Bùi Chu, 25/10/2015 (gpbuichu.org) – Như vậy, Thượng Hội Đồng Giám Mục kì thứ 14 về gia đình đã khép lại bằng thánh lễ do ĐTC Phanxicô chủ tế. Đồng tế với ngài có các nghị phụ và hàng ngàn giáo dân tham dự. Thánh lễ diễn ra lúc 10 giờ sáng, Chúa Nhật 30 thường niên, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
THĐGM đã đi đến bản tường trình cuối cùng gồm 94 đoạn đã được các nghị phụ bỏ phiếu và đệ trình lên ĐTC. Nội dung bản phúc trình đề cập đến nhiều nội dung xung quanh hướng đi tích cực cho việc mục vụ gia đình trong thế giới ngày nay.
Trong bài giảng, thông qua các bài đọc thánh lễ, ĐTC nhấn mạnh đến “Tình phụ tử” và “Lòng thương xót” của Thiên Chúa như “sợi chỉ đỏ” và “dấu chỉ” để Dân Chúa bước đi. Bài đọc I (Gr 31, 7-9) tiên tri Giêrêmia đã cho thấy Thiên Chúa luôn đồng hành với dân Israel để giải phóng và cứu chuộc khỏi kẻ thù. Tiếp nối Thánh Vịnh (Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6) nhấn mạnh đến sự biến chuyển trong niềm vui hân hoan từ những đau khổ của dân Chúa, từ đó ĐTC diễn tả “Người tín hữu là người đã nhận ra hành động cứu chuộc của Thiên Chúa trong chính đời sống”. Bài đọc II (Eb 5, 1-6) nối tiếp khi nói đến sự cảm thương của Chúa Giêsu: mặc lấy sự “yếu đuối, để cảm thương những ai trong u mê tăm tối và lầm lỗi”.
Tiếp nối dòng suy tư về lòng thương xót, ĐTC hướng tới Bài Tin Mừng (Mc 10, 46-52), nói đến sự cảm thương của Chúa Giêsu đã chữa lành anh mù Bartimê. Chúa Giêsu đã lắng nghe tiếng kêu và đến gặp gỡ anh.
Một chi tiết thú vị, ĐTC nói tiếp, khi Chúa Giêsu nói với anh ta: “Hãy vững tâm!” như một lời an ủi, tin tưởng. Thật vậy, “chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mới mang lại cho con người sức mạnh để đương đầu với những hoàn cảnh nặng nề”. Một từ biểu cảm khác Chúa Giêsu dành cho anh ta: “Hãy đứng dậy”, giống như cách thức Ngài đã sử dụng với những bệnh nhân khác và chữa lành họ. Từ đây ĐTC khẳng định nhiệm vụ của các môn đệ: “không làm gì khác hơn là lặp lại những lời khích lệ và giải thoát của Chúa Giêsu, dẫn họ trực tiếp đến với Ngài”.
Bartimê đã được chữa lành và giải thoát bởi “lòng thương xót cảm thông” của Chúa Giêsu. Cùng với anh, nâng lên thành tiếng kêu của loài người, và câu trả lời duy nhất là “hãy làm những lời của Chúa Giêsu mà chúng ta đã đón nhận thành những lời của chúng và trên tất cả là sự kết hiệp chặt chẽ với trái tim của Ngài. Đối với Thiên Chúa, những hoàn cảnh cơ cực và xung đột chính là những cơ hội của lòng thương xót. Ngày nay là thời kỳ của lòng thương xót!”
Từ Tin Mừng hôm nay, ĐTC nêu bật hai cám dỗ đối với môn đệ theo Chúa Giêsu, cũng như các tín hữu ngày nay. Thứ nhất, là sự thờ ơ trước những nghịch cảnh xung quanh. Như các môn đệ, ĐTC nói: “Họ tiếp tục bước đi, tiến về phía trước như thể không có gì xảy ra”. Điều này đem lại rủi ro là “Chúng ta ở với Chúa Giêsu, mà không suy nghĩ như Chúa Giêsu” hoặc “Chúng ta có thể nói về Chúa, làm việc với Chúa, nhưng sống xa tâm hồn của Chúa, một tâm hồn hướng về người bị thương”. Cám dỗ thứ hai, là rơi vào “một đức tin hoạch định”, trong đó mỗi người bước đi theo lộ trình sẵn mà không chú ý tới những điều “làm phiền” chung quanh. Điều này dễ làm mất đi sự kiên nhẫn và đi đến khiển trách những người bé mọn như trẻ em hay những người bị gạt ra bên lề. ĐTC nhấn mạnh: “Những người, như Bartimê, có đức tin, vì biết rằng mình cần cứu độ là cách tốt nhất để gặp Đức Kitô”.
Cuối bài giảng, ĐTC đã cám ơn tới các nghị phụ của Thượng Hội Đồng. Ngài nói: “vì con đường chúng ta đã đồng hành với nhau bằng cái nhìn hướng về Chúa và anh chị em, trong việc tìm kiếm những con đường mà Tin Mừng chỉ cho thời đại chúng ta biết, loan báo mầu nhiệm tình yêu gia đình”. Con đường này không chỉ dừng lại nơi THĐ nhưng tiếp tục với lời khẩn cầu lên Thiên Chúa đem lại cho chúng ta “một cái nhìn chữa lành và cứu chuộc”.
Sau thánh lễ, như thường lệ lúc 12 giờ trưa Chúa nhật, Đức Thánh Cha đọc kinh truyền tin cùng với hàng vạn tín hữu qui tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài cũng hướng tới Năm Thánh Lòng Thương xót, bắt đầu ngày 08 tháng 12 năm 2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và kết thúc vào ngày 20 tháng 11 năm 2016.
Lm. Giuse Vũ Văn Hiếu