ĐTC chủ sự Lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa
Chủ nhật - 04/09/2016 21:47
2210
Sau 19 năm kể từ ngày mất, Mẹ Têrêsa đã được lên Bậc Hiển Thánh, được ghi vào sổ các Thánh Giáo Hội Công Giáo. Hàng trăm ngàn tín hữu, cùng với 70 hồng y, 400 giám mục và hơn 1.700 linh mục đã tề tựu về quảng trường Thánh Phêrô trong ngày 04/09/2016 để cùng với Đức Thánh Cha Phanxico chủ sự lễ phong thánh cho “cây bút chì nhỏ của Chúa”, Đấng sáng lập Dòng Thừa Sai Bác Ái.
Khiêm tốn như Mẹ Têrêsa, nghi thức phong thánh diễn ra đơn sơ nhưng mang nhiều cảm xúc. Chắc rằng Mẹ Têrêsa cũng không thể hình dung được sau khi từ giã cõi đời, rất nhiều người trên thế giới đã được bao phủ, cách trực tiếp hay gián tiếp, từ ánh sáng của Mẹ. Ánh sáng này được xây dựng trên nền tàng đức mến, và tình yêu phục vụ. Có thể khẳng định Mẹ Têrêsa đã trở thành một trong các nhân vật làm say mê lòng người nhất của thế kỉ 20, không chỉ giới hạn trong thế giới công giáo. Mẹ với thân hình bé nhỏ nhưng có một tâm hồn thật lớn lao. Đức Thánh Cha đã viết trên Twitter về Mẹ như sau: “Việc thực hiện những công việc của lòng thương xót đã hướng dẫn đời sống và là con đường hướng Mẹ tới sự thánh thiện”.
Ngoài phục vụ những người cùng khổ, nghèo khó, Mẹ Têrêsa đã chiến đấu mạnh mẽ để bảo vệ sự sống con người, chống lại luật và những người muốn ủng hộ phá thai. Đức Thánh Cha đã quảng diễn tinh thần này của Mẹ với nhiều cảm xúc, ngài nói: “Mẹ Têrêsa là một người phân phối rộng rãi lòng thương xót của Thiên Chúa, luôn sẵn lòng cho tất cả qua việc đón nhận và bảo vệ sự sống con người, trẻ chưa sinh và người bị bỏ rơi và bị loại bỏ. Mẹ đã dấn thân bảo vệ sự sống và không ngừng cho rằng Ai chưa được sinh ra là người yếu đuối nhất, nhỏ nhoi nhất, dễ bị tổn thương nhất. Mẹ đã gập người trước những ai kiệt sức, để chết trên lề đường, Mẹ nhìn thấy phẩm giá Thiên Chúa ban cho họ; Mẹ làm cho tiếng nói của Mẹ được các cường quốc trên thế giới nghe thấy, ngõ hầu họ nhận ra phần lỗi của họ trong tội nghèo đói mà chính họ đã tạo ra”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đối với Mẹ Têrêsa lòng thương xót chính là “muối làm gia vị cho mỗi công việc” và “ánh sáng soi chiếu vào nơi tăm tối của những ai không còn đủ nước mắt để khóc vì sự khó nghèo và đau đớn”. Ngài nói tiếp: “Nhiệm vụ của Mẹ trong những nơi ngoại ô và những vùng hiện hữu vẫn còn mãi cho đến ngày nay, như chứng tá hùng hồn về sự gần gũi của Thiên Chúa với những người nghèo nhất trong những người nghèo”.
Đức Thánh Cha đã ủy thác Mẹ Têrêsa như là mẫu gương thánh thiện và tinh thần phục vụ người nghèo cho toàn thể các tình nguyện viên của lòng thương xót, đặc biệt đang phục vụ trong những ngày này ở Roma. Đối với họ, tinh thần Mẹ Têrêsa Calcutta dạy rằng: “Theo chân Chúa Giêsu là một công việc nghiêm túc, và, đồng thời, tràn đầy niềm vui; cần một thứ táo bạo và can đảm nào đó mới có thể nhận ra Thầy chí thánh trong những người nghèo nhất trong số các người nghèo và hiến mình phục vụ họ”. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tình nguyện viên cần “vì tình yêu đối với Chúa Giêsu mà phục vụ người nghèo và người túng thiếu, không mong đợi bất cứ lời cám ơn hay phần thưởng nào; đúng hơn, họ từ bỏ tất cả những thứ ấy vì họ đã khám phá được tình yêu đích thực”. Đức Thánh Cha khích lệ họ theo gương Mẹ Têrêsa hãy ra đi và đến với những người gặp khó khăn về nhu cầu vật chất lẫn tinh thần.
Đức Thánh Cha tái khẳng định trong bài giảng về vai trò của bác ái trong đời sống kitô hữu. Thiên Chúa đòi hỏi “một ơn gọi bác ái mà qua đó mỗi môn đệ của Đức Kitô dấn thân chính đời sống mình để phục vụ, để lớn mạnh mỗi ngày trong tình yêu”. Tiêu chuẩn duy nhất để hành động là tình yêu nhưng không cho tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, ngôn ngữ hay văn hóa. Như Mẹ Têrêsa đã sống và nói: Có lẽ tôi không nói được ngôn ngữ của họ, nhưng tôi có thể mỉm cười. Nụ cười này được Đức Thánh Cha ấn định để chúng ta mang vào trái tim trên hành trình phục vụ. Chỉ bằng cách này, “chúng ta sẽ mở ra nhiều viễn tượng của niềm vui và hy vọng cho nhân loại, cho những ai đang chán nản và đang cần được hiểu thấu và âu yếm”. Đó là mong muốn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Chính hình ảnh thân thương, sự thánh thiện của Mẹ Têrêsa mà Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ gặp chút khó khăn khi gọi Thánh Têrêsa. Sự thánh thiện của Mẹ rất gần với chúng ta, nên chúng ta sẽ vẫn gọi là Mẹ Têrêsa”. Bên cạnh đó, đây cũng là ước mong của các nữ tu được nhớ đến như một người mẹ, “một cây bút chì trong tay Chúa”.
Tác giả: Lm. Giuse Vũ Văn Hiếu