Thứ 5 Thánh: Phục vụ trong yêu thương
Thứ ba - 11/04/2017 22:55
2519
Thứ Năm Tuần Thánh
(Ga 13, 1-15)
Tình yêu là thứ cảm xúc rất ngọt ngào của con tim, nhưng lại không thể dùng lời nói mà diễn tả đủ về trạng thái rung động rất trừu tượng này, có chăng phải nhờ tới hành động mà thôi. Hôm nay, Đức Giêsu đã cho chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Người qua hành động ‘rửa chân’. Trước hành động diễn tả tình yêu đó, các môn đệ đã rất ngỡ ngàng, vị Tông đồ trưởng thì lúng túng, ngạc nhiên và thắc mắc: “Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13, 7).
Thái độ của Phêrô không có gì là lạ vì Thầy không thể rửa chân cho trò được, hơn nữa môn đệ của các Ráp-bi Do Thái được dạy phải phục vụ thầy và làm như thế là thể hiện lòng kính trọng thầy. Hơn nữa, theo tập tục của người Do Thái, việc ‘rửa chân’ là công việc của nô lệ, ‘rửa chân’ thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà (x. St 18, 4). Vì thế, trước mỗi cửa nhà của người Do Thái sẽ để những lu nước có một đầy tớ túc trực ở đó với cái chậu và chiếc khăn để rửa những đôi chân bùn đất của khách. Đoàn môn đệ của Chúa Giêsu không có đầy tớ chắc hẳn các ông đã phải thay nhau làm công việc này. Chúa Giêsu là thầy không phải là nô lệ. Nhưng Người đã làm một hành động đảo ngược phép tắc thường tình, chính vì thế Phêrô chưa thể đón nhận ngay được.
Phêrô từ sự ngỡ ngàng đến thái độ không chấp nhận,“Thầy mà lại rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13, 8). Sở dĩ Phêrô có phản ứng quyết liệt như thế, bởi vì Ông có lý tưởng riêng của mình. Trong sâu thẳmtâm hồn ông luôn yêu kính và còn có thể sẵn sàng ‘thí mạng’ vì Thầy kia mà! Thầy mình là Đấng phải đến mà lại làm công việc của nô lệ thì làm sao ông chịu được điều này. Lúc này ta thấy, Phêrô chưa thực sự mở lòng mình ra để đón nhận thánh ý, chỉ khi Đức Giêsu nói: “Nếu Thầy không rửa anh, anh sẽ không được chung phần với Thầy” (Ga 13, 8). Nghe Thầy nói thế, ngay lập tức Phêrô đổi ý và còn nài thêm: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa” (Ga 13, 9). Việc thay đổi thái độ này cho thấy ông đã sẵn sàng bước đi cùng Thầy, ‘được chung phần với Thầy’ là đủ hạnh phúc đối với ông.
Trong nghi thức Tiệc Vượt Qua của người Do Thái không có hành động rửa chân, việc này thường làm trước khi khách bước vào nhà. Tất cả những điều ấy cho thấy việc rửa chân cho các môn đệ là một sáng kiến tuyệt vời của Chúa Giêsu nhằm nhắc các môn đệ rằng tình yêu cũng cần có hành động, dù có thể người được phục vụ không hiểu, “Việc Thầy làm, bây giờ anh em chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Qủa thật mãi sau này các ông mới hiểu ý nghĩa việc làm của Thầy. Việc ‘rửa chân’ không dừng ở lý thuyết nhưng được diễn tả tinh thần phục vụ trong yêu thương và “để anh em cũng làm như Thầy” (Ga 13, 15). Đây không chỉ là lời mời gọi riêng các Tông đồ nhưng còn cho mỗi người chúng ta, muốn được “chung phần với Người” thì cần để Người ‘rửa chân’ nghĩa là được Người thanh tẩy tâm hồn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Tam Nhật Vượt Qua đã bắt đầu, với Tam Nhật Thánh này chúng con được đi sâu vào mầu nhiệm của tình yêu. Nhưng để bước vào mầu nhiệm đó, chúng con cần được‘rửa chân’ – cần được thanh tẩy. Thanh tẩy ‘đôi tay’để biết mở tay ra phục vụ,‘rửa đầu’ để thanh tẩy tâm trí khỏi những cái nhìn xấu về người xung quanh, ‘rửa chân’ để dám bước tới những vùng ngoại biên của cuộc sống. Amen!
Tác giả: HDĐM, Nhóm Suy niệm BC