Trong thông điệp Laudato Si’, số 95 Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi: “Môi trường thiên nhiên là thiện ích chung, là gia sản của toàn thể nhân loại và trách nhiệm của mọi người.”
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy chúng ta rằng: Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ cách tự do, bằng sự khôn ngoan và tình yêu. Vũ trụ không phải là sản phẩm của một luật tất yếu nào đó, của một định mệnh mù quáng hoặc bởi ngẫu nhiên. Thiên Chúa đã sáng tạo “từ hư vô” (2Mcb 7,28), một thế giới được sắp xếp trật tự và tốt lành, nhưng Ngài vô cùng cao cả siêu việt trên mọi loài. Ngài gìn giữ vạn vật trong sự hiện hữu, nâng đỡ và ban cho nó khả năng hoạt động và hướng dẫn nó đến sự trọn hảo nhờ Chúa Con và Chúa Thánh Thần. “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan” (Tv 104,24). Những gì là ngẫu nhiên không thể nghiên cứu theo phương pháp khoa học, chỉ có trật tự mới có thể nghiên cứu. Và trật tự trong vũ trụ bày tỏ thượng trí đã ấn định trật tự ấy. Tạo dựng chứng tỏ sự khôn ngoan của Đấng Tạo hóa (GLHTCG 295).
Tuy nhiên, vũ trụ trật tự và tốt lành mà Thiên Chúa trao tặng con người đang kêu gào vì sự hủy hoại do con người, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Chúng ta không thể dửng dưng trước bất cứ điều gì của trái đất. Cách đây 60 năm, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã kêu mời mọi thành phần trong Giáo hội và những người thiện chí trong tông huấn Evangelii gaudium – Niềm vui Tin mừng rằng: “tôi đặc biệt kêu mời mọi người chú tâm vào ngôi nhà chung của chúng ta”. Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II cũng nói về đề tài này trong thông điệp đầu tiên rằng: Con người đã không nhìn vũ trụ với một ý nghĩa nào khác, ngoài mục đích sử dụng trực tiếp và lạm dụng. Sự tàn phá môi trường sinh thái của con người đã rất trầm trọng. Mọi cố gắng bảo vệ và kiện toàn trái đất nằm trong điều kiện phải có những thay đổi sâu xa trong cách sống, các mẫu sản xuất, tiêu thụ và cơ cấu quyền lực là những thứ đang thống trị xã hội. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng giúp chúng ta nhận thức; môi trường tự nhiên mang đầy vết thương do thái độ vô trách nhiệm của chúng ta gây nên. Ngay cả môi trường xã hội cũng mang đầy thương tật.
Đứng trước tiếng kêu gào thảm thiết của Mẹ Trái Đất Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra thông điệp Laudato Si’ và thiết lập “ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Thụ tạo” được ấn định cử hành vào 01 tháng 09 hàng năm. Ngày 22/8/2023, phát biểu trước một phái đoàn luật sư từ các quốc gia thành viên của Hội đồng Châu Âu, Đức Thánh Cha cho biết ngài đang viết phần thứ hai của thông điệp Laudato si’ để cập nhật nó với “các vấn đề hiện tại.” Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự đánh giá cao và cám ơn sự dấn thân của các luật sư trong việc phát triển một khuôn khổ pháp lý nhằm bảo vệ môi trường. Ngài nhắn nhủ họ: “Chúng ta đừng bao giờ quên rằng các thế hệ trẻ có quyền nhận được một thế giới tươi đẹp và đáng sống từ chúng ta, và điều này ngụ ý rằng chúng ta có trách nhiệm nặng nề đối với công trình sáng tạo mà chúng ta đã nhận được từ bàn tay quảng đại của Thiên Chúa.”
