Yêu thương chính là trao tặng chính mình

Thứ ba - 24/04/2018 15:09  2680
“Con người có quyền được đối xử như là một đối tượng của tình yêu,
 chứ không phải như là một đồ vật để sử dụng”
ĐTC. Gioan Phaolô II

 
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là một vị Giáo hoàng rất yêu quý người trẻ và cũng được người trẻ rất yêu mến. Ngài đã có nhiều sáng kiến cho người trẻ, nhất là sáng kiến tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới (World Youth Day) bắt đầu từ Lễ Lá năm 1984 tại Roma. Ngài cũng là Vị Giáo hoàng của tình yêu, nhất là của các gia đình, đặc biệt là với tác phẩm “Tình yêu và Trách nhiệm”[1]“Thần học Thân xác”[2].

Trong bài này, chúng tôi trích dịch một số đoạn bài viết của các tác giả nghiên cứu về hai tác phẩm nói trên, với ước mong người trẻ có thể tìm ra những tia sáng cho những vấn đề của mình về tình yêu và tuổi trẻ…

1. Hai mặt của tình yêu[3]

Làm sao một người có thể biết được là mình đang yêu với một tình yêu đích thực, dấn thân hay chỉ là đang dạo chơi một mối tình lãng mạn ngon ở dở đi? Đây chính là đề tài mà Đức Karol Woityla (đức thánh cha Gioan Phaolô II) bàn đến trong cuốn sách nổi tiếng mang tựa đề “Tình yêu và Trách nhiệm” của Ngài.
 
"Cả hai thành một xương một thịt" (St 2,24).

Theo Đức Wojtyla, có hai khía cạnh của tình yêu mà việc hiểu biết chúng sẽ giúp ta phân biệt được sự khác biệt cốt lõi giữa hôn nhân, đính hôn và hẹn hò… Một đàng, chúng ta thấy những gì đang xảy ra bên trong chúng ta khi chúng ta bị hấp dẫn bởi một người khác phái.

Khi một chàng trai gặp một cô gái, anh ta trải nghiệm thấy những cảm xúc và ước muốn trỗi dậy trong con tim mình. Anh ta có thể bị thu hút bởi sắc đẹp hay vóc dáng của cô gái và thường xuyên nghĩ về nàng, cảm thấy tình cảm quyến luyến nàng. Năng lực bên trong của ước muốn nhục cảm (sensuality) và tình yêu cảm xúc (sentimentality) hình thành nên những cách thức mà chàng và nàng giao tiếp với nhau, tạo nên sự lãng mạn, nhất là ở những bước đầu cặp đôi mới quen nhau. Đức Woityla gọi đó là  khía cạnh thứ nhất của tình yêu: khía cạnh “chủ quan”. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một khía cạnh của tình yêu, chưa phải là tình yêu theo nghĩa tròn đầy. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng mình có thể có rất nhiều tình cảm và cảm xúc với một người nào đó mà không hề thực sự có tương quan yêu thương tới mức dấn thân vì họ hoặc họ cũng không thực sự dấn thân vì mình.

Đây là điều cho thấy tại sao Đức Wojtyla đặt khía cạnh chủ quan của tình yêu vào đúng vị trí của nó. Ngài đã thức tỉnh chúng ta và nhắc nhở chúng ta rằng: không quan trọng việc chúng ta có những kinh nghiệm như thế nào về những tình cảm và cảm xúc trên đây. Điều đó không thực sự thiết yếu cho tình yêu, mà chỉ là một “tình trạng tâm lý”. Nói một cách khác, tự nó, khía cạnh chủ quan của tình yêu không gì hơn là kinh nghiệm về sự khoái cảm xảy ra ở bên trong con người mình.

Những tình cảm và dục vọng không hẳn là xấu, vì nó có thể chuyển hóa và thăng hoa vào tình yêu và làm phong phú tình yêu, nhưng chúng ta không nên coi chúng như là những dấu chỉ bất biến của một tình yêu đích thực được. Đức Wojtyla nói rằng: “Không thể nào đánh giá mối tương quan giữa người với người chỉ dựa trên mức độ cảm xúc… Tình yêu triển nở trên nền tảng của sự dâng hiến trọn vẹn và tinh thần trách nhiệm đầy đủ”; nơi nào cảm xúc lãng mạn “phát xuất cách tự phát từ những cảm xúc và ước muốn nhục cảm. Sự phát triển rất lan tràn và nhanh chóng của những nhục cảm đó có thể phủ lấp tình yêu và làm cho nó không phát triển được” (tr. 145).


