Thứ Năm tuần IV MC
(Ga 5, 31-47)
Đức Giêsu đến trần gian để thực hiện chương trình cứu độ Chúa Cha đã dự liệu. Sứ mệnh đó được thực thi qua lời rao giảng và các việc làm của Đức Giêsu. Ngoài ra, Đức Giêsu còn cho thấy Người có quyền ban sự sống, quyền xét xử và tha tội, quyền chỉ thuộc về Thiên Chúa. Đức Giêsu cho biết mình có quyền làm những việc ấy vì "Tôi và Cha tôi là một" (Ga 10,30), nhưng người Do Thái không tin. Chính vì thái độ đó mà Đức Giêsu đã đưa ra những chứng cứ xác minh sự thật về mình:“Tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ” (Ga 5,34).
Sau khi đưa ra các lời chứng về những việc Người làm, lời chứng của Gioan, của Chúa Cha (Ga 5,31-38), Đức Giêsu đưa ra chứng từ thứ tư (Ga 5,39). Đó là Kinh Thánh, bằng chứng mà các bậc thầy trong dân Israel không thể nào chữa mình. Vì người Do Thái vẫn tự hào Kinh Thánh là mạc khải Thiên Chúa dành cho dân của Người, nên nghiên cứu, học hỏi Kinh Thánh là công việc hằng ngày của các kinh sư. Khôn ai hiểu Kinh Thánh cũng như giữ luật bằng họ, nhưng lại không tin Đức Giêsu bởi vì họ sai lầm khi đọc Kinh Thánh.
Họ đọc Kinh thánh với tâm hồn khép kín. Đức Giêsu đã phê phán thái độ sai trái của họ, ngay trong cách đọc và hiểu Lời Chúa: “Các ông nghiên cứu Kinh thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sự sống đời đời” (Ga 5,39) chứ không phải vì có lòng yêu mến Thiên Chúa. Họ chỉ yêu mến các lập trường, ý niệm về Thiên Chúa, còn những gì Kinh thánh viết về Con của Người thì họ không tin, càng không tin người Con ấy là Đức Giêsu. Do đó, Lời đã không ở trong họ. Ngày nay, nguy cơ đó vẫn còn, khi có người coi Kinh Thánh như “bùa chú” giải đáp cho những thắc mắc, băn khoăn, lo lắng trong cuộc sống, nghĩa là lấy Lời Chúa để minh chứng cho các điều họ nói, hơn là đem ra thực hành.
Sai lầm lớn hơn nữa là họ cho rằng Thiên Chúa đã ban cho loài người mặc khải thành văn, trong khi đó Thiên Chúa không chỉ mặc khải bằng lời nhưng còn bằng hành động: “Kinh Thánh không phải là mặc khải của Thiên Chúa mà là bản ghi chép mặc khải” (Từ điển Công giáo). Vô hình chung họ rơi vào thái độ thờ lạy chữ viết chứ không phải Thiên Chúa. Như vậy, muốn hiểu được lời Thiên Chúa, mỗi người cần phải mở rộng tâm hồn, loại bỏ những thành kiến có sẵn, kiên trì thực hiện lời Chúa dạy dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.
Con người hôm nay đang tự hào được sống trong nền văn minh, khoa học kỹ thuật phát triển nên việc đọc, suy gẫm Kinh Thánh dường như bị coi là lạc hậu. Giới trẻ thích đọc tin “hot”, thích nghe chuyện tân kỳ, game show, nhạc sôi động chứ ít người chịu cầm cuốn Kinh Thánh đọc và suy gẫm? Họ cho rằng Kinh Thánh thì khô khan, khó hiểu, buộc phải suy nghĩ gây mệt mỏi, buồn chán. Phải chăng lời tiên báo của thánh Phaolô: “Đến thời gian người ta không còn chịu nghe những chân lý lành mạnh nhưng theo những dục vọng mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường” (2Tm 4, 3-4) đang được ứng nghiệm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con đang dần đi vào những tuần cuối của Mùa Chay để thông phần vào cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu. Xin giúp chúng con biết đọc, biết nghe và hiểu được Lời Chúa với lòng yêu mến để chúng con đem ra thực hành và nhờ đó, tâm hồn chúng con được biến đổi. Amen!