Hồ sơ xin phong thánh cho Dorothy Day đã được gửi tới Vatican
Chủ nhật - 12/12/2021 06:30
1135
Hơn một chục thùng tài liệu chứa các bằng chứng về sự thánh thiện của Tôi tớ Chúa Dorothy Day đang trên đường đến Tòa Thánh Vatican, sau một thánh lễ diễn ra trong tuần vừa qua ở Thành phố New York, đánh dấu sự kết thúc hai thập kỷ của án phong thánh ở cấp giáo phận.
Dorothy Day qua đời tại thành phố New York năm 1980, là một nhà vận động cho người nghèo và là người sáng lập phong trào Công nhân Công giáo. Tổng giáo phận New York, với sự cho phép của Thánh Gioan Phaolô II, đã mở án phong thánh cho Dorothy Day vào năm 2000. Đức Hồng y Timothy Dolan của New York đã cử hành thánh lễ vào ngày 8 tháng 12, trong đó 17 thùng các tông chứa giấy tờ và các bằng chứng của án phong thánh được đặt ở phía trước nhà thờ, buộc chặt bằng các dải ruy băng đỏ.
Các hộp hồ sơ tài liệu này sẽ được đệ trình lên Bộ Phong Thánh và cho Đức Thánh Cha Phanxicô.
"Anh chị em thân mến, anh chị em đang chứng kiến giây phút lịch sử," Đức Hồng Y Dolan nói trong bài giảng của mình vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ngài gọi Dorothy Day là "ngôi sao rạng rỡ" của "sự thánh thiện của nước Mỹ."
Cuộc điều tra theo giáo luật về cuộc đời của Dorothy Day bắt đầu vào tháng 4 năm 2016, bao gồm các cuộc phỏng vấn với hơn 50 nhân chứng, những người biết rõ về Dorothy Day; việc đọc lại hơn 3.000 trang báo mà Dorothy Day đã viết cho tờ Công nhân Công giáo; và các bằng chứng khác đã được thu thập và kiểm tra để xác định liệu Dorothy Day có thực sự sống một cuộc đời chứng tá anh hùng hay không.
Dorothy Day sinh ra ở Brooklyn vào năm 1897 và lớn lên ở Chicago. Cô được rửa tội trong giáo hội Giám nhiệm (Episcopal Church) ở tuổi 12 và có những dấu chỉ khi còn trẻ đã sở hữu một ý thức tôn giáo sâu sắc, ăn chay và hành xác bằng cách ngủ trên sàn gỗ cứng.
Vào những năm 1910, Dorothy Day bỏ học đại học và chuyển đến New York, nơi cô nhận công việc phóng viên cho tờ nhật báo theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa lớn nhất của Hoa kỳ lúc bấy giờ, The Call. Cô chuyển sang gia nhập với giới xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Bohem phóng túng, và trải qua một loạt các mối tình tai hại, một trong số đó kết thúc bằng một vụ phá thai mà sau này khiến cô vô cùng hối hận.
Cuối cùng, cô bước vào một cuộc hôn nhân với Forster Batterham, một người yêu thiên nhiên theo chủ chương vô chính phủ và là một người vô thần. Dorothy Day sống trong nhiều năm ở Lower East Side và Greenwich Village. Cô chuyển đến Đảo Staten vào những năm 1920, nơi cô nuôi dạy cô con gái Tamar.
Đức Hồng y Dolan thừa nhận rằng Dorothy Day đã sống "khác xa với một cuộc sống vô tội" lúc đầu; một cuộc sống mà cô ấy phát hiện ra một "sự trống rỗng." Cuộc tìm kiếm ý nghĩa này đã giúp đưa cô đến với Công giáo; bà bắt đầu lần hạt và cho con gái bà rửa tội theo Công giáo.
Cô được tiếp nhận vào Giáo hội Công giáo năm 1927 tại Nhà thờ Đức Mẹ Phù hộ các tín hữu ở vùng lân cận Đảo Staten của Tottenville.
Sau khi chia tay với Batterham, Dorothy Day sống ở thành phố New York với tư cách là một bà mẹ đơn thân. Mối quan tâm sâu sắc và lâu dài của cô đối với người nghèo lại trỗi dậy. Cùng với triết gia người Pháp có tên Peter Maurin, cô đã thành lập Phong trào Công nhân Công giáo vào năm 1933.
Sống theo quan niệm Công giáo về sự nghèo khó thánh thiện và thực hành các công việc của lòng thương xót, hai người đã bắt đầu các bếp súp từ thiện, các cộng đồng nông trại tự duy trì và một tờ nhật báo. Trong suốt 50 năm làm việc cho những người nghèo và bị thiệt thòi, Dorothy Day chưa bao giờ nhận lương.
Đức Hồng Y Dolan lưu ý rằng Dorothy Day đã đến Đền thờ Quốc gia ở Washington D.C. vào ngày 8 tháng 12 năm 1935, và cầu xin cho được nhận biết kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Dorothy Day muốn sống một cuộc sống đơn giản, cộng đoàn, tương tự như các tông đồ tiên khởi.
Dorothy Day ủng hộ lòng mộ đạo và lòng hiếu khách của người Công giáo, đồng thời tham gia vào các hoạt động xã hội vì người nghèo và vì nhân quyền. Các bài phê bình xã hội của bà thường có quan điểm triệt đề về nghèo đói, lao động, chủ nghĩa tư bản và chiến tranh, trong khi vẫn dựa trên giáo huấn xã hội Công giáo.
Di sản của bà vẫn tồn tại cho đến ngày nay trong khoảng 185 cộng đồng Công nhân Công giáo ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu. Một số thành viên trong cộng đồng của bà đã bày tỏ lo lắng về thời gian và chi phí cho quá trình phong thánh, họ nói rằng chi phí này có thể được sử dụng tốt hơn để hỗ trợ người nghèo.
Ngoài ra, một số người đã lưu ý rằng bản thân Dorothy Day, trong một số bài viết của mình, đã chống lại việc bị gán cho là một vị thánh. Tuy nhiên, Robert Ellsberg, người đã biên tập bộ sưu tập nhật ký của Dorothy Day, đã nói rằng Dorothy Day tin rằng “tất cả chúng ta [đều] được gọi là thánh".
Tác giả: Duc Trung Vu, CSsR chuyển dịch
Nguồn tin: Catholic News Agency