2. Tình yêu là tương quan giữa hai ngôn vị


Những người nam và người nữ hôm nay khá dễ rơi vào ảo tường như trên về tình yêu, vì thế giới hiện đại đã đóng khung tình yêu vào cảm tính, cảm xúc, tập trung trước hết vào khía cạnh chủ quan. Đây là cái người ta gọi là hiện tượng tình yêu “Hollywood” (“Hollywood Love”), khi thế giới điện ảnh tạo ra ảo ảnh là cứ cảm xúc càng mạnh thì tình yêu càng đậm. Tuy nhiên, Đức Wojtyla cho chúng ta thấy rằng có một khía cạnh khác của tình yêu đóng vai trò tuyệt đối thiết yếu bất kể cảm xúc và dục vọng có mạnh mẽ thế nào. Đây gọi là khía cạnh “khách quan” của tình yêu.

Khía cạnh khách quan này bao gồm những đặc tính khách quan vượt lên trên những xúc cảm khoái lạc mà người ta cảm nghiệm ở mức độ chủ quan. Tình yêu đích thực phải bao hàm đức hạnh, tình bạn và nhắm tới thiện ích chung. Chẳng hạn, trong hôn nhân Kitô giáo, người chồng và người vợ hiệp nhất với nhau để nhắm tới mục đích chung là giúp nhau nên thánh, nên một với nhau trong yêu thương và sinh dưỡng giáo dục con cái. Họ cần có đức hạnh để giúp nhau đạt tới mục tiêu chung ấy. Điều này cho thấy lý do tại sao khía cạnh khách quan của tình yêu thì lớn hơn là khía cạnh chủ quan, lớn hơn những cảm xúc, nhục dục và khoái cảm. Khía cạnh khách quan  giúp đánh giá đúng đắn mối liên hệ giữa một người với người yêu của mình, chứ không giản lược mối tương quan ấy vào cảm xúc của mình. Người khác có thực sự yêu tôi, yêu con người thật của tôi, hay là chỉ yêu những khoái cảm thích thú mà mối quan hệ này mang lại? Người yêu của tôi có thực sự thấu hiểu điều gì là thực sự tốt nhất cho tôi, và có đủ đức hạnh để giúp tôi đạt tới điều ấy không? Chúng tôi có thực sự hiệp nhất sâu xa vì cùng nhắm đến điều thiện của hai bên, có phục vụ nhau và cũng nỗ lực để hướng tới thiện ích chung là điều lớn hơn mỗi người không? Hay là chúng tôi chỉ sống bên nhau, gặp chăng hay chớ, rồi mỗi người theo đuổi những dự án hay sở thích của riêng mình?...

Như vậy, tình yêu đích thực là một “hành vi tương quan liên vị” chứ không chỉ là một “tình trạng tâm lý”. Mối tương quan bền chặt đặt nền trên đức hạnh và tình bạn, chứ không phải chỉ dựa vào những kinh nghiệm cảm xúc và việc sống chung.  Đức Wojtyla nhấn mạnh: “tình yêu theo kinh nghiệm phải tùy thuộc vào tình yêu đức hạnh. Bởi vì, không có  tình yêu đức hạnh thì người ta không có kinh nghiệm tròn đầy về tình yêu” (tr. 120).


3. Yêu thương là trao tặng chính mình


Một trong những điểm nổi bật của khía cạnh khách quan nơi tình yêu là sự trao hiến chính mình. Đức Wojtyla dạy rằng điều làm cho tình yêu hôn nhân khác biệt với các hình thức khác của tình yêu (sự hấp dẫn, dục vọng, tình bạn) chính là hai người biết “trao tặng chính mình” cho nhau. Họ không chỉ hấp dẫn nhau, không chỉ thèm muốn nhau, mà còn biết sẵn sàng trao hiến trọn vẹn cho nhau. “Khi tình yêu hôn nhân đi vào mối tương quan liên vị này, một điều gì đó lớn hơn tình bạn sẽ nảy sinh: hai người sẽ trao tặng chính mình cho nhau” (tr. 96).

