Vấn đề giáo dục kỹ năng tại Việt Nam
Thứ bảy - 12/03/2016 10:21
2267
Một nhà xã hội học người Mỹ, tiến sĩ Jonathan London, hiện là giáo sư giảng dạy tại Đại học Thành Thị của Hồng Kông nhận định bên lề một hội thảo về giáo dục được tổ chức tại Anh cách đây không lâu được trang BBC Tiếng Việt trích dẫn nói rằng các học sinh Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng[1].
Theo tiến sĩ London, mặc dù Việt nam đã có nhiều cố gắng trong việc cải cách giáo dục và cho dù học sinh Việt nam rất giỏi về toán học trong các cuộc thi đẳng cấp quốc tế, nhưng vẫn còn lỗ hổng nơi các học trò về các kỹ năng cần thiết theo tiêu chí toàn cầu thời hiện đại, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm và tư duy phản biện. Điều này cũng nói lên sự thiếu đồng bộ trong việc hoạch định dự phóng dài hạn của nước ta không chỉ trong ngành giáo dục mà cả trong các lĩnh vực khác như giao thông, quản lý đô thị, hay chăm sóc y tế…giống như mắc phải căn bệnh nan y.
Thực tế cho thấy có một khoảng cách khá xa giữa kiến thức phổ thông được trau dồi của học trò trên ghế nhà trường với thực tế cuộc sống. Thậm chí, ngay cả các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành trong một số lãnh vực nhưng khi đi xin việc vẫn cần phải theo khóa học đào tạo về chuyên môn. Đấy là chưa kể trình trạng xuống cấp về đạo đức của học sinh dẫn đến gia tăng bạo lực và nạn dối trá tràn lan và nhất là sự mai một về mối quan hệ truyền thống rất đẹp từ xa xưa giữa thầy và trò. Những hệ quả này chứng minh rằng có gì đó không ổn trong phương thức giáo dục và cách đặt trọng tâm nơi các tiêu chí giáo dục mang tính sống còn vốn cần phải chọn lựa giữa chăm lo nhân cách học trò với quảng bá ý thức hệ ; giữa trau dồi kiến thức sống thực tiễn với ca tụng một lý tưởng xa vời nào đó. Ngoài ra còn có một hệ quả khác rất lớn liên quan đến việc hội nhập trên trường quốc tế của học sinh Việt nam khi du học vì những gì chúng được trang bị có vẻ lạc lõng so với những cái mà các học trò cùng tầm tuổi ở những nước tiên tiến được tiếp thu.
Xin đưa một vài ví dụ cụ thể. Ngay từ bậc tiểu học các học sinh tại Pháp đã sử dụng sổ cá nhân agenda để chủ động tự lên chương trình cho mình về học cũng như tham quan vào các dịp kỳ nghỉ đan xen trong suốt một năm học. Những gì chúng học tại nhà trường có thể tìm hiểu thực thế hoặc thực tập vào các kỳ nghĩ này. Khi lên bậc học tiếp theo, chúng cũng đã biết cách thu thập và lưu trữ các tài liệu của từng môn học vì đã được hướng dẫn kỹ năng ghi chép và quản lý theo từng đề mục. Ngay như cách tiếp cận vấn đề cũng rất đa dạng : các học trò có thể đặt câu hỏi hay được quan sát hoặc đòi hỏi tự tay thực hiện một công việc cụ thể nào đó để rồi sau đó có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức mà người thầy muốn truyền đạt. Như vậy không có sự tách biệt giữa học và hành, giữa thời kỳ đến trường và các kỳ nghỉ kết hợp các hoạt động ngoại khóa và còn có cả những thăm viếng mang tính cá nhân và gia đình mà các em không hề cảm thấy quá gò bó vì áp lực học hành…
Trở lại nhận định của nhà xã hội học London về thực trạng giáo dục tại Việt Nam là rất chính xác và khách quan. Để tránh nắm bắt cách phiến diện, ông đã bỏ thời gian học Tiếng Việt để có viết và nói bằng Tiếng Việt. Đồng thời bản thân cũng đi thực tế rất nhiều lần tại Việt Nam. Do vậy, ông thường xuyên được mời trong những diễn đàn liên quan đến vấn đề thời cuộc tại Việt Nam. Học giả này rất có tâm với đất nước Việt Nam : « Nhưng cái tôi quan tâm ở Việt Nam thì không chỉ là chính trị hoặc là ngoại giao, mà chính là điều kiện sinh sống của người dân ở Việt Nam và làm sao để Việt Nam cũng có một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lành mạnh hơn để cho phép Việt Nam đạt được tiềm năng khá lớn trong tương lai gần ». Cũng chính vì tâm huyết đó và ông đã có một công trình khoa học nghiên cứu về giáo dục tại Việt Nam và có mặt trong hội thảo tại Anh Quốc lần này để trao đổi với một số tổ chức tài trợ cho công trình nghiên cứu này.
Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, chúng ta thấy các bậc cha ông đã nêu bật tầm quan trọng trong việc đào tạo thế hệ trẻ khi cho rằng: « Hiền tài là nguyên khí quốc gia ». Để được như vậy không cách nào khác cần có sự đi đúng hướng của nền giáo dục. Ước chi điều mà các bậc tiền nhân chỉ bảo khi xưa sớm trở nên hiện thực vào một ngày không xa để Việt Nam có được vị thế nể trọng của mình trong khu vực và trên trường quốc tế.
Tăng Kỳ Mục