Ai cũng biết rằng: môi trường có một ý nghĩa to lớn và vô cùng quan trọng đối với con người. Con người không thể tồn tại nếu tách khỏi môi trường. Tất cả những gì con người có được đều lấy từ môi trường: không khí, thức ăn, nước uống, đất đai… và nguyên vật liệu để sản xuất ra các phương tiện làm việc, học tập… Từ những điều tưởng như bình thường, nhỏ nhặt nhất cho đến những của cải quý giá nhất, tất cả đều do Thiên Chúa – vũ trụ ban tặng cho chúng ta. Ngay cả những sản phẩm mà chúng ta gọi là “nhân tạo”, thực chất cũng có nguồn gốc từ vũ trụ. Môi trường là điều kiện sinh tồn và phát triển của xã hội loài người. Môi trường quen thuộc và gần gũi con người như những người bạn thân. Thế nhưng, vì lợi ích trước mắt con người đã đối xử tàn tệ với môi trường, thậm chí cố tình hủy hoại môi trường mà không biết rằng làm như vậy là tự huỷ hoại cuộc sống của chính mình. Môi trường ngày càng xấu đi: đất đai bị ô nhiễm trở thành đất chết; nguồn nước bị nhiễm độc trở thành nguồn phát sinh bệnh tật: núi rừng bị tàn phá trơ trụi, hiện tượng bão lũ, thiên tai xảy ra bất thường, không khí đầy chất độc và Trái đất ngày càng nóng lên, tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đang được sự quan tâm của toàn thể cộng đồng Giáo hội cũng như xã hội. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang là một vấn đề nan giải toàn cầu thậm chí đang được báo động. Chúng ta phải làm gì để cứu lấy môi trường, cứu lấy màu xanh của Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta?
Rất nhiều giải pháp vĩ mô lẫn vi mô đã được đưa ra song vấn đề hàng đầu thiết nghĩ là giáo dục và truyền thông nhằm; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường sống và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người để từ đó, con người có những hành động cụ thể.
Trước hết, chúng ta phải giữ gìn môi trường sống cho sạch đẹp, phân loại rác, không vứt rác bừa bãi, hạn chế sử dụng hộp xốp, bọc nilon túi bóng. Điều này tuy nhỏ nhưng không dễ, phải tập luyện thành ý thức, tự giác thường xuyên. Theo tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô, Ủy Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas Quốc tế đã đưa ra chiến dịch “Together we – Chúng ta cùng nhau” mời gọi các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới thúc đẩy việc xây dựng các Cộng đoàn chăm sóc – tức là các đơn vị, các nhóm đưa ra các biện pháp cụ thể mới mẻ để chăm sóc cho ngôi nhà chung và cho người nghèo. Caritas Việt Nam trong Đại hội thường niên năm 2022 đã mời gọi các Giáo phận cần hành động cụ thể, thực hiện chương trình “Thứ Bảy Xanh” để chuẩn bị cho ngày Chúa Nhật bằng việc dọn vệ sinh khu xóm, giáo xứ, nhà thờ…cho sạch đẹp.
Bên cạnh việc nghiêm cấm chặt phá rừng thì phong trào trồng cây xanh phải được duy trì thường xuyên, liên tục để gìn giữ lá phổi xanh cho trái đất, tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường. Đã đến lúc chấm dứt những hành động tàn phá môi trường và hành động để trái đất của chúng ta thực sự là ngôi nhà chung bình yên, tươi đẹp.Mỗi người đều có thể làm cho ngôi nhà chung đẹp hơn, an toàn hơn bằng những hành động cụ thể. Mỗi hành vi trong cách ứng xử với môi trường của chúng ta đều tác động đến sự bình yên của ngôi nhà chung là Trái đất. Bảo vệ môi trường sống không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Hãy bảo vệ môi trường như bảo vệ cuộc sống của chính mình!
Nguyện xin Thiên Chúa, Đấng đã trao tặng cho con người vũ trụ trật tự, tốt lành và mời gọi con người tự giác dấn thân vào việc bảo vệ và gìn giữ trái đất nhằm góp phần tạo ra môi trường sống xanh – sạch – đẹp luôn đồng hành, hướng dẫn và nâng đỡ mỗi người chúng ta.
Tác giả: Nt: M. Ripsimina Bùi Thị Liễu, FMSR