Học viện Thần học Têrêsa Avila Bùi Chu
Chủ đề: Đời sống chung dưới ánh sáng của Tin mừng với những cái khôn, cái khốn, cái khó và cái không của người môn đệ
Lời mở
Kính thưa cộng đoàn,
Giây phút trang nghiêm và thinh lặng thánh đã và đang tràn ngập tâm hồn chúng ta. Ta thinh lặng để lắng nghe. Ta trang nghiêm để cung kính mầu nhiệm tình yêu. Nếu ngày thứ Năm Tuần Thánh ta chiêm ngắm chiều sâu của tình yêu Giêsu, một tình yêu quỳ cúi để rửa chân cho môn đệ, thì hôm nay, ngày thứ Sáu Tuần Thánh, ta cùng với Giáo Hội chiêm ngắm chiều cao của tình yêu Giêsu, một tình yêu cao vời. Vì tình yêu này mà Chúa phải chịu tội, bị nhục mạ, phải vác thập giá, và bị treo thân trên cây thập tự.
Suy niệm 14 chặng đàng Thánh giá dưới cái nhìn của các tác giả Tin mừng, để soi rọi vào cộng đoàn chúng ta, vào chính đời sống chúng ta, để ta hiểu vì sao Chúa phải vác thập giá, vì sao Chúa phải chết cho cộng đoàn và cho nhân loại.
Sau cùng, chúng ta dâng những chặng đàng Thánh giá này lên Chúa, để xin Chúa cho đại dịch covid đang hoành hành sớm chấm dứt.
Giờ đây, xin cộng đoàn cùng hát kinh Chúa Thánh Thần
Nơi Thứ Nhất
Tại Tòa Án Philatô
Cái KHÔN đầu tiên: thích chỗ nhất - chỗ ngồi
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu: “Khi ấy, bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Chúa Giêsu (…) và: "Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài" (Mt 20,20).
Thực tế: Con người hay bị cám dỗ về quyền bính. Người ta làm tất cả để có được cái quyền, làm tất cả để có được cái thế, thậm chí người ta có thể dùng tiền để mua hay tìm cách lấy lòng người khác để có.
Suy niệm: Chỗ ngồi tượng trưng cho quyền bính. Người ngồi trên ghế cao tượng trưng cho quyền cao. Ghế càng cao thì quyền càng trọng. Quyền bính được Thiên Chúa trao cho con người là để con người phục vụ lẫn nhau, phục vụ công lý. Thế nhưng, một số lại dùng quyền để hành. Philatô đã dùng quyền để hành quyết Chúa cách bất công chỉ vì ông chiều tâm lý đám đông, ông sợ mất ghế.
Lời nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vác thánh giá không phải chỉ cho một mình Philatô năm xưa, mà Chúa cũng đang vác cho cả những Philatô của thời đại hôm nay vì những cái KHÔN trần thế. Xin cho mỗi người chúng con biết cảm thông, chia sẻ với những người đang có trách nhiệm trong cộng đoàn.
Nơi Thứ Hai
Chúa Giêsu Vác Thánh Giá
Cái KHÔNG thứ nhất: không chấp nhận tất cả những gì mình là
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu: “Khi ấy Chúa Giêsu phán: ‘Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy’” (Mt 10,38).
Thực tế: Không ai hiểu mình bằng ta và cũng chẳng ai biết ta bằng mình. Nhưng khi biết mình và hiểu mình như thế, ta lại rơi vào một sự cân đo đong đếm và so sánh với người khác. Từ đây, ta thường nảy sinh một trạng thái tâm lý bất thường: buồn vì mình KHÔNG được như người, chán khi mình KHÔNG được bằng người.
Suy niệm: Thiên Chúa là Đấng vô cùng hoàn hảo. Vì thế, khi tạo dựng ta, ta là một tác phẩm tuyệt hảo của Chúa. Chúa yêu thương ta, Chúa dắt dìu ta, Chúa mời gọi ta và Chúa cũng chấp nhận ta với tất cả những gì ta là.
