ĐTC Phan-xi-cô gặp gỡ cô Nadia Murad
Thứ sáu - 27/08/2021 04:23
723
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gặp gỡ cô Nadia Murad, người đoạt giải Nobel Hòa bình có quan điểm ủng hộ phụ nữ Afghanistan.
Hôm thứ Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ người đoạt giải Nobel Hòa bình, cô Nadia Murad, một nhà vận động nhân quyền, người đã lên tiếng thay cho phụ nữ và trẻ em gái ở Iraq và Afghanistan. Người đoạt giải Nobel Hòa bình, Nadia Murad, gặp Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tại Vatican vào ngày 20 tháng 12 năm 2018./ Vatican Media.
Cuộc gặp của cô Murad với Đức Thánh Cha vào ngày 26 tháng 8 diễn ra khi những người sống sót sau khi bị quân ISIS bắt làm nô lệ đã bày tỏ mối lo ngại về tương lai của phụ nữ Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban.
“Tôi biết điều gì sẽ xảy ra khi thế giới không còn để ý đến phụ nữ và trẻ em gái trong các cuộc khủng hoảng. Điều này không thể xảy ra ở Afghanistan. Cộng đồng quốc tế phải hành động để Taliban không tiếp tục cướp đi quyền và tự do của phụ nữ”, Murad viết trên Twitter vào ngày 16 tháng 8, một ngày sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul.
Buổi tiếp kiến riêng của Đức Thánh Cha tại Vatican là cuộc gặp thứ ba của cô Murad với ngài. Cô cũng đã gặp Đức Thánh Cha Phan-xi-cô vào tháng 12 năm 2018 ngay sau khi nhận giải Nobel vì những “nỗ lực chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang”.
Murad nói rằng cô ấy đã có một “cuộc thảo luận sâu sắc về kinh nghiệm bị diệt chủng của cộng đồng Yazidi” trong buổi gặp gỡ lần trước với Đức Thánh Cha.
Vào hồi tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với các nhà báo rằng ngài được truyền cảm hứng để đến viếng thăm đất nước Iraq một phần từ cuốn hồi ký của Murad, cuốn hồi ký có tên “Cô gái cuối cùng”.
“Nadia Murad kể những điều thật đáng sợ. Tôi khuyên anh chị em nên đọc cuốn sách ấy. Với một vài người, nó có vẻ nặng nề, nhưng đối với tôi, đây là lý do cơ bản cho quyết định của tôi để đến Iraq, ”Đức Thánh Cha nói trên chuyến bay trở về từ Baghdad vào ngày 8/3.
Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đã bắt giữ Murad cách đây 6 năm sau khi sát hại 6 người anh em của cô, mẹ cô và hơn 600 người Yazidi khác tại ngôi làng ở vùng quê Iraq của cô. Cô bị bắt làm nô lệ, cùng với hầu hết phụ nữ trẻ trong cộng đồng của cô, và bị các chiến binh ISIS hãm hiếp nhiều lần.
Sau khi bị bán làm nô lệ nhiều lần và bị lạm dụng tình dục lẫn thể xác, Murad đã thoát khỏi ISIS ở tuổi 23 sau ba tháng bị giam cầm. Sau khi chuyển đến Đức, cô sử dụng quyền tự do của mình để trở thành người bênh vực cho những phụ nữ Yazidi vẫn bị ISIS giam giữ.
Cô đang phục vụ với tư cách là Đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc về phẩm giá của những người sống sót sau nạn buôn người và thành lập tổ chức Nadia’s Initiative, một tổ chức giúp đỡ các nạn nhân nữ bị bạo lực.
Murad là người Iraq đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình. Cuối cùng, cô đã có thể chôn cất hài cốt của hai người anh trai ở quê nhà ở Kocho vào tháng 2 năm 2021.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố vào năm 2016 rằng tộc người Yazidi, cùng với các nhóm thiểu số tôn giáo Hồi giáo Shia và các Ki-tô hữu, là những nạn nhân của một cuộc diệt chủng do Nhà nước Hồi giáo gây ra.
Murad đã nói rằng chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Iraq vào tháng 3 năm ngoái là “một dấu hiệu hy vọng cho tất cả các nhóm thiểu số”.
Murad cũng phát biểu với Vatican News vào tháng 3: “Chuyến thăm không chỉ mang tính lịch sử của Đức Thánh Cha đến Iraq mà còn đến vào thời điểm lịch sử đối với người dân Iraq, khi họ tái thiết lại cuộc sống sau nạn diệt chủng, đàn áp tôn giáo và nhiều thập kỷ xung đột”.
“Chuyến thăm của Đức Thánh Cha thắp lên ngọn lửa hi vọng cho hòa bình và tự do tôn giáo. Nó biểu tượng cho sự thật rằng tất cả người dân Iraq - bất kể tín ngưỡng của họ - đều xứng đáng có nhân phẩm và nhân quyền như nhau."
Tác giả: Duc Trung Vu, CSsR
Nguồn tin: www.catholicnewsagency.com