Kinh Mân Côi trong đời sống đạo hôm nay

Thứ hai - 05/10/2020 06:58  2500
unnamed 11. Nguồn gốc Kinh Mân Côi

Căn cứ vào các nguồn tài liệu đáng tin nhất, một của Á Thánh Alan de la Roch, trong cuốn “De Dignitate Psalteri”, và một của Thánh Louis Marie Grignion de Monfort, trong cuốn “Bí Mật Kinh Mân Côi”, thì chính Đức Mẹ đã ban Kinh Mân Côi và dạy Kinh Mân Côi cho thánh Đaminh. Đức Thánh Cha Gregory XII cũng cho rằng: “Kinh Mân Côi được chính Thánh Đaminh thiết lập để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa và để cầu xin Rất Thánh Trinh Nữ bầu cử”.

Chính Đức Mẹ Maria cùng ba Thiên Thần theo hầu đã hiện ra với Thánh Đaminh mà nói:
Đaminh yêu dấu, con có biết Ba Ngôi Thiên Chí Thánh muốn dùng khí giới nào để canh tân thế giới không?
Thánh Đaminh đáp: Ôi lạy Mẹ, Mẹ biết rõ hơn con, vì ngay sau Chúa Giêsu, Con Mẹ, Mẹ luôn là khí cụ chính yếu cho phần rỗi cùa chúng con.
Bấy giờ Đức Mẹ nói: Mẹ muốn cho con biết rằng, trong loại trận chiến này, khí giới cần phải dùng bao giờ cũng là Thánh Vịnh Thiên Thần, viên đá nền tảng cùa Tân Ước. Do đó, nếu con muốn giảng dạy cho các linh hồn cứng lòng và đem họ về với Chúa, con hãy rao giảng Thánh Vịnh này của Mẹ.
Từ đó, thánh Đaminh đã là sứ giả của Đức Mẹ và là tông đồ tiên khởi truyền bá Kinh Mân Côi từ năm 1214.

Như vậy, Kinh Mân Côi được chính Đức Mẹ Maria ban cho Giáo hội qua thánh Đa Minh. Ngài đã được Đức Trinh Nữ dạy làm phương tiện cải hóa những người theo phái Albigense và các người tội lỗi khác. Sự kiện thánh Đa Minh được Đức Mẹ ban tràng chuỗi Mân Côi không những được ghi lại bằng những văn bản mang tính lịch sử, mà còn được diễn tả bằng chính kinh nguyện Mân Côi. Kinh Mân Côi được thành hình chính yếu và căn bản gồm Lời Đức Giê-su dạy các tông đồ của Người về cách Cầu Nguyện với Thiên Chúa Cha (Kinh Lạy Cha – Mt 6, 7-13) và Lời Sứ thần Gabriel chào Mẹ Maria khi báo tin Ngôi Lời nhập thể (Kinh Kính Mừng).

Trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo hội, nhiều lần Đức Mẹ Maria hiện ra với các nhân chứng lịch sử, mỗi lần hiện ra nơi này nơi nọ, Mẹ Maria đều cầm tràng chuỗi Mân Côi trên tay, và luôn nhắc nhở con cái của Mẹ lần chuỗi Mân Côi như ở Fatima (Bồ Đào Nha), ở Lộ Đức (Pháp), hay ở La Vang (Việt Nam),... Trong cả 6 lần hiện ra tại Fatima với Lucia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đã kêu gọi các em hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày.

Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã giải thích thật rõ ràng Kinh Mân Côi như sau: “Kinh Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria... Kinh Mân Côi chính là cuốn Tin Mừng thu gọn. Đọc kinh Mân Côi là chiêm ngắm và suy niệm cuộc đời của Chúa Giê-su để chúng ta đón nhận giáo huấn của Chúa và thực thi những gì người dạy.”

2. Chiêm ngắm và suy niệm Kinh Mân Côi như thế nào?

Toàn bộ chuỗi Kinh Mân Côi bao gồm 20 chục kinh (20 mầu nhiệm của chuỗi Kinh Mân Côi: Năm Sự Vui, Năm Sự Sáng, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng). Khi đọc mỗi chục chúng ta tôn vinh một mầu nhiệm của chính đời sống Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria, bắt đầu từ khi Truyền Tin cho Đức Maria về mầu nhiệm Nhập Thể và kết thúc bằng việc Mẹ khải hoàn đội vương miện trên trời. Mỗi chục gồm 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 kinh Sáng Danh. Mỗi chuỗi kinh gồm 5 chục kinh, vì chuỗi được làm để đọc mỗi lần năm chục kinh trong khi suy gẫm một chuỗi mầu nhiệm.

