CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B
2 Sm 7,1-5.8-12.16; Rm 16,25-17; Lc 1,26-38
Bài đọc I kể lại cho chúng ta một tâm sự thật đẹp về vị vua nổi tiếng của Israel, vua Đavít. Sau khi thống nhất và đưa đất nước Do Thái tới một thời kỳ hưng thịnh, và từ trên ngai vàng thấy một bầy tôi an bình và hạnh phúc, Đavít chợt áy náy trong lòng vì hòm bia Thiên Chúa lúc bấy giờ vẫn được đặt trong một chiếc lều tạm như thời dân còn đang du thủ du thực trong sa mạc. Nỗi áy náy ấy thúc bách Đavít đi tới quyết định xây cho Chúa một đền thờ khang trang xứng đáng. Mặc dù mãi cho đến cuối đời, vua Đavít vẫn chưa thể thực hiện được ước mơ tốt lành ấy. Trước tấm lòng hiếu thảo của ông, Thiên Chúa đã hứa rằng: ‘Triều đại của ông sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Chúa.’
Lời hứa ấy tưởng chừng bị quên lãng khi nước Do Thái từ bắc tới nam lần lượt rơi vào tay ngoại bang, và kéo theo cuộc đại lưu đày ở bên Babylon. Sau khi hồi hương trở về, nước Do Thái được cai trị bởi các tên tuổi khác, và người ta không còn nghe nói gì đến sự xuất hiện trổi vượt của những khuôn mặt hay tên tuổi xuất thân từ dòng dõi vua Đavít nữa mà thay vào đó là một Giuse nghèo hèn, làm thợ mộc sống qua ngày tại làng quê hẻo lánh Nagiarét. Dường như thánh Giuse chẳng có chút gì đáng tự hào hay tự mãn về gốc gác con cháu Đavít của mình.
Đột nhiên trong cuộc đối thoại với Đức Maria, qua biến cố truyền tin mà Thánh sử Luca thuật lại, thiên sứ Gabriel khẳng định rõ ràng với Đức Maria rằng: Thiên Chúa sẽ ban cho Con Trẻ mà Mẹ sắp thụ thai ngôi báu Đavít tổ phụ Người và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận. Một cách hiển nhiên Đức Maria với lời thưa xin vâng đã trở nên nhân vật chính trong câu chuyện giáng sinh, nhưng ta sẽ thật khó để nối kết làm sao lời hứa này với lời Thiên Chúa đã hứa năm xưa với vua Đavít qua miệng tiên tri Natan: ‘Triều đại của ông sẽ vững chắc đến muôn đời’ bởi vì Đức Maria đâu có liên quan gì đến dòng dõi vua Đavít.
Vậy đâu là cầu nối giữa lời hứa của Thiên Chúa với Đavít năm xưa và lời loan báo của sứ thần Gabriel cho Đức Maria trong biến cố truyền tin?
Có một nhân vật được kể là chiếc cầu nối này, nhưng đã không hề được đề cập tới trong cả ba bài đọc trong thánh lễ hôm nay chính là Thánh Giuse. Thánh Giuse không là một nhân vật chính yếu, nhưng lại là nhân vật không thể thiếu trong kế hoạch Nhập thể. Chính nhờ Ngài mà chiếc cầu nối giữa lời hứa năm xưa với hành động hôm nay của Thiên Chúa được thông thương. Khuôn mặt của Thánh Giuse tuy không nổi nang trổi vượt, không được nhắc đến nhiều như Gioan Tẩy giả, hay như Đức Maria và Hài Nhi Giêsu, nhưng khuôn mặt ấy cũng đáng cho mỗi chúng ta chiêm ngắm và bắt chước vì nó thật mộc mạc, thật thân thương và rất gần gũi.
Có lẽ Mẹ Thiên Chúa như Đức Maria thì chỉ có một, và vai trò là tiền hô cho Đức Kitô như Gioan Tẩy Giả cũng không có hai; nhưng một khuôn mặt âm thầm, lặng lẽ phục vụ luôn vừa vặn với mỗi người. Đó là một ‘điểm lặng’ thật nhỏ bé, thật khiêm tốn giữa muôn sắc màu rực rỡ khác của công trình Nhập thể.
Xin Thánh Giuse giúp mỗi người chúng ta biết góp phần mình vào việc chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh sắp tới bằng bất kỳ một việc gì đó, trong khả năng, không ồn ào, nhưng bằng một tình yêu mãnh liệt để làm nên một bản Giao Hưởng Tình Yêu mang tên Giê-su. Amen!