Bốn thái độ căn bản phải có trong Thánh Lễ
Chủ nhật - 10/12/2017 09:07
2346
Trong hai bài giáo lý đầu tiên của mình về Thánh Thể, ĐGH Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta về bốn thái độ căn bản phải có trong Thánh Lễ.
Trong tháng 11 vừa qua, ĐGH Phanxicô bắt đầu một chu kỳ giáo lý mới về Thánh Thể, khi nhắc lại hai lần rằng Thánh Lễ là "lời cầu nguyện tuyệt vời", tức là vừa cao cả nhất và vừa cụ thể nhất của cầu nguyện. Như vậy, ngài tin rằng chúng ta không đi lễ như thể chúng ta sẽ xem một thắng cảnh hay thăm viện bảo tàng.
Ngài nhấn mạnh rằng Lời Chúa có thể vang âm trong trái tim, và người tín hữu bước vào một mối quan hệ hoàn hảo của tình yêu với Ngài. Và để bảo vệ "nội tâm tính" này, Đức Thánh Cha đã hướng về bốn điều tốt cần ngay từ đầu: im lặng, tin tưởng, cảm phục và khả năng nói "Cha" với Chúa.
1. Im lặng
Thái độ thiết yếu của tín hữu để chuẩn bị đón nhận Lời Chúa và để Lời hoạt động trong lòng. Lời Chúa bắt nguồn từ "im lặng huyền nhiệm" của Chúa. Lời và im lặng cùng hành động, nuôi dưỡng sự tham dự tích cực của tín hữu.
2. Gọi Chúa, là "Cha"
Để tạo thuận lợi cho mối tương quan tin tưởng của chúng ta với Chúa, Đức Phanxicô kêu mời chúng ta gọi Ngài là "Cha" như Chúa Giêsu khích lệ các môn đệ của Người. ĐGH nhấn mạnh đến sự cần thiết này: "Chúng ta hãy chú ý đến điều này: nếu chúng ta không thể gọi Chúa là "Cha", chúng ta không thể cầu nguyện. Chúng ta phải học cách nói "Cha", tức là đặt mình vào sự hiện diện của người có lòng tin tưởng con thảo. Nhưng để có thể học được, chúng ta phải khiêm tốn thừa nhận rằng chúng ta cần được giáo huấn, và nói một cách đơn giản: Lạy Chúa, xin dạy con cầu nguyện."
3. Tin tưởng
Cầu nguyện là "trao đổi", là phải được thưa cách khiêm tốn và tin tưởng, như một đứa trẻ tin tưởng cha mẹ của mình. "Thiên Chúa nhớ đến bạn, chăm sóc bạn, tôi, tất cả mọi người", ĐGH nói. Do đó, chúng ta đặt nơi Thiên Chúa sự tin tưởng, không lo lắng về tương lai, sau Thánh Lễ thì mạnh mẽ hơn và can đảm hơn trước nghịch cảnh của cuộc sống.
4. Điều kinh ngạc
ĐGH Phanxicô nói rằng một đứa trẻ "ngạc nhiên trước điều nhỏ nhất vì mọi thứ đều mới mẻ với nó". Cũng vậy, trong lời cầu nguyện, một tín hữu đi vào tương quan với "Thiên Chúa của những điều bất ngờ". Cầu nguyện, không phải là nói chuyện với Chúa như là "con vẹt", nhưng ngỡ ngàng về "một Thiên Chúa hằng sống đang ở trong chúng ta, là Đấng làm cho trái tim của chúng ta lay động, Đấng đang ở trong Hội Thánh và đồng hành với chúng ta ; và trên con đường này, ngài luôn làm chúng ta ngạc nhiên", Đức Thánh Cha giải thích như vậy trong một vài buổi suy niệm của ngài cách đây vài tháng. MS dịch