New York là thành phố thương mại nổi tiếng nhất của Mỹ cũng như của cả thế giới. Đến với New York, người ta có thể cảm nhận khá sâu sắc về sự giàu có sang trọng của thế gian bởi từ nơi đó, người ta thấy được rất nhiều toà nhà cao ngất trời như toà nhà Empire State Building cao 104 tầng, hai cây tháp nhà thờ Chính toà New York, toà nhà Thương mại Quốc tế cao cao 1776 feet với 104 tầng mới đưa vào sử dụng tháng 06 nămg 2015 thay thế cho toà tháp đôi bị phá huỷ trong vụ khủng bố ngày 11 tháng 09...
New York có khá nhiều nơi để thăm quan: Tượng Nữ Thần Tự Do, một biểu tượng của nước Mỹ, toà nhà Empire State Building, viện bảo tàng 11/09, toà nhà Thương mại Quốc tế, nhà thờ Chính toà, nhiều thư viện, trung tâm tài chính chứng khoán phố Wall... Chính vì thế mà cứ vào mỗi dịp hè, du khách từ khắp nơi đổ về New York đông đúc làm cho New York đã chật lại càng trở nên chật hơn, đã nhộn nhịp lại trở nên nhộn nhịp hơn, đã đông đuc lại trở nên đông đúc hơn. Khách du lịch không chỉ đến từ các tiểu bang khác trên đất Mỹ mà còn đến từ châu Âu, châu Á, châu Úc và châu Phi.
Trước khi đến New York, tôi thầm nghĩ rằng đời sống tôn giáo ở đây chắc hẳn sẽ phải nhường chỗ cho cuộc sống vật chất, sự vui thú trần gian sẽ lấn át đời sống tinh thần và đời sống tâm linh sẽ không còn chỗ đứng. Vì thế, khi đến đây, tôi cố gắng để ý tìm xem có nhà thờ Tin Lành hay Công giáo nào không. Tôi đã thật ngạc nhiên vì ngay trung tâm của thành phố New York, nhà thờ Chính toà Saint Patrick sừng sững vươn lên cao ngất cùng với những ngôi nhà kiên cố hiện đại khác như một dấu chứng của đời sống đức tin và sự hiện diện của Thiên Chúa và Giáo hội Chúa Kitô giữa thế giới. Không chỉ có nhà thờ Chính toà mà New York còn có rất nhiều nhà thờ khác nữa vẫn đang được sử dụng tốt để phục vụ đời sống đức tin cho mọi tín hữu Chúa Kitô.
Điều này được củng cố bằng việc vào lúc 05 giờ 30 chiều Chúa Nhật, tôi đếm thăm quan nhà thờ Chính toà New York đang có thánh lễ. Để ý quan sát, tôi nhận thấy có khoảng gần 1000 tín hữu đến tham dự thánh lễ với thái độ nghiêm trang sốt sắng. Những người giữ trật tự cho các thánh lễ hầu hết còn khá trẻ. Họ làm việc chăm chỉ, nhiệt tình và lịch sự. Mọi người tham dự thánh lễ thì nghiêm trang và nhất là luôn chú tâm vào bài giảng của Đức cha. Mọi người vào trong nhà thờ đều được nhắc nhở tắt điện thoại để giữ cho bầu khí nhà thờ và thánh lễ được trang nghiêm.
Những điểm này cho tôi thêm xác tín rằng đức tin không hệ tại ở tầng lớp cao thấp trong xã hội, cũng không lệ thuộc vào sự giàu nghèo, nhưng là ân huệ Chúa ban và tấm lòng quảng đại đáp trả của từng cá nhân với Chúa, với Giáo Hội. Đến thăm các nhà thờ ở các thành phố khác như: nhà thờ chính toà Philadelphia, nhà thờ kính ở Orange County (Crystal Cathedral), nhà thờ Saint Louis ở New Orleans..., tôi cũng nhận thấy như thế. Đến lúc này tôi có thể khẳng định rõ ràng rằng ở vào thời nào cũng vậy và ở nơi đâu cũng thế, Chúa vẫn can thiệp để có những tấm lòng hào hiệp đáp lại lời mời gọi đức tin và làm chứng cho Ngài giữa một thế giới luôn đầy rẫy những đổi thay thăng trầm.
Thăm quan và du lịch không phải là sở thích của tôi, song sau nhiều lần đi đây đi đó vì nhiều lý do khác nhau, tôi hiểu ra rằng cuộc đời là những chuyến đi không ngừng để học hỏi, để khám phá, để xác tín và để sống. Việc học ấy có thể diễn ra không chỉ trong trường học mà còn diễn ra ngay trong đời thường, ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ lúc nào. Điều này càng cần thiết hơn đối với các linh mục của Chúa, những người phải tiếp xúc, gặp gỡ và giảng dạy cho giáo dân hằng ngày. Để được như vậy, mỗi người cần luôn có thái độ cầu tiến và tấm lòng rộng mở để tận dụng những gì xảy ra xung quanh mình, coi đó như những cơ hội Chúa gửi đến hầu cuộc sống của chúng ta mỗi ngày thêm phong phú và trở nên hữu ích hơn cho mình và cho mọi người.