Lời nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đã KHÔNG chấp nhận con người của con, nhưng Chúa, Chúa lại đã chấp nhận con. Phải chăng thập giá mà Chúa đã vác chính là thập giá của con? Phải chăng do con KHÔNG vác con nên Chúa đã vác con? Giờ đây, lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra rằng con người của con là một tuyệt phẩm mà Chúa đã dựng nên. Xin cho con KHÔNG buồn vì con là nhưng con buồn vì con không hiểu ý Chúa là tác giả đời con. Amen.
Nơi Thứ Ba
Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
Cái KHÔNG thứ hai: không quy về Chúa
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca: “Khi ấy, có hai người lên đền thờ cầu nguyện: Một người Pharisiêu và một người Thu thuế. Người Pharisiêu đứng thẳng cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: Tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”. (Lc 18, 9-10).
Thực tế: Khuynh hướng tự nhiên của con người là hay quy về mình, hay lấy mình làm thước đo, để đo cho ta và đo cho người. Khi cân cho ta bao giờ ta cũng thấy mình hơn. Khi đo cho người khác bao giờ ta cũng thấy người khác hụt. Khi đong cho mình bao giờ cũng đong cho mình nhiều. Và khi đếm cho người thì bao giờ cũng đếm thiếu cho người.
Suy niệm: Khi thành công, tôi luôn quy về tôi. Nhưng khi thất bại, tôi luôn có lý do. Nào là tôi KHÔNG phải là người kia. Tôi KHÔNG như người kia. Mọi việc tôi làm, mọi lời tôi nói đều có lý do và hoàn cảnh. Nếu tôi có mắc lỡ lầm thì lỡ lầm của tôi cũng chẳng đáng gì so với người khác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều phải quy hướng về Chúa. Mọi vinh quang, danh dự và uy quyền đều thuộc về Chúa. Chúa KHÔNG có tội. Chúa KHÔNG phải vác thập giá vì thập giá là của con người. Chúa KHÔNG đáng phải ngã nhưng Chúa đã ngã vì những cái ngã của con người. Chúa ngã xuống để con người đứng lên. Giờ đây, lạy Chúa, xin cho con biết sống sao cho xứng với tình yêu của Chúa.
Nơi Thứ Bốn
Đức Mẹ gặp Chúa Giêsu vác thánh giá
Cái KHÔNG thứ ba: không bước đi cùng Thầy
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu: “Khi ấy, Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” (Mt 16, 22).
Thực tế: Lý tưởng của đời dâng hiến là mọi người trong cộng đoàn cùng chung một chí hướng hay cùng chung một lối đi. Thế nhưng, thực tế của cộng đoàn cho thấy, tuy là một thành viên trong cộng đoàn nhưng có khi ta lại KHÔNG đi chung lối với cộng đoàn. Có những lần ta để họ tự bước đi dù biết rằng họ phải bước đi trong cô đơn và lo sợ.
Suy niệm: Phêrô năm xưa tuy bước đi bên Chúa nhưng lại KHÔNG chung một lối đi với Chúa. Chúa muốn về Giêrusalem còn Phêrô lại muốn tránh lối ấy để rẽ sang một lối đi khác. Chính vì vậy, trên đường Chúa lên đồi Canvê thì đã KHÔNG có Phêrô. Phêrô đã đi lối khác còn Chúa thì bước đi trong cô đơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trên con đường thập giá con KHÔNG thấy Phêrô và cũng CHẲNG thấy bóng dáng của con. Chỉ có Chúa ở đó. Chỉ có Mẹ bên Chúa. Xin cho con biết đi với Chúa. Xin cho con luôn bước đi cùng cộng đoàn khi cộng đoàn vui hay cộng đoàn buồn. Khi con buồn hay con vui thì con cũng vẫn chung lối với cộng đoàn.
Nơi Thứ Năm
Ông Simon Vác Đỡ Thánh Giá Chúa
Cái KHÔNG thứ tư: không san sẻ
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta và chúng con đã ngăn cấm y” (Mc 9,37).
Thực tế: các môn đệ KHÔNG muốn Chúa thuộc về người khác. Trái lại, các ông muốn Chúa là của mình. Ngày nay, trong cộng đoàn, KHÔNG ít thì nhiều cũng có những suy nghĩ đóng khung. Muốn niềm vui là của riêng tôi, nhận thành quả là do sức tôi. Trên bình diện tập thể, nhiều người KHÔNG muốn san sẻ cho nhau những thứ thuộc về của chung như: thời gian, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại…
Suy niệm: Chúa KHÔNG là của riêng ai. Chúa là của mọi người. Chúa KHÔNG chịu người ta đóng khung rồi khám Chúa vào đó. Chúa KHÔNG muốn người ta xây những nhà nguyện thật to để nhốt Chúa vào trong đó. Trong ca khúc một đời người, một rừng cây đã chẳng có câu: “Chân lý thuộc về mọi người. Không chịu sống đời nhỏ nhoi” hay sao?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, các môn đệ Chúa đâu cả rồi mà con chỉ thấy có mỗi Simon dám ghé vai gánh vác thập giá? Có phải các môn đệ của Chúa chỉ muốn chia nhau niềm vui và phúc lộc, còn đau khổ và gian khó thì KHÔNG ai muốn nhận? Có phải các môn đệ của Chúa ngày xưa và hôm nay cũng như nhau? Xin cho con biết xấu hổ với lòng mình khi chỉ muốn Chúa là của mình, muốn mọi sự tốt đẹp là của mình, của cộng đoàn mình, để rồi từ đây, con biết chấp nhận con và người khác là của Chúa hơn Chúa là của riêng mình con.
Nơi Thứ Sáu
Bà Veronica lau mặt Chúa
Cái KHÔNG thứ năm: không thật
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát thêu: "Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp" (Mt 23,27).
Thực tế: KHÔNG phải lúc nào ta cũng mang bộ mặt thật của ta khi ta đến với Chúa và khi ta đến với nhau. Có lúc ta mang bộ mặt của người khác. Có lúc ta sống cuộc sống của người khác chứ KHÔNG phải của chính ta. Sự dối trá, hẹp hòi, ích kỷ, lười biếng, vv là những sự thật rất xấu xí của những môn đệ trong cộng đoàn. Ấy vậy nhưng lại được người môn đệ đánh bóng bằng chúng những lớp phấn hồng giả tạo.
Suy niệm: Trên đường thập giá, khuôn mặt của Chúa đã trở nên xấu xí vì những tội lỗi và sự giả tạo của chúng ta. Vì đâu nên thế? Thưa vì thương nên thế. Vì đâu nên nỗi? Thưa vì yêu nên nỗi. Chúa đã mặc lấy khuôn mặt xấu xí của ta để khuôn mặt của ta nên xinh đẹp. Veronica nhìn thầy phía bên trong của khuôn mặt tiều tụy, bầm dập là khuôn mặt của một Thiên Chúa tình yêu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết sống thật với lòng mình. Khi con đến với anh chị em, đến với tha nhân, con sống cách chân thành nhất. Vì nếu mỗi lần con sống KHÔNG thật thì con lại đeo thêm một cái mặt nạ nữa trên khuôn mặt của Chúa. Con xin Chúa tha thứ cho con.
