Ngày 17 tháng 08 năm 2016 là ngày kỉ niệm Đức Cha cố Giuse Hoàng Văn Tiệm được Chúa gọi về tròn 3 năm. Toà Giám mục Bùi Chu sẽ cử hành thánh lễ giỗ mãn tang cho ngài cách long trọng vào lúc 09 giờ, ngày 17 tháng 08 tại nhà thờ Chính toà Bùi Chu. Nhân dịp này, xin được nhắc lại đôi nét về tiểu sử của Đức cha cố Giuse.
Khẩu hiệu: “Quodcumque dixerit vobis, facite –
Người bảo sao cứ làm như vậy” (Ga 2,5)
Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm chào đời ngày 12 tháng 9 năm 1936 tại giáo xứ Nam Phương, xã Hải Sơn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, trong vòng tay yêu thương của ông cố Giuse Hoàng Văn Phấn và bà cố Maria Nguyễn Thị Yểng. Ngài là con thứ 5 trong gia đình có 9 anh chị em, 4 anh chị nay đều đã qua đời là Bà Maria Hoàng Thị Uyển, ông Giuse Hoàng Văn Huấn, ông cố Giuse Hoàng Văn Thoại và bà Maria Hoàng Thị Tươi. Riêng ông bà cố Thoại sinh được 9 người con, trong đó có cha Giuse Hoàng Ngọc Khoát và 2 Soeurs là Sr. Maria Kim Ánh thuộc Dòng Trinh Vương và Sr. Maria Kim Mai thuộc Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt. Ngoài 4 anh chị, Đức Cha còn có 4 người em trong đó 3 người đã qua đời là bà Maria Hoàng Thị Sinh, ông Giuse Hoàng Văn Kiêm và bà Maria Hoàng Thị Nhụ, và cô út là bà Maria Hoàng Thị Nhũ hiện ở tại giáo họ Simon giáo xứ Lục Phương. Ông bà cố của Đức Cha đang an nghỉ tại nhà số 4 TGMBC chờ ngày phục sinh.
Tuổi thơ ấu của Đức Cha trải qua những ngày tháng yên ả tại quê nhà với những kỷ niệm tinh nghịch như: đi tắm sông, bẻ nhãn. Năm 10 tuổi, ngài muốn đi tu nên được cha già Đa Minh Vũ Ngọc Thụ, cha xứ Nam Phương nhận đỡ đầu và được thường xuyên ở tại nhà xứ với các cậu các chú giúp lễ. Những trò tinh nghịch lúc ở nhà xứ Nam Phương vẫn còn lưu lại trong tâm trí những người đương thời như: bẻ bàng, cho lạc vào bình hương để nướng… Tuy thế, Cha già cố vẫn nhận thấy nơi ngài có những dấu chỉ của ơn thiên triệu nên đã hết mực yêu thương và dẫn dắt mầm non ơn gọi của ngài. Chính vì ơn nghĩa cao dầy này mà Đức Cha Giuse hằng ghi nhớ và tổ chức lễ giỗ thường niên cho cha già cố tại giáo xứ Vạn Lộc, nơi ngài an nghỉ.
Sau hai năm, tức là năm 1950, ngài thi đậu vào trường Thử Trung Linh, Bùi Chu ở tuổi trăng rằm đầy mộng ước. Lúc đó giấy tờ của ngài lại ghi năm sinh là năm 1938. Vì thế nếu tính tuổi theo giấy tờ thì ngài được 75 tuổi, còn nếu tính tuổi thật thì ngài được 77 tuổi.
Năm 1950 – 1951, giáo phận có sự thay đổi về cơ sở vật chất. Trường Tiểu Chủng viện Ninh Cường chuyển về Trung Linh và trường Thử chuyển về Ninh Cường. Ngài được chuyển xuống học tại nhà Thử Ninh Cường 2 năm từ 1952 – 1953. Mãn 2 năm thử, ngài thi đậu vào Tiểu Chủng viện Phanxicô Trung Linh và tu học tại đó.
Tiểu Chủng viện Trung Linh được thành lập vào năm 1936 trong biến cố tách giáo phận Thái Bình từ giáo phận mẹ Bùi Chu. Do cơ sở Ninh Cường được các Cha Dòng Đa Minh mượn, nên Tiểu Chủng viện được dời về Trung Linh. Đức Cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn đã đổi thành Chủng viện thánh Phanxicô Xaviê.
Trong biến cố di cư năm 1954, Tiểu Chủng viện thánh Phanxicô tại Trung Linh được chuyển vào Sài Gòn, gần nhà thờ Chợ Đũi, dưới quyền lãnh đạo của Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi và cha bề trên Gioan Baotixita Trần Ngọc Hưởng. Thời gian này, do sự phân cách Nam Bắc, Thầy Giuse Hoàng Văn Tiệm không thể liên lạc được với cha cố Thụ ở miền Bắc, nên đã nhận cha bề trên làm cha đỡ đầu để được tiếp tục hướng dẫn và đồng hành trên bước đường ơn gọi.