Thật vậy, chính ý tưởng về tình yêu trao tặng chính mình cũng phát sinh một vài câu hỏi quan trọng: Làm sao một người có thể trao tặng chính mình cho người khác? Điều đó có nghĩa là gì? Sau cùng, mỗi người là duy nhất tuyệt đối. Mỗi người có trí óc và ý chí tự do riêng. Mỗi người có thể nghĩ cho mình, chọn lựa cho mình, quyết định lấy cho mình, vậy làm sao “cho đi chính mình” cho người mình yêu? Đức Wojtyla trả lời rằng, ở mức độ tự nhiên và thể lý thì không thể, nhưng ở trên mức độ ấy thì có thể. Để yêu thương một người, người ta có thể tự nguyện giới hạn tự do của mình và hiệp nhất ý muốn của mình với người mình yêu. Nói cách khác, vì yêu, người ta có thể thực sự ước ao được từ bó ý riêng của mình để buộc chặt ý muốn đó vào ý muốn của người khác, nói như Đức Wojtya: tình yêu “làm cho một người muốn làm một điều mà thôi là dâng tặng chính mình cho người mình yêu”. Đây là điều mà Đức Wojtyla gọi là “luật đi ra khỏi mình” (law of ekstasis) hay là “luật trao tặng chính mình”: “Người yêu ‘đi ra’ khỏi mình để tìm sự hiện hữu tròn đầy hơn nơi một người khác” (tr. 126). Ngài rất thích nhấn mạnh lời của Công Đồng Vatican II: “Con người chỉ có thể nhận biết chính mình qua việc chân thành trao tặng mình cho tha nhân” (Gaudium et Spes, s. 24).

Lời khẳng định này được áp dụng cách đặc biệt trong đời sống hôn nhân, vì trong hôn nhân, tình yêu trao tặng giữa hai người được tỏ lộ một cách sâu xa nhất. Dấn thân để cam kết với một người khác trong tình nghĩa vợ chồng, chắc hẳn tôi phải giới hạn tự do của mình để mở lòng tôi ra cho tình yêu dâng hiến. “Tình yêu bao hàm sự cam kết dấn thân là điều giới hạn tự do của mình, để trao ban chính mình cho người khác”. Vì tình yêu, sự trao ban này trở nên nét đẹp của tình yêu trao tặng, dâng hiến, hy sinh:  Tình yêu quảng đại. 

4. Ý nghĩa cao quý của thân xác[4]

Thân xác mang hai ý nghĩa nền tảng liên quan chặt chẽ với nhau: bí tích và quà tặng. Ý nghĩa thứ nhất là tính “bí tích” của thân xác, một kiểu nói rất Kitô giáo. Bí tích là dấu chỉ hữu hình của thực tại vô hình, chẳng hạn khi một người tặng cho bạn một bông hoa, thì không chỉ tạo ra phản ứng hóa học hay sinh học (mũi ngửi tay cầm) mà còn biểu lộ qua cử chỉ thể lý ấy một nội dung sứ điệp: tôi yêu mến bạn, bạn là người rất quan trọng đối với tôi… Chỉ qua ngôn ngữ thân xác như thế thì tâm tư bên trong mới được tỏ lộ ra. Thân xác vì thế là bí tích, vì thân xác biểu lộ những điều vô hình (nhất là sự hiệp nhất vợ chồng trong tình yêu) và vì thân xác diễn tả cũng như tham phần vào mối tương quan yêu thương và hiệp thông ấy.

Ý nghĩa thứ hai: thân xác là quà tặng. Ý nghĩa này xuất phát từ ý nghĩa thứ nhất, bởi vì điều làm cho tình yêu được biểu lộ cách hiện thực và sống động nhất chính là trao tặng cho người khác. Mức độ trao tặng diễn ta mức độ tình yêu. Trao tặng thân mình là mức độ cao nhất của tình yêu. Thân xác được trao tặng cho người mình yêu thương nhất, người mình sẽ gắn bó suốt đời trong giao ước hôn nhân. Khi bạn kết hôn với ai là bạn trao hiến trọn vẹn con người bạn, thân xác và linh hồn, và cũng đón nhận trọn vẹn con người của bạn đời, thân xác và linh hồn. Thiếu sự trọn vẹn ấy, bạn sẽ phá hủy món quà tặng, đi trật ra khỏi “luận lý tình yêu trao hiến” và rơi vào “luận lý của ích kỷ duy ngã”.

