CHÚA NHẬT IV
2Sbn 36,14-16.19-23; Ep 2, 4-10; Ga 3,14-21
Chúa Nhật IV Mùa Chay mang một màu sắc mới không phải chỉ vì việc thay đổi màu của phẩm phục thánh, hoặc những thay đổi của sắc thái phụng vụ, nhưng là sự thay đổi tận nơi tâm hồn người tín hữu. Chúa Nhật đặc trưng này không còn là việc ăn chay hay thanh tẩy, nhưng là Chúa Nhật của niềm vui, Chúa Nhật của ánh sáng, Chúa Nhật của ơn cứu độ đã gần kề.
Tin Mừng hôm nay ghi lại trọn vẹn cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do Thái. Theo dõi cuộc đối thoại này, chúng ta có thể nhận thấy một loạt từ và cụm từ đối lập: tin và không tin, sống và chết, ánh sáng và bóng tối, không bị lên án và bị lên án,… để nói lên giá trị của ơn cứu độ.
Chúa Giêsu đã mặc khải cách rõ ràng về chân lý ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tình yêu cứu độ con người là một tình yêu vô hạn của Thiên Chúa Cha; và Ngôi Lời Thiên Chúa tự nguyện hy sinh “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (3,16).
Sự xuất hiện của Ni-cô-đê-mô như là một điển hình của việc Thiên Chúa yêu thế gian. Cho dù là thành viên thượng hội đồng, tổ chức gây ra cái chết của Chúa Giêsu, nhưng khi lắng nghe những lời giảng dạy của Chúa Giê-su trong hội đường, ông đã bị đánh động và nhận ra chân lý. Bỏ qua vai trò và địa vị của mình, ông Ni-cô-đê-mô đã đến gặp gỡ Chúa Giê-su cách kín đáo. Chính nhờ vào lòng thiện chí lắng nghe và đón nhận của ông mà chúng ta biết được bản chất của tình yêu Thiên Chúa và lòng dạ chính mình: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (3,14-15). Thiên Chúa chấp nhận đi vào một tình yêu trao hiến, “bất chấp” cho việc con người bất tín bất trung. Hình ảnh Ni-cô-đê-mô như là một niềm hy vọng của Thiên Chúa về con người, mong con người trở về với sự thật, đứng về phía ánh sáng. Tin Mừng Gioan nói về ba lần gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Ni-cô-đê-mô. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của Ni-cô-đê-mô với Chúa Giêsu. Lần gặp gỡ thứ hai, Ni-cô-đê-mô đứng trên lập trường bênh đỡ và bảo vệ Chúa Giêsu (Ga 7,48-52). Và lần thứ ba Ni-cô-đê-mô chính là người mang thuốc thơm đến để mai táng Chúa Giêsu (Ga 19,39-40). Phải chăng Ni-cô-đê-mô là con người điển hình mà Chúa Giêsu muốn tất cả hãy trở nên như ông ấy?
Chúa Nhật hôm nay, chúng ta được mời gọi sống niềm vui, vì ơn cứu độ của chúng ta là sáng kiến của chính Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là Đấng khởi sự để tác động cho ơn cứu độ và cuộc giải phóng tự do nơi con người được thực hiện. Điều đó được thể hiện trong bài đọc thứ nhất (2 Sbn 36,14-16.19-23), Thiên Chúa đã tác động trên tâm trí vua Ky-rô để ông ban sắc chỉ cho dân tộc Israel được hồi hương. Chính thánh Phao-lô cũng xác định tất cả là do ân huệ của Thiên Chúa (bài đọc 2): “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải là bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Ep 2,8).
Việc của chúng ta là làm gì? Chúng ta đã đối thoại với Chúa rất nhiều qua kinh nguyện, qua kinh nghiệm sống, và đối thoại với Chúa Giêsu nơi bàn tiệc thánh. Nhưng sau biết bao nhiêu cuộc đối thoại, điều ta cần và điều ta nhận được là gì? Đó phải là tiến trình của việc đối thoại, lắng nghe, nhận biết và sống những giá trị đến từ Thiên Chúa, như chính Ni-cô-đê-mô đã làm.
Giá trị ơn cứu độ không phải là món quà “cho không biếu không”. Nguồn ân sủng của Thiên Chúa thì vô hạn, nhưng việc lãnh nhận phải xứng đáng. Có lần Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” (Mc 7,27). Chúa Giêsu xác nhận chỉ con cái mới được nhận ơn thánh. Vậy, ai mới là con cái? Ai xứng đáng được lãnh nhận? Vì thế, ơn cứu độ ngang qua hình ảnh của Ni-cô-đê-mô, chỉ dành cho những ai biết theo đuổi giá trị ơn ấy đến cùng, như Ni-cô-đê-mô đã đi đến tận đồi Cal-vê để cùng Chúa Giêsu đi vào nơi huyệt đá.
Chúa Giêsu mời gọi các thính giả phải sống theo sự thật và đến cùng ánh sáng. Chúng ta không thể lãnh nhận ơn cứu độ từ mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô khi thực hiện những điều ác và sống trong bóng tối: “Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,2-21).
Ông Ni-cô-đê-mô đã sớm nhận ra Chúa Giê-su là nguồn tình yêu và sự thật, nên dám theo đuổi, và theo đuổi đến cùng, ngay cả khi đối diện với cái chết của Chúa Giê-su. Chúng ta có dám theo đuổi hay không, có dám đánh đổi những bận tâm của cuộc sống hiện tại để theo đuổi một tình yêu như thế hay không? Câu trả lời thuộc về mỗi người chúng ta.