Chúa Nhật V MC năm B
Gr 31,31-34; Hr 5,7-9; Ga 12,20-33
Thuở xưa, khi thiết lập giao ước với dân Israel tại núi Sinai, Thiên Chúa đã tuyên bố sẽ nhận dân làm dân riêng, còn dân sẽ tin nhận và tôn thờ Thiên Chúa là Chúa duy nhất của mình. Tuy nhiên, qua bao lần thiết lập và tái lập giao ước, Dân Chúa vẫn cứng lòng, vẫn nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa dành cho mình. Họ đã vi phạm giao ước với Thiên Chúa, ra khỏi đường lối Đức Chúa, chạy theo các thần của dân ngoại, học đòi lối sống của dân ngoại để rồi Thiên Chúa phải dùng đến hình phạt lưu đày để thanh luyện dân.
Qua miệng ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc I, Thiên Chúa đã một lần nữa lên tiếng, rằng Người sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới. Lề luật này không phải ghi khắc trên bia đá, hay bằng chữ viết, nhưng được ghi vào lòng dạ, được khắc vào tâm khảm. Đức Chúa sẽ là Thiên Chúa của dân Israel, còn dân Israel sẽ thuộc quyền sở hữu của Đức Chúa. Thiên Chúa cũng sẽ tha thứ tội ác cho dân và sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của dân nữa (x.Gr 31,31a.33b.34b).
Giao ước mới mà Thiên Chúa đã hứa, sẽ được hiện thực hóa nơi Đức Giêsu Kitô, Người Con chí ái của Chúa Cha, Đấng được sai đến thế gian để mặc khải cho con người biết về Thiên Chúa và ý muốn cứu độ của Người. Đồng thời, Đức Giêsu sẽ dùng cái chết và sự phục sinh của mình, để thiết lập một giao ước vĩnh cửu với loài người. Giao ước này sẽ thay thế cho giao ước cũ đã bị vi phạm, sẽ tồn tại vĩnh viễn, và dành cho mọi thế hệ cho đến ngày tận thế.
Nếu như năm xưa, khi thiết lập giao ước, ông Môsê đã lấy máu con vật sát tế rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em…” (Xh 24,8), để làm bằng chứng sự ký kết giao ước giữa Thiên Chúa và dân, thì hôm nay, nơi thập giá Đức Kitô, chính Thiên Chúa đã lấy Máu của Con mình để ký kết và bảo đảm cho giao ước mới, giao ước vĩnh cửu. Không thể có máu đổ ra nếu không có người tự nguyện hi sinh chịu chết. Thánh Phaolo đã cho chúng ta thấy điều này: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Chính Đức Giêsu đã khẳng định trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Hạt giống Giêsu đã được Thiên Chúa gieo vào thế gian này. Để thực thi thánh ý Chúa Cha, hạt giống Giêsu tự nguyện chịu chôn vùi khi đón nhận cuộc khổ nạn và chịu chết, để làm nảy sinh sự sống và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người (x.Hr 5,8-9).
Như vậy, chính vào lúc Đức Giêsu gục đầu tắt thở trên thập giá, để cho máu và nước chảy ra từ cạnh sườn, Thiên Chúa thiết lập một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu, giao ước được dành cho muôn người. Giây phút đau khổ của Đức Giêsu lại là giây phút Thiên Chúa siêu tôn Con của Ngài, và tặng ban nhiều danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Để rồi, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa (x.Pl 2,9-11).
Hạt giống Giêsu đã chịu chôn vùi, nhờ đó mà sự sống nảy sinh và sinh nhiều hạt giống Kitô hữu khác. Đến lượt những hạt giống Kitô hữu đã được nảy sinh từ hạt giống Giêsu phải tiếp tục những ngày tháng chịu chôn vùi của mình bởi vì người Kitô hữu không có một đời sống nào khác, không có một con đường nào khác, ngoài việc noi gương và bước vào con đường thập giá Đức Giêsu đã đi. Hơn nữa, chính Đức Giêsu đã khẳng định: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12,25-26).
Mạng sống của chúng ta hiện tại được mua bằng giá Máu của Đức Kitô, để chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta (x. 2Cr 5,15). Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa, vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết (x.Rm 14,7-9). Sự sống của chúng ta là của Chúa. Dù chúng ta sống hay chúng ta chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa. Vậy thì chẳng có lý do gì khiến chúng ta không dám hiến dâng sức khỏe, tài năng, trí tuệ và cả mạng sống mình vì những người được trao phó cho mình và cho anh chị em của mình.
Hãy tiếp tục là những hạt giống Kitô hữu được chôn vùi, để phát sinh nhiều hoa trái tốt lành. Chôn vùi lòng thù hận, sẽ được gặt yêu thương, hạnh phúc. Chôn vùi sự bất trung để được gặt sự trung thực và niềm tin của mọi người. Chôn vùi sự ích kỷ để gặt được lòng tốt và tình bằng hữu. Chôn vùi sự kiêu căng, sẽ được gặt lòng cao thượng. Chôn vùi sự đố kỵ, ghen ghét, để gặt lòng kính trọng và sự hòa thuận. Chôn vùi sự lười biếng trì trệ để được gặt thành công. Chôn vùi sự cay đắng, để được gặt thân tình. Chôn vùi tính tham lam, để gặt lòng quảng đại. Chôn vùi những bịa đặt, nói hành nói xấu, để gặt niềm tin và sự chân tình. Chôn vùi những tội lỗi xấu xa, những đam mê tật xấu, để gặt những tiến bộ và nhân đức. Chôn vùi con người củ để trở thành thánh nhân.
Cha mẹ chịu chôn vùi những mồ hôi nước mắt, để gặt một gia đình hạnh phúc. Cha mẹ chịu chôn vùi những ý muốn và sở thích riêng, để gặ tình yêu và sự kính trọng nơi con cái. Cha mẹ chịu chôn vùi những tật xấu và những đam mê của mình, để gặt được những người con biết vâng lời và sống thánh thiện.
Nếu chúng ta không chịu chôn vùi ngay từ bây giờ, thì đừng mong sẽ có được những hoa trái tốt lành về sau. Và rồi, hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành sẵn cho chúng ta, sẽ chẳng bao giờ thuộc về chúng ta, nếu chúng ta không cố gắng sống theo ý Chúa ngay từ lúc này. Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người… (x.2 Tm 2,11-12).
Lạy Chúa, xin giúp con luôn vững tin vào một tương lai tươi sáng, và ban ơn can đảm để chúng ta dám chấp nhận những hy sinh để được bước đi trên con đường thập giá tiến tới vinh quang. Nhờ đó, mang lại ích lợi cho mọi người và góp phần xây dựng Giáo Hội Chúa. Amen.