Trước hết, chúng ta hãy khẩn nài Chúa Thánh Thần để xin được đọc kinh Mân Côi cách sốt sắng, chúng ta hãy đặt mình trong giây lát trước sự hiện diện của Thiên Chúa và dâng các chục kinh…

Tùy thuộc vào thời gian chúng ta có, hãy tạm dừng một chút hay lâu hơn để suy gẫm về mầu nhiệm mà chúng ta sắp tôn vinh trong chục kinh đó. Do bởi mầu nhiệm này và qua lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta đừng bao giờ quên xin một trong những nhân đức tỏa sáng nhất trong mầu nhiệm này hoặc một trong những điều chúng ta đặc biệt cần.

Cách chiêm ngắm và suy niệm chuỗi Kinh Mân Côi một cách đầy đủ và trọn vẹn như sau:
Dấu Thánh Giá
Kinh Tin Kính
1 Kinh Lạy Cha
3 Kinh Kính Mừng
1 Kinh Sáng Danh và Lời nguyện Fatima: “Lạy Chúa Giê-su, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”.

Tiếp theo chúng ta suy gẫm màu nhiệm đầu tiên (trong năm màu nhiệm mà chúng ta sẽ chiêm ngắm và suy niệm).

Sau đó chúng ta đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh sáng danh và Lời nguyện Fatima: “Lạy Chúa Giê-su, xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”.

Sang màu nhiệm tiếp theo, chúng ta sẽ lặp lại trình tự như trên cho tới khi hoàn thành hết cả năm mầu nhiệm.

Cuối cùng, chúng ta đọc Kinh Lạy Nữ Vương, Kinh Trông Cậy và Dấu Thánh giá.

3. Kinh Mân Côi trong đời sống đạo của mỗi chúng ta hôm nay

Trong thời đại của chúng ta ngày hôm nay, với biết bao những thăng trầm đổi thay thách đố biến động của thời cuộc, đặc biệt là đời sống đạo của mỗi người Kitô hữu chúng ta cần đến Kinh Mân Côi hơn bao giờ hết. Việc chúng ta chiêm ngắm và suy niệm Kinh Mân Côi là một việc làm đạo đức và có giá trị nhất giúp chúng ta sống đạo tốt hơn, đẹp lòng Chúa và Mẹ Maria hơn.

Mỗi lần chúng ta chiêm ngắm và suy niệm Kinh Mân Côi là chúng ta lặp đi lặp lại những lời kinh trọng nhất, đẹp nhất trong đạo Công Giáo của chúng ta. Bắt đầu là Kinh Lạy Cha, lời kinh do chính Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người cách cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, lời kinh trọng nhất. Và tiếp đến là 10 Kinh Kính Mừng, vốn là lời kinh cũng có nguồn gốc từ Tin Mừng. Đi kèm là việc luân phiên suy gẫm 20 mầu nhiệm Tin Mừng gắn liền với công trình nhập thể và cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, trong đó Đức Mẹ luôn luôn góp phần một cách trực tiếp.

Chính Đức Mẹ Maria trong mỗi lần hiện ra với con cái loài người, Mẹ luôn khuyến khích con cái của Mẹ lần chuỗi Mân Côi để qua đó chúng ta được Đức Mẹ thương ban cho những ơn mà chúng ta cầu xin Thiên Chúa. Thiết nghĩ việc lần chuỗi Mân Côi phải luôn là việc làm đạo đức hàng ngày của con cái yêu quí của Mẹ Maria.

Tuy nhiên, thực tế ngày hôm nay nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là giới trẻ chưa hiểu, chưa thuộc hoặc thậm chí là không biết Kinh Mân Côi là kinh gì, là kinh như thế nào và đọc ra làm sao. Đó cũng là một thách đố đòi hỏi trách nhiệm của những người hữu trách, của các bậc làm cha mẹ,... và của mỗi Kitô hữu chúng ta.

Trong mỗi người chúng ta, đâu đó đã một lần được nghe một câu hỏi hay một thắc mắc của một ai đó rằng Kinh Mân Côi là kinh gì? Đọc như thế nào? Đọc vào thời gian nào?... Nếu chúng ta không biết, không thuộc, không hiểu thì làm sao chúng ta có thể giải thích một cách thấu đáo, đầy đủ cho người hỏi được? Người lớn phải có trách nhiệm giải thích và dạy dỗ cho những người trẻ, đặc biệt là con em mình học hiểu và suy niệm về Kinh Mân Côi để giúp con em mình sống đạo ngày một tốt hơn.

Cụ thể hơn, chính các bậc làm cha mẹ hãy nêu gương sáng cho con cái mình. Đây là điều quan trọng nhất. Nếu không chính các bậc làm cha mẹ là những người có lỗi trước mặt Chúa. Mai sau ra trước tòa phán xét, Chúa sẽ hỏi các bậc cha mẹ về trách nhiệm này, trách nhiệm răn dạy và làm gương sáng cho con cái của mình. Cha mẹ mà không có lòng yêu mến Chúa, không đọc kinh lần chuỗi thì khó mà mong con cái có được lòng yêu mến Chúa, Mẹ Maria và yêu mến chuỗi Kinh Mân Côi.

Có một thực tế đáng buồn là ngày hôm nay, nhiều bậc cha mẹ phó mặc việc dạy dỗ con cái giữ đạo, sống đạo là việc của các cha xứ, của giáo lý viên,... Ước mong các bậc làm cha mẹ hãy quan tâm và danh thời gian để giáo dục con cái trong việc sống đạo, luôn làm gương cho con cái noi theo bằng chính những việc làm đạo đức đơn giản hàng ngày như tổ chức và duy trì thói quen giờ kinh sáng tối trong gia đình, đọc lời Chúa hằng ngày,... có như vậy con cái của chúng ta mới có thể sống đạo tốt và tương lai của mỗi người, mỗi gia đình và tương lai của giáo hội phụ thuộc vào chính những hành động nhỏ được duy trì và những lời kinh cầu nguyện của mỗi chúng ta ngày hôm nay.

Các gia đình trẻ trong đời sống đạo hôm nay cũng phải đối mặt với nhiều thách đố của thời cuộc. Các bạn trẻ thường dành quá nhiều thời giờ cho công việc, cho những nhu cầu vật chất mà quên đi đời sống tinh thần sống đạo hàng ngày, quên thời gian dành cho Chúa và Mẹ Maria, quên cầu nguyện chung với nhau mỗi tối. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, những gia đình trẻ nếu đang và sẽ bị các sự dữ tấn công, tiền tài, danh vọng, đam mê hưởng thụ và việc sống đạo gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguy cơ khác nhau nhằm lôi kéo các thành viên ra khỏi gia đình của mình, thảm họa ly lị ly thân ngày một tăng... thì Kinh Mân Côi chính là vũ khí lợi hại nhất để đẩy lui sự dữ. Hãy cậy trông và bám lấy Mẹ Maria thì chúng ta sẽ thoát khỏi đời sống Hôn Nhân rơi vào bế tắc, để hàn gắn lại vết đau thương và sống với nhau trong một gia đình hạnh phúc yêu thương nhau.

Gia đình mà đọc chung Kinh Mân Côi tạo nên được bầu khí yêu thương trong gia đình. Mẹ Maria sẽ cùng đồng hành với chúng ta trong đời sống hôn nhân gia đình nếu chúng ta biết kêu cầu và chạy đến bên Mẹ mỗi ngày. Hãy duy trì các giờ kinh tối chung trong gia đình. Đây là một truyền thống tốt lành của nhiều gia đình. Truyền thống đọc kinh chung có nhiều mối lợi như tạo một thói quen đạo đức, giúp các thành viên biết tôn trọng giờ giấc sinh hoạt chung của gia đình, củng cố và duy trì sự hiệp nhất trong gia đình, duy trì lòng đạo đức chung và khi cầu nguyện chung thì có Chúa luôn ở giữa, con cái được thừa hưởng truyền thống đạo đức từ cha mẹ, ông bà.

Ước gì mỗi người, mỗi gia đình luôn chạy đến cầu xin với Mẹ Maria qua Kinh Mân Côi để nhờ đó kín múc được những ơn lành mà Thiên Chúa và Mẹ Maria sẽ thưởng ban cho mỗi người chúng ta. Amen.

Tác giả: Hạt cát bé nhỏ - BPXN

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập328
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm256
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại914,422
  • Tổng lượt truy cập78,917,873
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây