Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Úc, đã bày tỏ sự phẫn nộ trước những gì đang xảy ra ở Ukraine và tha thiết kêu gọi biện pháp ngăn chặn sự điên rồ của chiến tranh và quay trở lại với lương tri. Ngài nói rằng “hòa bình của thế giới đang bị đe dọa”.
“Chúng tôi xin được bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với người dân Ukraine và tình liên đới của chúng tôi với tất cả những người Ukraine đang sinh sống ở Úc,” Đức Tổng Giám mục Coleridge cho biết.
“Việc lên án chiến tranh, lệnh trừng phạt và thực hiện các biện pháp nửa vời là không đủ. Toàn bộ cộng đồng quốc tế – bao gồm cả chính phủ Úc – cần phải làm tất cả khả năng của mình để ngăn chặn bạo lực.”
“Đây không phải là một trò chơi địa chính trị nào đó. Mạng sống con người đang bị đe dọa. Những lời nói dối phải dừng lại. Sự thật và công lý phải thắng thì có một tương lai tốt đẹp cho tất cả chúng ta.
“Ukraine nằm ở vị trị địa lý khá xa so với Australia, nhưng những gì đang diễn ra ở đó thì không hề. Ukraine đã trở thành một phần thế giới sẽ không bao giờ còn giống như nó vốn có trước khi xảy ra hành vi vì sự quân sự hóa man rợ này.“
Đức Giám mục Mykola Bychok, CSsR, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Ukraine ở Úc, cho biết nỗi sợ hãi ngày càng gia tăng ở quê hương ngài trong những tuần gần đây. Sự sợ hãi đó đã trở nên hiện thực trong tuần này.
“Ukraine là một quốc gia hòa bình; chúng tôi không muốn chiến tranh. Một cuộc xâm lược leo thang của Nga sẽ dẫn đến nhiều người chết và bị thương, hàng triệu người tị nạn, sẽ có nhiều nước mắt và đau đớn hơn,” Đức cha Mykola nói.
“Đây là một câu hỏi về sự sống và cái chết chỉ vì ảo vọng về một đế chế trong quá khứ đã dẫn đến sự tàn sát vô nghĩa và đau khổ vô cùng trên khắp Ukraine.”
Việc Nga xâm lược Ukraine, một quốc gia có bản sắc dân tộc từ lâu trước thời Liên Xô và đã được công nhận rộng rãi là một quốc gia có chủ quyền từ năm 1991, cũng có thể khiến quyền tự do thực hành đức tin của người Công giáo Ukraine sẽ bị hạn chế.
Điều này sẽ càng cay đắng hơn đối với một Giáo hội trong 70 năm đã bị đàn áp và cấm cản đủ đường, Đức Giám mục Mykola Bychok nói.
Đức Tổng Giám mục Coleridge nhấn mạnh rằng, cũng như đối các quốc gia khác đã trải qua chiến tranh trong những năm gần đây, gần đây nhất là Afghanistan, “chính phủ Úc cần có một phản ứng quảng đại để giúp người dân chạy trốn bạo lực ở Ukraine”.
Caritas Australia, một bộ phận của cơ quan viện trợ và phát triển quốc tế của Giáo hội Úc, đang hợp tác với Caritas Ukraine để cung cấp các hỗ trợ nhân đạo cần thiết cho các nạn nhân chiến tranh.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi những người “có trách nhiệm chính trị hãy xem xét lương tâm của mình một cách nghiêm túc trước mặt Đức Chúa Trời, Đấng là Thiên Chúa của hòa bình chứ không phải của chiến tranh, là Cha của tất cả, không chỉ của một số người, Người muốn chúng ta trở thành anh chị em của nhau và không phải kẻ thù”.
Đức Giáo Hoàng kêu gọi tất cả các tín hữu và những người thành tâm thiện chí biến Thứ Tư Lễ Tro, ngày 2 tháng Ba, thành một ngày đặc biệt của sự cầu nguyện và ăn chay vì hòa bình. Đức Tổng Giám mục Coleridge kêu gọi các giáo xứ, trường học và các cộng đồng Công giáo khác ở Úc lưu tâm đến lời kêu gọi của ngài.
“Lời cầu nguyện có sức mạnh hơn những quả bom. Vì vậy, chúng tôi sẽ cầu nguyện cho một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và con người biết suy nghĩ lại và ngồi vào bàn thương lượng. Chúng tôi cũng đang cầu nguyện cho những người đã bị sát hại, bị thương hoặc buộc phải tản cư,” Đức Tổng Giám mục Coleridge nói.
Tác giả: Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