Ông Benjamin Franklin là một trong những người lập quốc của Hoa Kỳ. Hồi còn trẻ, có lần ông đi gặp một lão tiền bối đức cao vọng trọng. Với tính khí ngông nghênh, mỗi bước đi ông đều vươn vai ưỡn ngực, đầu ngẩng lên cao, nên khi vừa bước vào cửa, không may đầu ông va vào xà ngang cửa vô cùng đau đớn. Ông lấy tay vừa xoa đầu vừa đưa mắt nhìn một người có thân hình cao to hơn ông cũng đi qua cánh cửa một cách tự tại, điềm nhiên.
Ngài tiền bối ra tận cửa đón ông, thấy vậy ngài nói: - Cậu bị đụng đầu rất đau có phải không? Đây chỉ là một tai nạn nhỏ nhưng lại là bài học lớn mà cậu thu hoạch được trong ngày hôm nay. Cách ứng xử ở đời cũng thế, cúi đầu một chút chính là khiêm tốn, không ngạo mạn chính là khiêm tốn, nói một lời cảm ơn, xin lỗi cũng là khiêm tốn vậy.
Quý vị và các bạn thân mến,
Người ta thường nói “Nhún nhường quý trọng biết bao. Khoe khoang kiêu ngạo ai nào có ưa”. Khiêm tốn chính là phẩm hạnh cao quý của con người. Nó được thể hiện qua thái độ sống tôn trọng người khác và nhận thức đúng về chính mình. Người có thái độ cao ngạo thường đặt mình trên người khác, còn người khiêm tốn chấp nhận lùi một bước. Để nói về đức khiêm tốn, người ta mượn hình ảnh của đất và nước. Dù cho địa hình có đồi, có núi cao, nhưng đất vẫn luôn ở dưới chân ta, dàn trải rộng lớn không giới hạn. Bản chất của nước cũng vậy, luôn chảy xuống chỗ thấp nhưng chứa đầy sức mạnh.
Trong quá trình trưởng thành và hoàn thiện về nhân cách, con người cần tập luyện sống đức khiêm tốn qua việc ý thức những điều giới hạn và thiếu sót của chính bản thân mình. Người khiêm tốn sống có tấm lòng hòa ái, họ không tranh đua đố kỵ hay loại trừ người khác nhưng biết tôn trọng mọi người. Lòng khiêm tốn còn được thể hiện qua thái độ biết ơn cuộc đời, biết ơn cha mẹ, người thân thuộc, bạn hữu, biết ơn cả những nghịch cảnh đã khiến cho ta thêm dũng khí, kiên cường.
Trong Tin Mừng, có lần Chúa Giêsu đã chữa lành cho 10 người bị bệnh phong nhưng chỉ có một người quay trở lại cám ơn Chúa, mà anh ta lại là người dân ngoại xứ Samari (x. Lc 17,11-19). Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà lớn tiếng tạ ơn. Thánh sử Luca đặc biệt chú ý đến người Samari để nói lên rằng ơn cứu độ có tính phổ quát dành cho cả những người được coi là dân ngoại. Thế nhưng họ lại là những người có niềm tin và lòng khiêm tốn. Họ can đảm vượt qua mọi sự kỳ thị của những người gốc Do Thái để đến kêu xin lòng thương xót của Đức Giêsu, và họ đã nhận được ơn chữa lành. Chính thái độ khiêm tốn đó đã chạm đến tình thương của Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã từ bỏ Ngôi vị Con Thiên Chúa, bỏ vinh quang, đánh đổi tất cả để chuộc lấy con người. Hiểu được giá trị của con người mà Thiên Chúa đã tác tạo và yêu thương, chúng ta phải hết lòng cám ơn Chúa. Ta cần cám ơn Chúa vì trong nỗi cùng cực của cuộc đời, Chúa đã yêu thương mở ra cho ta con đường sống rộng trải hơn những gì ta cầu xin mong ước. Chúa thấu hiểu từng ngóc ngách, từng thương tích trong tâm hồn ta và Người sẵn sàng chữa lành nếu ta khiêm tốn cầu xin. Vì thế ta đừng tiếc với Chúa một lời tạ ơn và cầu xin. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Lòng khiêm tốn và biết ơn mời gọi chúng ta thể hiện ra bằng việc làm cụ thể, đó là dành một ly nước cho người đang khát, một miếng bánh cho người đang đói, một lời cảm thông an ủi cho người sắp ngã lòng như Chúa Giêsu đã khẳng định “... mỗi lần các ngươi làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Với Đức Thánh Cha Phanxicô: Khiêm tốn là bí quyết dẫn chúng ta lên thiên đàng. Mỗi ngày chúng ta hãy tự hỏi tôi đang sống khiêm tốn như thế nào? Tôi có chịu lùi lại một bước hay luôn muốn nổi trội hơn người khác? (x. Buổi tiếp kiến chung 15-08-2021).
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn tin tưởng vào Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, biết sống gắn bó với Chúa qua cầu nguyện và yêu thương phục vụ. Chúng con chỉ có thể được cứu độ khi biết cậy dựa vào ơn Chúa, vì chỉ có Chúa là sức mạnh và niềm vui trọn hảo cho tâm hồn con. Amen.
Tác giả: Phương Anh
Nguồn tin: vietnamese.rvasia