Chúa Nhật 26 TNA
Mt 21,28-32
Giới trẻ ngày nay có phần tự do ngôn luận và tự quyết hơn trong việc tậu trâu - lấy vợ - làm nhà. Dường như gia đình nào cũng có sự bất đồng quan điểm về lối sống và sự lựa chọn giữa cha mẹ và con cái: Vì không muốn ‘cô ả’ này hay không thích việc gì đó, nên người trẻ quyết bảo vệ lập trường dù cha mẹ ra đòn cứng rắn: Không ăn nhời thì ra khỏi nhà, đừng mẹ mẹ con con gì nữa. Trên thực tế đã có rất nhiều bạn trẻ rời khỏi căn nhà trong bức xúc, bất mãn và dẫn đến lầm đường, lạc hướng… Còn người con thứ nhất trong câu chuyện Tin mừng hôm nay được thánh sử Mát-thêu ghi lại có phần khác đáng để chúng ta suy gẫm.
Trước mệnh lệnh của ông bố: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!” Đứa con bật trả lời: “Con không muốn. Nhưng sau đó nó hối hận nên lại đi” (c.28). Điều này có nghĩa là anh ta đã có sự phản tỉnh, chịu trách nhiệm về chính mình: ý mình - ý cha? Tin mừng ghi lại: liền sau câu nói đó, người con thứ nhất đã nhận ra ngay thái độ vô lễ bất kính của mình, nên đã hối hận và vui vẻ thực thi ý cha. Thế nên không lạ gì khi còn bé, chúng ta hay phải xưng tội cãi giả, càu nhàu với mẹ cha…
Đây cũng là thái độ hết sức gần gũi của chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa bởi vì cũng đã rất nhiều lần, chúng ta không làm theo Lời Chúa dạy, nhưng rồi suy nghĩ lại thấy hối hận, cuối cùng chấp nhận làm theo. Theo các nhà tu đức, những nỗ lực chừa bỏ các thói hư tật xấu hay xu hướng phạm tội tựa như người con thứ nhất: dù ý riêng không muốn, nhưng bị tra vấn bởi Lời Chúa - ý Chúa ít nhiều, nên đã gắng hoán sửa ‘giữ mình’, ấy chính là đường nhân đức tốt lành…
Trái với thái độ nói KHÔNG nhưng lại CÓ làm của người thứ nhất, đứa con thứ hai đon đả và sốt sắng trả lời trước mệnh truyền của người cha: “Thưa Ngài, con đây! nhưng rồi lại không đi.” (c.30). Vậy, thái độ này liệu có gần gũi với mỗi người hay không?
Khác hẳn với những lời nói đôi khi quá hoa mỹ về mình trước mặt người khác, khi tôi để lòng mình đối diện với chính Chúa mỗi khi cầu nguyện, tôi chợt nhận ra rằng: còn đó những quyết tâm vẫn đang dang dở, còn đó những lời hứa vẫn chỉ là lời hứa, bởi lẽ tôi đã chưa cố gắng đủ để làm hay đã chưa đủ can đảm biến nó thành hiện thực.
Trước câu hỏi của Chúa Giêsu: “Ai trong hai người con đã làm theo ý cha”, các thượng tế và kỳ lão trả lời: người con thứ nhất? Bởi vì, cuối cùng nó đã LÀM. Tại sao nó lại LÀM? Cái gì thúc đẩy nó LÀM?
Phần nổi của câu truyện trên là sự giằng co giữa nói và làm trước lệnh truyền của Chúa. Phần chìm của câu chuyện lại chính là sự giằng co giữa ý tôi và ý cha, hay cụ thể hơn là sự giằng co giữa ý tôi và ý Chúa. Khi nói: tôi không muốn ý Chúa, nghĩa là tôi muốn ý của tôi. Còn khi tôi muốn ý Chúa, thì đương nhiên tôi đã quyết định bỏ ý riêng của tôi.
Nhìn lại bản thân, chúng ta thử xét xem: nếu lấy tổng là 100 thì tôi làm theo ý Chúa được bao nhiêu phần trăm? 5, 10, 15, 20,30, hay 50 và phần trăm còn lại đương nhiên là tôi đã làm theo ý của chính mình. Hôm nay Chúa Giêsu cũng hỏi tôi: “Ai trong hai người con đã làm theo ý Cha?” Tôi trả lời thế nào và tôi đang làm theo ý ai?
Tôi làm theo ý ai? Mượn thư Do-thái (10,8-9), cha Kim Long phổ nhạc: “Máu chiên bò Chúa không ưng, của lễ toàn thiêu Chúa không nhận, thì này con đến để làm theo ý Cha.” Tôi thiết nghĩ lời hát đó cần được lặp đi lặp lại trong cuộc đời của mỗi tín hữu.
Tôi suy nghĩ theo ai? Tôi ăn nói theo ai? Tôi làm theo ý ai? Thiên Chúa luôn đợi chờ câu trả lời từ mỗi người trước mỗi ngày sống, trước mỗi công việc, hay trước mỗi tư tưởng, lời nói và việc làm.