Khai mở vụ Án phong thánh cho một người phụ nữ Công giáo Ba Lan, người được gọi là 'thiên thần hộ mệnh' trong trại tập trung Đức Quốc xã.
Án phong thánh của một người phụ nữ Công giáo Ba Lan, người đã hi sinh để giúp đỡ các bạn tù tại trại tập trung Đức Quốc xã đã được mở.
Đức cha Andrzej Jeż của giáo phận Tarnów đã ban hành một sắc lệnh thông báo Án phong thánh cho người phụ nữ có tên là Stefania Łącka, người mà các tù nhân trong trại tập trung gọi trìu mến với cái tên là "thiên thần hộ mệnh nơi trần gian" của họ.
Đức cha Jeż nói rằng ngài đã thực hiện bước khởi đầu quan trọng này sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng Giám mục Ba Lan và được Bộ Phong thánh Vatican cho phép.
Ngài mời gọi những ai có tài liệu liên quan đến Łącka, xin gửi đến giáo phận trước ngày 7 tháng 9 để Cha Stanisław Sojka, cáo thỉnh viên vụ án sẽ hoàn thiện hồ sơ.
Cô Łącka (phát âm là “Wonska”) sinh ngày 6 tháng 1 năm 1914, tại Wola Żelichowska, một ngôi làng ở miền nam Ba Lan. Cô theo học tại một trường Sư phạm, tốt nghiệp năm 1933.
Từ năm 1934 đến năm 1939, cô làm việc cho Nasza Sprawa (“Our Case”), ấn phẩm Công giáo xuất bản hàng tuần của Giáo phận Tarnów, cô đã viết 700 bài báo và biên tập phần bổ sung dành cho trẻ em Króluj nam Chryste (“Chúa Kitô, trị vì chúng ta”).
Sau khi Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, ban biên tập đã truyền đạt các kỹ năng của mình cho phong trào ngầm ở Ba Lan.
Cảnh sát mật của Đức Quốc xã đã bắt giữ Łącka và các thành viên khác của ban biên tập vào ngày 16 tháng 4 năm 1941.
Cô bị giam tại trụ sở Đức quốc xã ở Tarnów và sau đó là tại nhà tù địa phương. Cô bị thẩm vấn và tra tấn dã man, nhưng không tiết lộ tên của bất kỳ cộng sự viên nào của cô.
Cô Łącka được chuyển đi vào ngày 27 tháng 4 năm 1942, cùng với 60 nữ tù nhân khác đến trại Tập trung của Đức quốc xã, nơi cô mang số hiệu tù là 6886.
Tháng 6 năm 1942, một nữ tù nhân trốn trại. Các nhà chức trách buộc các tù nhân phải đứng ở quảng trường điểm danh trong hai ngày để chờ xem ai sẽ bị giết để chịu quả báo cho cuộc vượt ngục.
Sắc lệnh của Đức cha Jeż, đề ngày 26 tháng 7 nhưng được thông báo trên trang web của giáo phận vào ngày 8 tháng 8, cho biết chi tiết: Łącka đang đứng bên cạnh người bạn của mình, Helena Panek, khi họ đang chờ đợi phán quyết dành cho cuộc đời của mình. Łącka hứa rằng nếu Panek bị gọi đi thi hành bản án thì cô ấy sẽ đi đến cái chết cùng Panek. May thay, các viên quản ngục đã được lệnh không tiến hành hình phạt theo kế hoạch của họ.
Trong khi chăm sóc người bệnh, Łącka bị bệnh sốt phát ban và được đưa vào bệnh viện của trại ở khu 23.
Cô hồi phục vào mùa xuân năm 1943 và bắt đầu làm việc trong bệnh viện của trại với tư cách là một y tá, sử dụng khả năng thành thạo tiếng Đức của mình để giúp đỡ các bệnh nhân.
“Mạo hiểm với mạng sống của mình, cô ấy đã rửa tội cho các trẻ sơ sinh và phục vụ những người bị bệnh nặng,” Đức cha Jeż lưu ý trong sắc lệnh. “Cô ấy cũng trợ giúp những người hấp hối, an ủi họ trong những giờ phút cuối đời”.
“Cô ấy khuyến khích các nữ tù nhân khác cùng cầu nguyện với những người đang hấp hối. Mạo hiểm mạng sống của mình, cô cũng cứu những phụ nữ bị bệnh trong quá trình chọn người vào buồng hơi ngạt hoặc tiêm phenol bằng cách gạch tên họ ra khỏi danh sách tử hình. Các bạn tù gọi cô ấy là ‘thiên thần hộ mệnh trần gian’. ”
Cô đã viết một cuốn sách cầu nguyện cho trại tập trung, và sách này còn được lưu giữ sau Chiến tranh thế giới thứ hai một cách nguyên vẹn.
Łącka thoát khỏi trại tập trung cùng năm người bạn đồng hành vào ngày 23 tháng 1 năm 1945, vài ngày sau khi trại bị đánh bom. Cô trở về ngôi nhà của gia đình mình ở Wola Żelichowska, nơi cô tham dự thánh lễ hàng ngày và giúp đỡ gia đình.
Cô bắt đầu theo học môn ngữ văn Ba Lan tại Đại học Jagiellonian ở Kraków, nhưng sức khỏe giảm sút khiến cô được đưa vào một bệnh viện trong thành phố vào tháng 10 năm 1946.
Cô qua đời vào ngày 7 tháng 11 năm 1946, ở tuổi 33.
Trong sắc lệnh của mình, Đức cha Jeż nói rằng linh đạo của cô Lącka đã trình bày một tấm gương cho các Kitô hữu ngày nay.
Ngài viết: “Stefania Lacka nổi bật nhờ sự trổi vượt các nhân đức của đức tin, đức cậy, đức mến và lòng đạo đức nhiệt thành”. Từ ngày cô qua đời cho đến nay, lòng sùng mến cá nhân dành cho cô trở nên phổ biến trong nơi nhiều người tín hữu."