Lớp của ngài lúc đó nhận Đức Nữ Trinh làm bổn mạng với tên gọi là lớp Trinh Thai. Lớp Trinh Thai của ngài bây giờ gồm Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Xuân Lộc, Đức Ông Vinh Sơn Đặng Văn Tú, Tổng đại diện Giáo phận Xuân Lộc, Cha Đa Minh Nguyễn Đình Tân, chánh xứ Thanh Đa, giáo phận Sài Gòn và các linh mục khác nữa, tổng cộng là 22 vị, phục vụ trong nước cũng như hải ngoại, còn lại một số đông đã thay đổi ơn gọi. Có lẽ vì là thành viên của lớp mang danh Đức Mẹ nên Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm đã có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Trước giờ phút lâm chung, trong cơn đau đớn, Đức cha vẫn tiếp tục dâng lên Mẹ những lời kinh Mân Côi và đã được Đức Mẹ đưa về Nhà Cha vào rạng sáng thứ Bảy, ngày mà Giáo Hội dành để tôn kính Mẹ.
Năm 1958, một số chủng sinh ưu tú của lớp Đức Mẹ Trinh Thai được gửi về tu học tại Đại Chủng viện Lê Bảo Tịnh, đường làng 21 (nay là đường Hoàng Hoa Thám, Bình Thạnh, Sài Gòn). Năm 1959, do một số biến cố, thầy Giuse Tiệm chuyển sang Dòng Don Boscô và được nhận vào tập viện Salêdiêng ở Thủ Đức (1960 – 1962). Với khả năng nổi trội, sau thời gian tập viện, thầy Giuse Tiệm được gửi qua Hồng Kông để học Triết học từ năm 1962 – 1966. Trong số các giáo sư tại Hồng Kông, có giáo sư Giuse Trần Nhật Quân, sau này làm Hồng y. Được tin người học trò làm giám mục, ngài đã gửi tặng món quà rất bất ngờ mà sau này Đức Cha còn nhắc đến mãi.
Hết thời gian triết học, thầy Giuse trở về quê hương và thực tập mục vụ tại Thủ Đức từ năm 1966 – 1969. Năm 1966, cha cố Hưởng qua đời, nên sau đó thầy đã nhận cha chính Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh (năm 1993, Toà Thánh ban tước Đức Ông) làm cha bảo trợ.
Sau thời gian tập vụ, từ năm 1969 – 1973, thầy được gửi sang học Thần học tại Học viện Salêdiêng ở Cremisan, Bêlem. Chính trên mảnh đất quê hương Đấng Cứu Thế, tại Giêrusalem, thầy Giuse được thụ phong linh mục vào thứ Năm Tuần Thánh, ngày 19 tháng 4 năm 1973, trong nhà thờ gần Phòng Tiệc Ly, nơi Chúa Giêsu đã lập chức linh mục và Bí tích Thánh Thể.
Năm 1973, từ nước ngoài trở về Việt Nam, ngài dạy Thần học luân lý tại Học viện Salêdiêng ở Đà Lạt từ đó cho đến năm 1975. Đây là sứ vụ đầu tiên trong thiên chức linh mục của ngài.
Năm 1975, ngài được sai đến làm cha sở giáo xứ Thanh Bình và ở đó đến năm 1995. Đây là thời gian ngài thi hành sứ vụ mục tử, coi sóc đoàn chiên Chúa trao và thu lượm nhiều hoa trái là các linh hồn về cho Chúa. Trong 20 năm, ngài đã kéo biết bao ơn lành từ Trời xuống cho giáo xứ: bao thế hệ đã được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và Hoà Giải, bao thiếu nhi được rước lễ lần đầu, bao đôi vợ chồng đã được cha chứng hôn, bao bệnh nhân được lãnh nhận Bí tích Xức Dầu và bao Thánh lễ đã được cử hành tại giáo xứ Thanh Bình đầy ắp những kỷ niệm giữa mục tử và đàn chiên. Ngài đã làm tất cả vì lòng nhiệt thành của người mục tử, vì lòng mến Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Năm 1995, ngài được mời về làm giáo sư Đại Chủng viện Hà Nội để đào tạo các linh mục tương lai cho Giáo Hội. Suốt 6 năm làm giáo sư tại đây, ngài đã truyền đạt bao nhiêu kiến thức Thần học, kinh nghiệm Mục vụ và Thiêng liêng cho các chủng sinh. Bất cứ ai được học hành và sống với ngài đều vui vẻ và lạc quan vững bước trên hành trình ơn gọi dâng hiến.
Ngày 08/08/2001, ngài được tấn phong làm Giám mục Bùi Chu. Trong tư cách là mục tử của đoàn chiên, ngài bắt tay vào việc canh tân và xây dựng Giáo phận từ cơ sở vật chất, nhân sự cho đến đời sống tâm linh. Chẳng cần phải suy nghĩ nhiều, cũng chẳng cần phải tìm tòi khám phá quá lâu, mỗi con dân của Giáo phận đều dễ dàng nhận ra những đóng góp to lớn của Đức Cha cho Giáo phận thân yêu.
Sau 12 năm 9 ngày tận tụy phục vụ đoàn chiên Giáo phận, vào lúc 04 giờ sáng thứ Bảy, ngày 17 tháng 08 năm 2013, Đức cha Giuse đã được Chúa cất đi trong sự thương mến và ngỡ ngàng của cả đoàn chiên Giáo phận do cơn nhồi máu cơ tim. Thánh lễ an táng của ngài được cử hành vào 8 giờ 30 ngày 21 tháng 08 năm 2013 trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng. 22 Giám mục và khoảng 330 linh mục về hiệp dâng Thánh lễ an táng cầu nguyện cho ngài cùng với sự có mặt đông đảo của các chủng sinh, tu sĩ nam nữ và khoảng trên 20.000 giáo dân.