Đừng biến Tiếng Việt thành quái dị
Thứ năm - 07/01/2016 14:47
2173
Theo quan điểm của nhiều người thì văn hóa là “một hệ thống các giá trị chân lý, chuẩn mực, mục tiêu mà con người cùng thống nhất với nhau trong quá trình tương tác và hoạt động sáng tạo. Nó được bảo tồn và chuyển hóa cho những thế hệ nối tiếp theo sau”. Nét đẹp của văn hóa là những giá trị chân lý mà con người không thể phủ nhận, áp đặt và uốn nắn theo cách của riêng mình. Do đó, ngôn ngữ cũng nằm trong nét đẹp văn hóa nên nét đẹp của ngôn ngữ cũng phải là sự tinh ròng, không pha trộn. Con người sử dụng ngôn ngữ để chuyển tải thông tin, để trao đổi với nhau. Ẩn mình đằng sau những nét chữ, câu văn ngôn ngữ chứa đựng “cái hồn” của người muốn diễn tả ý mình vào trong đó.
Dường như ngày nay ngôn ngữ tiếng Việt đang bị biến dạng từng ngày! Một cách nói vui: Có lẽ xã hội đang hội nhập và thay đổi từng ngày đến chóng mặt, nên ngôn ngữ cũng phải hội nhập theo chăng! Khi phải chạy đua với thời gian như vậy, ngôn ngữ đã bị biến dạng và mai một, các từ, ngữ không còn giữ được lòng trung thành sắt son khi đứng kề bên nhau nữa; nhưng biết làm sao được vì ngôn ngữ luôn phải chịu lụy dưới quyền sinh quyền sát của con người. Họ đã chà đạp lên giá trị tinh ròng của chúng, không còn trung thành với chúng như thủa ban đầu mà bỏ đi chuộng những thứ ngôn ngữ khác lạ!
Có lẽ chúng ta thấy rõ nhất nơi giới trẻ ngày nay đã và đang làm biến thái ngôn ngữ qua việc tự sáng chế ra những thứ từ ngữ mới và lạ hoắc chẳng ai hiểu duy chỉ một nhóm người trẻ mà các bạn tự quy định với nhau. Theo thời gian, những thứ ngôn ngữ kỳ quặc đó được lan truyền và phổ biến vào giới trẻ mà làm cho ngôn ngữ mất hình dạng nguyên tuyền của mình. Các bạn cứ tự ý thay đổi theo sở thích của riêng mình, và nhiều khi còn thay đổi theo từng thời điểm nữa chứ! Tôi đã từng chứng kiến nhiều cách dùng ngôn ngữ bừa kỳ của các bạn, chẳng hạn: “2! hoc han nan ne wa co ui. hom wa kon lai bi me la. kon k bit lam ji de het bun day” (chào cô! Học hành nặng nề quá cô ơi. Hôm qua con lại bị mẹ la. Không biết làm gì để hết buồn đây). Thật tội nghiệp cho ngôn ngữ khi bị “xâm hại” một cách trầm trọng như vậy!
Ngôn ngữ đã bị biến tấu mà có lẽ nếu chúng ta chưa quen kiểu chữ viết như thế của giới trẻ thì thật khó chúng ta có thể dịch ra được. Mấy ai nói “dịch tiếng Việt ra tiếng Việt” bao giờ! Ngôn ngữ giới trẻ - loại ngôn ngữ không thấy xuất hiện trong từ điển. Tiếng Việt cũng không phải, lại càng không phải tiếng Tây nên thật khó có thể hiểu được. Các bạn trẻ ngày nay đang biến tấu ngôn ngữ thành sở thích và phong cách riêng của mình. Nhiều khi các bạn còn pha cả chút tiếng Tây, nên đã làm cho ngôn ngữ bị biến dạng. Như vậy, giới trẻ đang quay lưng lại với nét đẹp tinh ròng của ngôn ngữ. Có thể nói, khi các bạn trẻ đã không tôn trọng giá trị của ngôn ngữ khi sử dụng là đồng nghĩa với việc các bạn đã không tôn trọng cái “hồn” của đất nước, vì “Tiếng ta còn nước ta còn” (Phạm Quỳnh).
Qua quan sát, tôi thấy ngôn ngữ tiếng Việt không chỉ bị giới trẻ hủy hoại mà người Việt chúng ta nói chung cũng đang góp tay vào việc làm tiếng Việt bị mai một và biến hóa qua đài, báo chí, rồi những băng rôn, khẩu hiệu, hay đến cả những bảng chỉ đường cũng viết sai. Thương thay cho ngôn ngữ vì chúng không còn được đứng đúng vị trí của mình trong mỗi câu mỗi từ nữa, nhưng đã bị xếp đứng sai vị trí của chúng! Tôi thiết nghĩ, nếu chúng ta không bảo vệ giá trị và giữ gìn nét đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt mình thì chẳng bao lâu tiếng Việt sẽ không còn tinh ròng như xưa mà sẽ vĩnh viễn mất đi nét đẹp của mình. Ước mong sao mỗi người dân Việt, đặc biệt đối với các bạn trẻ ý thức được điều đó mà cẩn trọng trong cách hành văn bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
Nhựa Sống