Bạn lo lắng khi con lần đầu tiên tới trường?
Thứ sáu - 04/09/2015 04:40
2348
Năm học mới đã bắt đầu. Rất nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng khi quyết định cho con đến trường. Dưới đây là một số lo ngại thường gặp nơi phụ huynh và cách giải quyết.
1. Trẻ có thể sợ hãi
Ngày đầu tiên đến trường trẻ có thể sẽ sợ hãi vì đây là một sự thay đổi lớn đối với chúng. Bạn có thể giúp con mình giảm bớt sự sợ hãi bằng tránh để con nhìn thấy những lo lắng của bạn, vì theo các chuyên gia tâm lý, trẻ cần được biết là chúng ta tin tưởng ở chúng. Trẻ rất nhạy cảm, nếu bạn lo lắng hay căng thẳng chúng sẽ cảm nhận được.
2. Trẻ sẽ nhớ bạn
Thực tế là bạn sẽ nhớ trẻ nhiều hơn là chúng nhớ bạn vì khi đi học, trẻ sẽ không có thời gian để nhớ. Một ngày của bé được gói chặt với những hoạt động liên tục từ học hành cho đến vui chơi, ăn uống, ngủ nghỉ…. Thời gian mà trẻ có cơ hội để nhớ mẹ thì cũng là lúc trẻ được về nhà.
3. Trẻ bị lạc
Để giúp gạt bỏ nỗi lo này, bạn có thể dẫn con đi thăm quan trường trước năm học. Hãy khám phá mọi thứ: nhà vệ sinh ở đâu, giáo viên thế nào, … Việc biết trước mọi thứ sẽ giúp cả mẹ và bé chủ động hơn khi đi học.
3. Trẻ sẽ không ăn trưa
Nếu bạn lo sợ điều này, hãy gói theo một số đồ ăn mà trẻ thực sự thích, và những gì mà trẻ dùng trong bữa ăn nhẹ sẽ giúp trẻ không bị đói cho đến khi được về nhà. Nếu con bạn không ăn, hãy nói chuyện với giáo viên của bé để họ có những biện pháp hoặc thuyết phục trẻ dùng bữa.
4. Trẻ không kết bạn
Các giáo viên chia sẻ rằng hơn 30% học sinh khi đến lớp thiếu những kỹ năng xã hội cần thiết. Bởi vậy, việc học những kỹ năng này rất quan trọng. Bố mẹ nên dạy con mình cách kết bạn khi chúng còn nhỏ (có thể từ 2 tuổi), bằng cách dạy chúng cách giao tiếp với những người xung quanh.
Hãy để trẻ được tiếp xúc với những đứa trẻ khác, bắt đầu từ từ với các trò chơi, và để trẻ giúp bạn trong việc đưa ra quyết định trong bất cứ hoạt động nào”.
5. Trẻ sẽ bị bắt nạt
Điều này rất có thể sẽ xảy ra nhưng tất cả sẽ tốt đẹp nếu trẻ biết cách xử lý vấn đề.
Hãy để trẻ biết rằng bạn đã biết ở trường có người không tốt và trẻ không phải chịu đựng điều đó. Hãy đưa ra cho chúng ba sự lựa chọn: bỏ đi chỗ khác, nói với giáo viên hoặc chơi với những bạn khác.
Đừng chờ đến quá lâu mới dạy trẻ xử lý những tình huống như thế . Hãy bắt đầu sớm và ngay từ khi ở nhà để trẻ có thể tự chăm sóc bản thân khi đi học.
Để có thể yên tâm hơn, bạn có thể yêu cầu gặp mặt giáo viên trước hoặc sau buổi học, hoặc liên lạc thường xuyên hơn với cô giáo.
6. Trẻ sẽ không bắt kịp bài học
Mỗi đứa trẻ có tốc độ tiếp thu khác nhau, và không ai biết rõ điều này hơn giáo viên của chúng.
Hãy thực hiện trách nhiệm của người làm cha mẹ bằng cách đọc cho con những gì con nên biết trước khi đi học.
Khi trẻ bắt đầu đi học, hãy nói trước với giáo viên về những gì con bạn có thể làm được và không làm được.
Thường xuyên liên lạc với giáo viên, cùng hỗ trợ để trẻ có thể vượt qua các thử thách, và bạn sẽ trở thành một cộng sự viên đắc lực trong thành công của con bạn.
7. Một bí quyết cuối cùng
Một trong những vấn đề lớn nhất đó chính là người mẹ thường cảm thấy lo lắng quá độ, và điều đó chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn. Đừng tự khiến bản thân buồn phiền, điều quan trọng là bạn cần nhớ rằng, không chỉ một mình bạn phải đối mặt với vấn đề này, tất cả các ông bố bà mẹ khác đều như vậy.
Phụ huynh cần làm gì khi bé mới đi học?
Những việc cụ thể sau đây sẽ là việc chuẩn bị tâm lý cần thiết và trước nhất cho cả bé lẫn phụ huynh:
- Tìm hiểu thật kỹ về môi trường chuẩn bị gửi gắm bé như: chế độ sinh hoạt, chương trình chăm sóc giáo dục, đội ngũ giáo viên và nhân viên…..
- Cho bé thăm quan và làm quen với môi trường trước khi bé chính thức đi học.
- Luôn ở bên và trò chuyện với bé khi bé mới đi học.
- Khi bé đi học phụ huynh hãy chuẩn bị quần áo để bé đủ mặc trong một ngày (khoảng 2 – 3 bộ). Có thể mang theo một số đồ dùng, đồ chơi mà bé ưa thích như gấu bông, gối ôm… để tạo cho bé cảm giác an toàn.
- Hãy trao đổi với phụ huynh về những thói quen về ăn uống cũng như sinh hoạt để bé sớm được hòa nhập với môi trường.
- Nếu sợ bé không chịu ăn trưa ở lớp hãy chuẩn bị sẵn một số đồ ăn như sữa, bánh để giáo viên có thể cho bé ăn bổ sung.