Tu sĩ không thể mù tri thức
Thứ hai - 02/10/2017 19:37
2531
Ngày nay, nhân loại đang sống trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Thế giới ấy đòi hỏi mỗi người phải trang bị cho mình kiến thức cơ bản trên hầu hết các lãnh vực của đời sống xã hội. Ngoài việc trang bị cho mình những tri thức vững chắc về Giáo lý, Tu đức và Đời sống tâm linh, người tu cần thiết phải trau dồi cho mình những trải nghiệm phong phú về cuộc sống và về con người, hầu có thể dấn thân một cách đắc lực hơn cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Trau dồi tri thức là công việc hệ trọng trong tiến trình đào tạo người Tu sĩ. Ngày nào người tu bằng lòng với vốn hiểu biết của mình, ngày đó họ đang bước đến bên bờ vực thẳm. Tri thức trên nhiều lãnh vực sẽ giúp bản thân người tu sĩ trở nên giàu có và phong phú hơn. Hơn nữa, chỉ khi được đào luyện trong một môi trường xã hội cụ thể với các kỹ năng chuyên môn cần thiết, người tu mới có thể tự tin bước vào sứ vụ, mà không bị choáng ngợp trước muôn vàn sắc màu của cuộc sống. Sự hiểu biết đầy đủ sẽ giúp người tu có khả năng đứng vững trước những đổi thay của thời cuộc và của lòng người. Dẫu biết rằng, việc đào tạo tri thức cho người Tu sĩ chỉ là một nhu cầu, một phương tiện giúp họ thi hành tốt hơn sứ vụ tông đồ, nhưng trong thời đại ngày nay, một thế giới đề cao vị trí và vai trò của chất xám, thì người tu nhất thiết không để mình bị mù tri thức.
Cách riêng, việc trang bị tri thức về đạo giúp người Tu sĩ tin và sống theo lời Chúa dạy. Vì lẽ, ta không thể tin theo điều mà chúng ta chưa hề nghe hoặc chưa bao giờ tận mắt chứng kiến. Bên cạnh tính chắc chắn và thiết thực với cuộc sống, tri thức giúp người tu “miễn nhiễm” trước những quyến rũ đầy màu sắc của cuộc sống. Chỉ khi việc đào tạo đáp ứng được đòi hỏi này, cánh đồng truyền giáo mới có thể mọc lên những bông hoa đầy hương sắc giữa những pha tạp của đời thường, để tô điểm thêm bức tranh muôn màu của cuộc sống. Thêm vào đó, việc đào luyện giúp các Tu sĩ có khả năng hoà nhập để cảm thấu con người trong xã hội, nhưng không bị hoà tan trong những vụn vặt của thời đại. Mặt khác, chỉ khi biết Chúa, yêu mến Chúa và có kinh nghiệm về Ngài, chúng ta mới có thể giới thiệu, giải thích, hướng dẫn người khác hiểu và sống Lời Chúa một cách chắc chắn và đúng đắn. Biết ở đây không phải là biết một cách lơ mơ, đại khái, nhưng là biết chính xác, chi tiết và sâu sắc. Có như vậy, người tu mới tạo được niềm tin và giúp người khác xác tín vào những gì người tu rao giảng.
Người Tu sĩ chỉ hiểu biết về đạo không thôi chưa đủ, nhưng thêm vào đó, họ cần thủ đắc cho mình tri thức trong các lãnh vực khác một cách có chọn lọc. Tri thức xã hội giúp cho lời nói, bài giảng và những chia sẻ của người tu thêm sinh động, phong phú, sâu sắc, gần gũi và dễ hiểu hơn. Đặc biệt, khi người tu nắm bắt được nhịp sống và sự phát triển của xã hội, họ có khả năng hướng dẫn con người nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa trong dòng chảy lịch sử nhân loại. Hơn nữa, đứng trước một thế giới không ngừng biến chuyển và quá đỗi phức tạp như hiện nay, bên cạnh một đức tin kiên vững, thì các kiến thức về khoa học, xã hội sẽ giúp người tu vững vàng hơn trên bước đường dấn thân phục vụ.
Nội dung tri thức của người tu trước hết phải gắn liền với Thiên Chúa và sau là nối kết với cuộc sống, bởi vì con người được mời gọi sống chung, sống cùng và sống với người khác. Do đó, không ai trong chúng ta được phép tách mình ra khỏi cộng đồng nhân loại, để rồi phải cô đơn trong ốc đảo của mình. Thành ra, dù nam hay nữ, dù còn trẻ trung hay đã cao niên, người tu cũng đều sống trong một giai đoạn lịch sử cụ thể với những bối cảnh và điều kiện nhất định. Hơn nữa, Tu sĩ có đời sống tâm linh sâu sắc phải là người có mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa và với các thực tại trần thế, sẵn sàng đón nhận tính cách nhân loại của mình. Cũng trong chiều kích đó, người Tu sĩ toàn diện, bên cạnh những giây phút chiêm niệm để kín múc nguồn dưỡng khí từ trời cao, họ cũng chính là những người biết cảm thấu những cảnh đời đau thương trong xã hội, dang rộng đôi tay và trái tim hầu xoa dịu nỗi đau trong tâm hồn con người. Thành ra, tri thức không phải chỉ tiếp nhận trên trường lớp, nhưng là bài học trải rộng, trải dài trong cuộc sống và trong mối tương quan giữa người với người.
Tri thức quan trọng, nhưng suy cho cùng, nó cũng chỉ là phương tiện để đạt được mục đích tối hậu là nhận biết Chúa Kitô. Quả vậy, bốn chiều kích căn bản của đời tu là nhân bản, đời sống thiêng liêng, tri thức và mục vụ, thì tri thức chỉ được xếp ở vị trí thứ ba mà thôi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số Tu sĩ lại quá coi trọng tri thức mà quên đi căn tính đời tu và nhân cách của mình. Không thiếu những Tu sĩ vì được sở hữu một vốn tri thức sâu rộng, đã quay lưng lại với Giáo hội, khi nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa, suy nghĩ lệch lạc, khủng hoảng lòng tin, thậm chí dẫn đến bội giáo, ly giáo. Cũng không thiếu những Tu sĩ vì quá đề cao kiến thức, dẫn đến thái độ cạnh tranh, ghen tương, đố kỵ về thành tích học tập, theo tinh thần thế tục không xứng bậc tu trì. Thái độ và lối suy nghĩ ấy vô cùng nguy hiểm, không nằm trong ý định của Thiên Chúa, và cần phải loại trừ.
Thành ra, tri thức chỉ đúng đắn và có giá trị khi chúng được xây dựng trên nền tảng vững chắc là chính Đức Kitô, dưới sự hướng dẫn của vị thầy tối cao là Chúa Thánh Thần. Mục đích học tập của Tu sĩ không phải là để đạt đến sự sung mãn cho bản thân nhưng là để hiểu biết, tin tưởng, yêu mến và phục vụ Đức Kitô nơi tha nhân. Vì những lý do đó, người tu nhất định phải đam mê truy tìm sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để làm giàu tâm hồn và đời thánh hiến của mình, và nhất định không được phép để mình bị mù tri thức.