Trong Tông thư “Sublimitas et miseria hominis-S ự vĩ đại và khốn cùng của con người” công bố ngày 19/6, nhân kỷ niệm 400 ngày sinh Blaise Pascal, nhà toán học, vật lý học và triết gia người Pháp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tài năng khoa học xuất chúng, mối quan tâm dành cho người nghèo và là một người tìm kiếm sự thật không mệt mỏi của nhà bác học.
Blaise Pascal sinh năm 1623 ở Clermond-Ferrand, và qua đời khi chỉ mới 39 tuổi tại Paris. Là một nhà khoa học người Pháp, ông đã giúp đặt nền móng cho lý thuyết xác suất hiện đại, phát minh ra một trong những hình thức sớm nhất của máy tính, và định nghĩa một nguyên lý thủy lực mà sau này được biết đến trong vật lý học với tên gọi “Định luật Pascal”. Trong những năm cuối đời, nhà toán học, vật lý học và triết gia Công giáo đã cống hiến hết mình bênh vực Kitô giáo.
Trong Tông thư dài 8 trang, trước hết Đức Thánh Cha mô tả nhà bác học Pascal là một người có một trí tuệ nổi bật và say mê học hỏi, người đã biết sử dụng ơn thông minh Chúa ban để nghiên cứu những vấn đề mà nhân loại đang cần. Vì thế ngài rất vui khi có cơ hội được bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà bác học trong dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh của ông.
Về đời sống tâm linh của nhà bác học, khẳng định ông là một người tìm kiếm sự thật không mệt mỏi, Đức Thánh Cha nhắc đến kinh nghiệm hoán cải “Đêm Lửa” của ông. Theo Đức Thánh Cha, nhà bác học có một sự hiểu biết sâu sắc về vai trò của lý trí trong đức tin tôn giáo. Một mặt, Pascal biện hộ cho tính hợp lý của niềm tin vào Thiên Chúa; mặt khác, chính vì khả năng trí tuệ, ông cũng nhận ra những giới hạn của lý trí, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa bằng đức tin.
Chủ đề cuối cùng xuất hiện trong Tông thư là sự quan tâm của Pascal đến những người kém may mắn hơn mình. Đức Thánh Cha trích dẫn những lời của nhà bác học trên giường hấp hối: “Nếu các bác sĩ nói sự thật, và Chúa cho phép tôi khỏi bệnh, tôi quyết tâm không làm công việc hay nghề nghiệp nào khác trong suốt phần đời còn lại của mình ngoại trừ việc phục vụ người nghèo”. Đức Thánh Cha viết: “Thật xúc động, khi nhận ra rằng trong những ngày cuối đời, một thiên tài vĩ đại như Pascal đã không thấy điều gì cấp bách hơn là nhu cầu cống hiến sức lực cho hoạt động bác ái”.