Trong hôn nhân, thân xác mang ý nghĩa “hôn nhân/vợ chồng”. Ý nghĩa này được đề cập tới 117 lần trong Thần học thân xác của ĐTC Gioan Phaolô II. Thân xác mang ý nghĩa kép trong hôn nhân: diễn tả tình yêu vợ chồng và tình yêu trao tặng trọn vẹn cho nhau. Qua hành vi vợ chồng, hai người diễn tả tình yêu cho nhau qua ngôn ngữ thân xác và trở nên quà tặng trao hiến trọn vẹn cho nhau qua chính thân thể của mình. Qua sự kết hợp vợ chồng ấy, thân xác trở thành dấu chỉ hữu hình diễn tả tình yêu và sự hiệp thông vô hình giữa hai ngôi vị, hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa và các Thánh.

Trong tác phẩm “Tình Yêu và Trách Nhiệm”, Đức Wojtyla viết rằng hành vi tính giao vợ chồng là hình ảnh tuyệt vời để diễn tả Thiên Chúa là tình yêu, vì tác giả nhìn thấy nơi thân xác khả năng làm cho thực tại vô hình – thiêng liêng và thần linh - được trở nên hữu hình. Ngài nói rằng con người được Thiên Chúa dựng nên với mục đích là để trở thành những ngôi vị có khả năng tự do chọn lựa để yêu thương và trao ban chính mình như là những ngôi vị có thể diễn tả sự trao hiến qua thân xác. Vì thế, hành vi tính giao giữa vợ chồng là một biểu tượng của sự trao hiến trọn vẹn cho nhau, và hơn nữa, nuôi dưỡng, củng cố và thăng hoa sự trao hiến ấy không chỉ trong hiện tại mà còn trong tương lai nữa. Do đó, đối với Ngài, “thân xác, và chỉ thân xác mà thôi, mới có khả năng làm cho trở thành hữu hình cái vô hình: tâm linh và thần linh”. “Hôn nhân là hành vi của ý chí diễn tả và bao hàm việc trao tặng cho nhau, hợp nhất vợ chồng và liên kết họ tới tận sâu thẳm linh hồn, để làm thành một gia đình duy nhất – Hội Thánh tại gia”.

ĐCV Bùi Chu, Tập san Ra Khơi, số 17 tháng Ba 2018, tr. 74-82
 

[1] “Tình  yêu và Trách nhiệm” (Love and Responsibility) là cuốn sách được viết bởi Đức Karol Wojtyła trước khi trở thành giáo hoàng, nguyên tác tiếng Ba Lan năm 1960, bản tiếng Anh năm 1981, cập nhật và xuất bản năm 2013. Sách gồm 5 chương: (1) Con người và xung năng tính dục; (2) Con người và tình yêu; (3) Con người và đức khiết tịnh; (4) Công bình với Đấng Tạo Hóa; (5) Tính dục học và Luân lý.
 
[2] Thần học thân xác (Theology of the Body) là tựa đề bộ sưu tập những bài giáo huấn đầu tiên cùa ĐTC Gioan Phaolô II từ năm 1979 đến 1984, gồm những suy niệm Kinh Thánh về ý nghĩa của thân xác con người, nhất là ý nghĩa của tính dục, tình yêu hôn nhân và những ước muốn nhục cảm. Giáo huấn chia làm hai phần chính: (1) là người có nghĩa là gì? (2) sống đời người thế nào để có hạnh phúc thật? Những vấn đề phổ quát được đề cập xuyên qua tác phẩm: Tại sao tôi hiện hữu? Tại sao Chúa dựng nên loài người có nam, có nữ? Làm thế nào để tìm được hạnh phúc? Cùng đích đời người là gì? Tại sao có sự dữ và làm sao vượt qua?...
 
[3] Edward P. Sri, “Love and Responsibility: Understanding the Two Sides of Love” (Tình Yêu và Trách Nhiệm: Tìm hiểu hai mặt của Tình Yêu),
http://www.holyspiritinteractive.net/columns/edwardpsri/loveandresponsibility/07.asp,
truy cập 05/11/2017.

 
[4] P. George Elsbett, “A Theology of Body: 10 point summary” (Thần học thân xác: 10 điểm tóm tắt), http://www.zentrum-johannes-paul-ii.at/2014/04/22/a-theology-of-the-body-10-point-summary/, truy cập 06/11/2017.
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập442
  • Máy chủ tìm kiếm56
  • Khách viếng thăm386
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại955,285
  • Tổng lượt truy cập78,958,736
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây