Mong chờ Giêsu
Chủ nhật - 13/12/2015 14:20
1812
Dòng đời trôi, bao tháng năm qua rồi.
Chuyện buồn chuyện vui, cho tôi mãi mong chờ!
Lòng chờ mong không biết đến bao giờ, gặp được Giê-su?
Rồi ngày nao tôi sẽ yêu thương nhiều, vì gặp được Giê-su!
Mùa NOEL lại sắp về trên quê hương yêu dấu! Ai ai cũng đều hướng về và bàn tính trang hoàng thế nào cho thật hoành tráng, các đơn vị/tiết mục văn nghệ đang ra sức tập luyện góp phần làm nên sự thành công của Đêm Hoan Ca. Bên cạnh đó, cũng có xứ đạo đã và đang tổ chức tĩnh tâm Mùa Vọng, giúp cộng đoàn lãnh Bí tích Hòa giải và gợi lên vài tâm tình đón chờ! Nhưng thiết nghĩ, có ít người đang “Mong chờ Giê-su, gặp được Giê-su” một cách thực sự. Nếu bạn mong chờ bạn sẽ tìm gặp, nếu bạn gặp được Giê-su đích thực, bạn sẽ biết yêu thương nhiều hơn, bạn sẽ sống tâm tình Mùa Vọng và đón mừng Mùa Giáng Sinh ý nghĩa và sốt sắng hơn. Vậy bạn đang mong chờ và tìm gặp Giê-su thế nào? Mời bạn cùng tôi đi tìm một vài ý nghĩa đích thực của Mùa Đợi Chờ.
Trước hết, Mùa Vọng là mùa sốt sắng và hân hoan mọng đợi (QLTQPV.số 39), là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh để kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Như vậy, Mùa Vọng chính là thời gian đợi chờ. Đợi chờ Chúa đến vào ngày quang lâm để ‘theo tội phúc mà thưởng phạt mỗi người’ (Tv 62,13; Kh 22,12) và cũng là để đợi chờ Chúa đến qua việc kính nhớ biến cố Ngôi Lời Nhập Thể.
Nhưng đợi chờ thế nào? Theo ý nghĩa của Tin Mừng, ta phải có thái độ ‘đợi chờ’ như chờ đón Chàng Rể đến. Nếu bầu khí Mùa Giáng Sinh như là mùa của những bữa tiệc cưới ‘của thịt béo của rượu ngon’, là mùa ắp đầy ‘bầu khí tân hôn’, bầu khí của nỗi hân hoan và niềm vui mừng, và ‘bầu khí yến tiệc’ ấy sẽ kéo dài mãi cho đến khi chàng rể được đem đi. Nếu chàng rể được đem đi như thế, thì chỉ trong chốc lát, chàng rể sẽ trở lại; khi ấy niềm vui của ngày trở lại sẽ gia tăng gấp bội vì niềm vui ấy mới chính là niềm vui trọn vẹn, niềm vui đã lên đến đỉnh điểm, niềm vui của tân lang bên tân giai nhân của mình. Như thế, tâm tình lớn nhất bao trùm các bạn của chàng rể không gì khác hơn là tâm tình đợi chờ, mà bản chất của việc đợi chờ là sám hối.
Sám hối để biết đợi chờ? Trong Tin Mừng, Gioan Tẩy giả đã kêu gọi mọi người ‘hãy chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối hầu được ơn tha tội’ (Mc 1,4). Nếu phép rửa là dấu chỉ hữu hình của lòng sám hối mà nhờ đó Thiên Chúa thương tha thứ tội lỗi cho tội nhân, thì việc đầu tiên mỗi người phải thực hiện đó là lòng sám hối, là ăn chay.
Đến đây, khi nói: Sám hối là thái độ cần có của Mùa Đợi Chờ, sẽ làm cho nhiều người ngộ nhận hay lầm lẫn với Mùa Chay… Nhưng chúng ta cứ đi tới cùng xem sao?
Thuật ngữ ‘ăn chay’ làm ta liên tưởng đến một sự tiết chế, giảm bớt hay kiêng khem. Khi thực hiện những hành động này chắc chắn sẽ làm các bạn của chàng rể cảm thấy khao khát vì thiếu thốn. Lúc ấy tâm hồn họ sẽ giống như chiếc ly, nhờ chay tịnh, sẽ càng ngày càng trở nên rỗng không. Nếu việc chay tịnh được thực hiện cách triệt để, thì chắc chắn chiếc ly tâm hồn của họ sẽ trở nên rỗng không cho đến tận đáy. Vì thế, vào giờ chàng rể trở lại, niềm vui sẽ thực sự trở nên sâu lắng và tròn đầy khi nó đong đổ đầy ắp vào chính sự rỗng không mà các bạn chàng rể đã nỗ lực thực hiện trong suốt thời gian đợi chờ.
Trái lại, nếu họ đã không nỗ lực chay tịnh để làm cho chiếc ly tâm hồn trở nên rỗng không trong thời gian đợi chờ, thì khi niềm vui của ngày chàng rể trở lại nếu có ùa đến, niềm vui ấy sẽ chẳng có chỗ để đổ vào. Hoặc nếu có, cũng chỉ là một chút sóng sánh bên ngoài trên bề mặt của chiếc ly rồi vội vã bị cuốn đi một cách mau chóng.
Như thế, Mùa Vọng là thời gian thật thích hợp để chay tịnh, để tiết chế, để giảm bớt. Điều đó không hề làm giảm đi cường độ của niềm vui trong đời sống, nhưng chỉ là bước cần thiết để làm cho niềm vui ấy được nhân lên gấp bội. Hơn nữa, nếu nhìn trong lăng kính của thời gian mỗi người đợi chờ Chúa đến vào ngày tận cùng để xét xử, thì cuộc đời của mỗi Kitô hữu chính là một mùa vọng kéo dài. Độ ngắn dài của mùa vọng ấy là hoàn toàn khác nhau nơi mỗi người, nhưng mọi người đều có chung một tâm tình, đó là đợi chờ. Và vì thế, việc chay tịnh sẽ không bao giờ không có chỗ đứng trong đời sống của Giáo hội, của mỗi cộng đoàn, của mỗi Kitô hữu trong gian đợi chờ thời Chàng Rể trở lại.
Giuse Phạm Quang