Nơi Thứ Bảy
Chúa Giêsu Ngã Xuống Đất Lần Thứ Hai
Cái KHỐN thứ nhất: no nê
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca: “Khốn cho các ngươi là những kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát”. (Lc 6,25).
sống trong cảnh nghèo túng, khổ cực. Vì sự nghèo túng, khổ cực là một sự dữ mà chúng ta cần phải vượt qua. Nhưng nếu chúng ta cứ sống mãi trong sự no đủ và an toàn thì thứ nhất khi gặp khó khăn thiếu thốn, chúng ta lại không biết cách để vượt qua; thứ hai, vì quen sống trong no đủ chúng ta lại không biết cảm thông và chia sẻ với những người thiếu thốn.
Suy niệm: Chúa cảnh báo những ai thích sống trong no đủ. No đủ đôi khi là cái KHỐN cho ta. Vì khi no đủ, ta dễ quên Chúa. Khi no đủ ta chẳng cậy trông vào Chúa. Khi no đủ, ta chẳng quen sẻ chia và cảm thông. Đường thập giá Chúa đi là con đường cô đơn. Thập giá Chúa vác là thập giá của ta. Ta ngã Chúa nâng, nhưng khi Chúa ngã ta không nâng. Vì sao? Vì ta không quen nâng vác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ngã đến lần thứ hai nhưng chẳng có ai nâng Chúa dậy. Chúa phải tự gượng dậy để đi tiếp con đường khổ giá. Con đường ấy là của con chứ không phải của Chúa. Chúa ngã cho con để đền bù những cái ngã của những lần con vấp phạm. Xin Chúa luyện con, để khi con no đủ con biết đấy là niềm vui. Khi chị em con thiếu thốn về một mặt nào đó con biết đó là một sự dữ để con cảm thông. Chứ nếu không thì thật là KHỐN cho con.
Nơi Thứ Tám
Chúa Giêsu An Ủi Các Phụ Nữ Thành Giêrusalem
Cái KHỐN thứ hai: vui cười
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca: “Khi ấy, Chúa Giêsu phán: ‘Khốn cho những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than” (Lc 6,25).
Thực tế: Trong cộng đoàn lý tưởng là vui với người vui, buồn với người buồn (x Rm, 12, 15). Nhưng thực tế lại cho thấy rằng ta hay buồn khi anh chị em vui và cũng có khi ta lại vui khi thấy anh chị em buồn.
Suy niệm: Nếu ta không có tinh thần của Chúa, nếu ta không sống theo giáo lý của Chúa thì ta sẽ gặp sự KHỐN ở đời sau và có khi ngay ở đời này. Cái KHỐN ta gặp là do chính ta chọn lựa và hành động chứ không do Chúa hay do cộng đoàn mang lại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, năm xưa Chúa đã yên ủi các phụ nữ thành Giêrusalem vì họ khóc thương Chúa. Qua việc Chúa yên ủi con thấy rằng các phụ nữ ấy nên khóc cho mình và cho con cái mình. Xin cho con biết khóc cho tội của con vì có nhiều lần con cười khi người khác khóc. Xin cho con biết cười khi chị em con cười. Amen.
Nơi Thứ Chín
Chúa Giêsu Ngã Xuống Đất Lần Thứ Ba
Cái KHỐN Thứ Ba: khốn khi ta tự ca tụng
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca: “Khốn cho các ngươi khi được mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả” (Lc 6, 25).
Thực tế: Mười tiếng chê cũng chẳng bằng một lời khen. Vì một tiếng chê khiến ta buồn lòng nhưng chỉ cần một lời khen thì ta cảm thấy vui sướng. Ai chẳng muốn được người khác nhìn nhận và ai cũng muốn được người khác ca tụng. Nhưng thực tế của cộng đoàn dường như muốn nói lên rằng một lời chê mà chê đúng sẽ giúp ta biết mình hơn. Còn một lời ca tụng không đúng sự thật chỉ làm ta sống ảo.
Suy niệm: Chúa Giêsu đã lên tiếng khi người Pharisêu thích được ca tụng. Được ca tụng và vinh danh chỉ thuộc về Thiên Chúa vì Ngài là “Đấng đáng được chúc tụng và ngợi khen”. Khi ta thích được ca tụng, ta như chiếm lấy phần của Chúa. Đấy là cái KHỐN chứ không phải cái KHÔN của ta. Nếu có làm được điều gì thì hãy nói: “Tôi là đầy tớ vô dụng. Tôi chỉ làm công việc tôi phải làm mà thôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ngã thêm một lần nữa vì tội lỗi của chúng con. Chính tội của chúng con đã chất lên vai Chúa. Mỗi lần con thích được khen ngợi, mỗi lần con nhận về cho mình vinh quang là con lại làm cho thập giá Chúa nặng hơn và đó là cái KHỐN cho con. Xin cho con biết sống thật, không sống ảo. Xin cho con biết quy hướng mọi vinh quang và danh dự về Chúa mà không nhận gì về cho riêng mình.
Nơi Thứ Mười
Chúa Giêsu Bị Lột Áo
Cái KHỐN thứ tư: giàu có
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu: “Bấy giờ Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: Thầy bảo thật anh em, người giầu có khó vào nước trời biết bao. Thầy còn nói cho anh em biết: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào nước Thiên Chúa” (Mt 19, 23-24).
Thực tế: Cộng đoàn là một gia đình thiêng liêng. Cộng đoàn là nơi giúp ta được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên trong ơn gọi. Cộng đoàn là một môi trường lý tưởng nhưng cộng đoàn không phải là nơi cung cấp cho ta đầy đủ mọi nhu cầu vật chất. Đòi hỏi cộng đoàn phải cung cấp cho ta đầy đủ mọi thứ là một điều không tưởng. Cộng đoàn chỉ có thể cung cấp cho ta đầy đủ những phương tiện và ơn ích thiêng liêng. Vì vậy, ta không được đòi hỏi cộng đoàn đã làm gì cho ta mà ta phải tự hỏi lòng mình rằng ta đã làm gì cho cộng đoàn.
Suy niệm: Chúa là Thiên Chúa. Chúa là Đấng vô cùng giầu có vì mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra. Nhưng khi Chúa mặc thân xác người, Chúa chấp nhận kiếp sống của con người. Trong khi con người tìm cách vun đắp cho mình thật nhiều của cải thì Chúa lại trút bỏ tất cả. Hình ảnh quân dữ lột áo Chúa như mang tính biểu tượng. Càng trút bỏ những của cải bụi trần thì con người càng trở nên giống Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi quân dữ lột áo Chúa, con thấy Chúa đã vì con mà bị KHỐN. Lẽ ra cái KHỐN này là của con và vì con. Vì con đã sắm cho mình thật nhiều thứ, vì con cứ nghĩ con càng có nhiều, càng giữ cho mình nhiều đồ dùng tiện nghi thì con càng có giá trị. Nhưng không phải thế. Tình yêu mới giá trị. Xin cho con biết rung cảm trước sự KHỐN khổ mất mát của Chúa để từ đó con biết khước từ và can đảm khước từ những thứ làm con xa Chúa.
Nơi Thứ Mười Một
Chúa Giêsu Bị Đóng Đinh Vào Thập Giá
Cái KHÓ thứ nhất: khó tha thứ
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu: “Thưa Thầy, nếu anh em cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giêsu đáp: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 21-22).
Thực tế: Tha thứ là một giá trị chung của cộng đoàn. Vì thế, nó cần phải được nhìn nhận một cách quân bình và mực thước. Tha thứ là hành động của một người bị xúc phạm nhưng ta hãy nhìn nó như một món quà mà chị em trao tặng nhau. Vì khi trao tặng sự tha thứ, cả người trao và người nhận đều nhận được niềm vui và khi ấy ta nên hình ảnh của Đấng bị đóng đinh.
Suy niệm: Chúa Giêsu đã nêu gương cho ta về sự tha thứ. Chúa không chỉ tha cho ta một lần mà Chúa tha cho ta muôn lần. Khi tha thứ, Chúa cho trao ta cả một tương lai. Những kẻ đóng đinh Chúa là những kẻ cần được Chúa tha thứ hơn cả. Những chiếc đinh ghim vào da thịt Chúa là những mũi đinh chúng con phải chịu nhưng Chúa đã chịu thay cho con. Những ai không tha thứ hay không vui khi phải tha thứ cho anh chị em thì tựa như người lính đóng chặt tay chân Chúa vào gỗ giá.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con tha thứ và chính Chúa cũng thực hành việc tha thứ nhưng con thấy KHÓ cho con quá. Chúa nằm trên thập giá để cho thế gian đóng đinh nhưng Chúa không lên tiếng dù chỉ một lời. Xin Chúa cho con mỗi khi cần phải tha thứ thì tha thứ cách mau mắn. Mỗi khi con cần được tha thứ thì con xin Chúa và anh chị em tha thứ cho con.
Nơi Thứ Mười Hai
Chúa Giêsu Chết Trên Thánh Giá
Cái KHÔNG cuối cùng: không biết đường đi
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan: “Khi ấy, ông Tôma thưa Người rằng: Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường đi? Chúa Giêsu đáp: Thầy là đường là sự thật và là sự sống”(Ga 14,5).
Thực tế: Cộng đoàn sẵn có một lối đi đó là linh đạo. Mỗi cá nhân trong cộng đoàn luôn được mời gọi đi cùng một lối, xây chung một lợi ích, đắp chung một con đường. Đó là đường sự thật. Đó là đường tình yêu. Thế nhưng, “bá nhân bá tánh”, tuy đã sống trong cùng một cộng đoàn nhưng nhiều lúc ta cứ muốn đi riêng, muốn thể hiện một bản sắc riêng hay rất riêng khi làm việc tông đồ.
Suy niệm: Đường của người môn đệ là đường thập giá. Đây KHÔNG phải là đường mật hay đường mía nhưng là đường đau khổ. Đường thập giá sẽ vác thập giá. Điểm cao nhất và xa nhất của đường thập giá chính là chỗ dựng thập giá. Ông Tôma tuy đã theo Chúa 3 năm nhưng vẫn KHÔNG xác định được phương hướng và đường đi. Ta cũng vậy, đôi khi tuy đã hòa mình trong cộng đoàn nhưng ta vẫn thích và chọn cho mình một lối đi riêng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, không phải chỉ có Tôma là người KHÔNG biết đường mà cả con đây nữa cũng có lúc con KHÔNG biết đường đi. Con hay chọn cho mình con đường dễ, con đường ngắn để con đi. Tuy sống trong một nhà nhưng nhiều lúc con KHÔNG đi cùng anh chị em. Xin cho biết rõ con đường con đi là con đường thập giá. Xin cho con biết rõ nơi con đến khi con vác thập giá là đỉnh đồi can vê. Xin cho con nhớ rằng Chúa đã chết vì con ở trên đó thì con cũng sẽ đến đó để minh chứng tình yêu của con.
Nơi Thứ Mười Ba
Tháo Xác Chúa Xuống Khỏi Thập Giá
Cái KHÔN cuối cùng: thích vinh quang
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô “Lạy Thầy, nếu được ở đây thật là hay, chúng con xin dựng 3 lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia” (Mc 9,5).
Thực tế: khuynh hướng tự nhiên của con người là một khi đã yên ổn thì không thích thay đổi. Ta không muốn thay đổi công việc vì đang quen việc. Ta không thích thay đổi chỗ ở vì chỗ ta đang ở là chỗ quen. Ta không thích điều này điều kia đơn giản vì ta không thích chúng. Nhưng trong một cộng đoàn, công việc ta đang làm, nơi ta đang ở, vv cần phải được nhìn trong một tổng thể hài hòa mang tính bổ trợ. Và vì thế, cộng đoàn cần chúng ta phải linh động hơn trong mọi sinh hoạt. Khi hoàn cảnh không thay đổi thì ta đổi thay. Ta luôn xét điều mình thích có hợp với lợi ích của cộng đoàn hay không. Có khi điều ta thích lại không hợp và điều hợp với ta thì ta lại không thích.
Suy niệm: Rõ ràng Phêrô đã thích khung cảnh trên núi biến hình. Hình ảnh của Phêrô cũng có khi phác họa một phần nào đó con người của ta. Phêrô thích vinh quang. Ta có thích vinh quang? Phêrô không muốn xuống núi vì xuống núi sẽ phải đi về Giêrusalem với cây thập giá. Theo Chúa, ta có như Phêrô không? Cái KHÔN của Phêrô lại là cái dại trước mắt Chúa. Không vác thập giá là KHÔN với Phêrô nhưng là dại với Chúa. Vì không có thập giá làm gì có vinh quang?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, theo Chúa nhưng nhiều lúc con không muốn xuống núi. Con chỉ muốn ở trên ngọn núi biến hình. Con thích vinh quang nhưng cái thích này lại không hợp với con trong lúc này. Cái của cộng đoàn hợp với con nhưng con lại không thích. Xin cho con biết dung hòa giữa cái thích của con với cái hợp của cộng đoàn. Xin cho con đừng KHÔN cái KHÔN của thế gian.
Nơi Thứ Mười Bốn
Táng Xác Chúa Trong Mồ
Cái KHÓ cuối cùng: khó chấp nhận
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy bọn chúng không? Nhưng Chúa quay lại quở mắng hai ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác (Lc 9, 51-56).
Thực tế: Chấp nhận luôn là một trong những bài học khó nhất của người môn đệ. Trong một cộng đoàn, bài học chấp nhận luôn là bài học căn bản và mang tính thực hành nhiều hơn lý thuyết. Khi chấp nhận sự khác biệt của những tính cách, ta phải hy sinh. Khi chấp nhận sự đa dạng của cộng đoàn, ta phải từ bỏ mình. Chính vì vậy, việc chấp nhận luôn là cái KHÓ cho ta.
Suy niệm: Một số môn đệ đã không chấp nhận sự khác biệt và sự thờ ơ của dân nên đã xin Chúa kết liễu dân. Hầu hết các môn đệ vì không chấp nhận thập giá nên KHÓ chấp nhận việc Chúa bị đóng đinh vào thập giá. Chính vì thế, đã chẳng có môn đệ nào an táng Chúa ngoại trừ thánh Gioan. Nếu KHÓ chấp nhận thập giá thì cũng KHÓ chấp nhận chết vì thập giá.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thập giá là của chúng con. Cái chết thuộc về chúng con. Nấm mồ cũng là của chúng con. Ấy vậy mà Chúa lại chấp nhận tất cả thay cho chúng con. Thực sự, con rất KHÓ chấp nhận sự khác biệt của chị em, KHÓ chấp nhận sự khốn khó trong công việc. Con xin Chúa cho con biết đón nhận tất cả để con nên hình bóng Chúa.
Lời kết:
Lạy Chúa, càng đi với Chúa con càng thấy tình Chúa cao vời. Càng ở bên Chúa, con càng thấy tình Chúa thẳm sâu. Thập giá Chúa vác là thập giá của con. Thập giá Chúa chịu là thập giá của cộng đoàn con và của nhân loại. Chúa chết vì con. Chúa chết cho cộng đoàn con. Chúa chết chỉ vì yêu thương nhân loại chúng con. Xin cho chúng con biết yêu Chúa vì Chúa đã chết vì yêu con.
Con dâng lên Chúa nhân loại đang trong cơn dịch bệnh. Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Chúa. Amen. Học viện Thần học Têrêsa Avila Bùi Chu