm Spiritual Evolution (1998), được soạn thảo bởi John Mark Templeton and Kenneth Seeman Giniger.
[4] . Sau này tôi may mắn được đọc tác phẩm của cha Timothy Radcliffe, O.P., cựu Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đa Minh. Tựa đề là: Sing a New Song: The Christian Vocation (Dublin: Dominican Publication, 1999). Cha Radcliffe đã viết những dòng như sau: “Chúng ta có thể đi hết hành trình ơn gọi của mình mà chả cần đến việc cầu nguyện không?” xem trang 52. “Ơn gọi” ở đây có thể là ơn gọi lập gia đình, ơn gọi sống bậc độc thân hay ơn gọi cũng có thể là đi tu, sống đời tận hiến. Nói tóm lại, mỗi người trong chúng ta đều có một ơn gọi và điều này đến từ Thiên Chúa.
[5] . Bây giờ tôi đã thụ phong linh mục gần được 28 năm (16.07.1994 – 2022), nhưng lời khuyên ấy vẫn còn vang vọng ở trong tâm hồn tôi, và hôm nay tôi muốn chia sẻ điều này với các bạn trẻ Công giáo tại VN, như là tâm tình của một người anh, vì tôi tin rằng: điều này sẽ rất quan trọng đối với các bạn trong cuộc sống hằng ngày và đối với tương lai của các bạn, như cha Timothy Radcliffe, O.P.,  cựu Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đa Minh đã nói: “Chúng ta có thể đi hết hành trình ơn gọi của mình mà chả cần đến việc cầu nguyện không?”
[6] . “Ưu tiên một là cầu nguyện nhằm rèn luyện cái tâm lương thiện.” Trích thư chung của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Nhân quyền và bổn phận học hỏi Giáo Huấn của Giáo Hội về xã hội, tháng 10 năm 2007.  http://www.conggiaovietnam.net/LoiChuChan/nhanquyenvabonphanhochoi....htm 
[7] . Lời ở đây xin được hiểu theo ý nghĩa thần học của tác giả Phúc Âm thứ 4.
[8] . “You have made us for Yourself, and our hearts are restless until they rest in You.”  Xem The Confession of  St. Augustine, Revision of the Translation of Rev. J. M. Lelen, Ph.D. (New Jersey: Catholic Book Publishing Co., 1997), Chương thứ I, trang 19.

Tác giả: Lm Peter Trần Mạnh Hùng, STD

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập357
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm303
  • Hôm nay52,335
  • Tháng hiện tại712,928
  • Tổng lượt truy cập70,740,685
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây