Chuyện cô hiệu trưởng
Thứ tư - 22/02/2017 21:22
3344
“Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Câu nói trên của nhà giáo dục vĩ đại J.A.Comenxki như muốn khẳng định rõ tầm quan trọng của người giáo viên cũng như sự cao quý của nghề giáo. Quả thực, nghề giáo không chỉ là nơi đào tạo kiến thức mà hơn cả còn là nơi rèn luyện nhân cách, đạo đức con người.
Ấy vậy mà mấy ngày nay trên các phương tiện truyền thông liên tục đề cập đến chuyện vô cảm và vô tâm của một vị hiệu trưởng, dù rằng chuyện này đã xảy ra cách đây hơn 3 tháng. Chuyện là chiếc taxi chở cô giáo này đã làm gãy chân một học sinh lớp 2 ngay trong trường. Lẽ ra chuyện chẳng có gì để nói vì đó là tai nạn chẳng ai muốn và nó cũng không phải lỗi của cô nhưng nó đã vượt quá giới hạn của một tai nạn. Bởi chưng cô hiệu trưởng này đã vô tâm, đã gian dối và đã né tránh trách nhiệm của mình trong vụ tai nạn này. Không vô tâm sao được khi vị hiệu trưởng vẫn cứ thản nhiên ngồi lỳ trong xe mặc cho học sinh của cô đau đớn sau khi chiếc taxi gây ra tai nạn. Không gian dối sao được khi cô vẫn một mực khẳng định không nhìn thấy tai nạn. Nếu cô hiệu trưởng không nhìn thấy vụ tai nạn vì bị giới hạn tầm nhìn hay lúc đó mệt quá nên cô thiếp ngủ đi thì chắc hẳn cô cũng sẽ nghe thấy tiếng của một em học sinh chạy vòng qua xe gõ cửa bảo: “Cô ơi, xe đâm vào bạn Chí Kiên rồi” hay ít ra tiếng mở cửa xe để ra ngoài của tài xế cũng sẽ làm cô tỉnh giấc. Không những thế, cô còn né tránh trách nhiệm khi phát phiếu khảo sát giáo viên và học sinh để làm bằng chứng phản bác nghi ngờ của phụ huynh. Tất nhiên là một trăm phần trăm tờ khảo sát đó sẽ đưa ra kết quả như cô mong muốn. Ở đây không dám xét về tính pháp lý hành động của cô nhưng xét về phạm trù đạo đức thì đó là điều không thể chấp nhận được. Chẳng những thế hành động đó lại xảy ra trong một ngôi trường, nơi rèn luyện kiến thức và đạo đức, và được thực hiện bởi một cô giáo với chức vị hiệu trưởng, người nắm cương vị cao nhất của ngôi trường.
Thực sự câu chuyện của cô hiệu trưởng đâu đến nỗi phải vượt ra biên giới của ngôi trường, nếu ngay từ đầu cô xuống xe hỏi thăm, đưa học sinh của mình vào bệnh viện rồi xin lỗi, động viên gia đình và học sinh. Nhưng cô hiệu trưởng đã không làm như vậy. Cô chọn cách dối gian, mập mờ đánh lận con đen. Chính hành động đó đã tố cáo cô. Và cũng chính hành động đó của cô đã vô tình đem đến cho đồng nghiệp cũng như cho các em học sinh một bài học về sự gian dối và vô cảm. Thử hỏi làm sao để nói được một em học sinh phải thật thà và dũng cảm nếu như cô giáo của mình hành động trái ngược với những lời dạy đó. Qua đó để thấy được rằng người giáo viên có một tầm ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách, đạo đức của học sinh. Nói như Usinxki: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”.
Chuyện của cô hiệu trưởng trên thực sự là bài học quý giá cho những người đang và sẽ thực hiện công tác giáo dục.Cách riêng với sinh viên sư phạm, những thầy cô giáo tương lai,các bạn hãy biết rằng xã hội đang đặt trên vai các bạn trọng tráchvô cùng to lớn đó là giáo dục kiến thức và đạo đức cho các thế hệ sau. Do đó, ngay giờ phút này các bạn hãy trang bị cho mình kiến thức chuyên môn và rèn luyện một nhân cách tốt để làm hành trang bước vào đời.
Trong câu chuyện kể trên, mọi người không đề cập đến kiến thức chuyên môn của cô, nhưng nhân cách của cô hiệu trưởng đã được mổ xẻ. Điều đó cho thấy nhân cách của một con người vẫn là hơn cả. Xin gửi tặng những nhà giáo dục hiện tại và tương lai câu nói của Vijaya Lakshmi Pandit: “Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện”.
Tác giả: Antôn Hoàng Văn Phúc, OP