Đối thoại, điều không thể thiếu
Thứ sáu - 18/09/2015 02:06
2520
Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, đối thoại trở thành phương thế để giải quyết các tranh chấp trên bình diện quốc tế, kinh tế, chính trị. Trong cuộc sống xã hội thường nhật, người ta nói tới nhiều hình thức đối thoại như: đối thoại bằng con tim, đối thoại bằng cuộc sống, đối thoại và hòa bình, đối thoại và hợp tác. Giáo hội cũng nói nhiều đến đối thoại, như đối thoại với các nền văn hóa, đối thoại với người nghèo, đối thoại liên tôn, đối thoại đại kết, đối thoại mục vụ.
Như vậy, đối thoại trở thành một nét chính trong việc xây dựng tình liên đới giữa người với người. Đối thoại là một nghệ thuật và nghệ thuật thì mang tính sáng tạo. Vì thế đối thoại nơi mỗi người mỗi khác. Nhưng nghệ thuật, dù sáng tạo đến đâu, cũng có “thể loại” và cần tuân thủ một số qui tắc.
Trước hết, đối thoại bao giờ cũng khởi đầu bằng một thái độ nội tâm, từ tình yêu và sự tin tưởng đối với người mình gặp gỡ. Bắt đầu đối thoại là bắt đầu mở cửa con tim để đón nhận người khác. Tin mừng cho thấy trên đường rao giảng Đức Giêsu đã có rất nhiều cuộc đối thoại với nhiều mẫu người, bằng nhiều cách.
Trong lần đối thoại với Giakêu, Ngài khởi sự bằng ánh mắt nhìn lên với lời nói thân tình “Này ông Giakêu, hãy xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”(Lc 19,5). Đó là ánh mắt biểu lộ tình yêu và sự tín nhiệm. Ánh mắt đó đã chiếu dọi vào tâm hồn Giakêu và mang ơn cứu độ đến cho ông. Lần khác với Nathanael, Chúa Giêsu mở đầu đối thoại bằng lời khen ngợi đầy thiện cảm: “Đây đích thực là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1, 47).
Đối thoại là gợi chuyện và chờ đợi. Trong câu chuyện “Đức Giêsu chữa hai người mù” (Mt 9, 27 – 31). Bằng thái độ nhẹ nhàng không hấp tấp, dù suốt chặng đường hai người mù đi theo kêu xin Ngài chữa họ nhưng phải đợi tới khi về nhà. Ngài mới nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?”.
Đối thoại là nghe và nói. Nghe khi nào? Người không biết nghe, không thể đối thoại được. Những người nghe cách dửng dưng, thờ ơ không có hồn cũng không đem lại hiệu quả khi đối thoại. Đối thoại là học cho biết nghe cách chăm chú, nghe với cảm tình, nghe bằng cả thân xác. Trường hợp đối thoại với Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã để ông lên tiếng trước (Ga 3,2).
Nói khi nào? Đối thoại không phải chỉ học biết cách nghe nhưng là nói lúc thuận tiện nữa. Nói khi thấy thuận tiện hay lúc cần thiết phải biểu lộ lập trường. Thái độ bộc lộ lập trường cũng cần phải khiêm tốn, biết tôn trọng và không áp đặt. Cần nhớ, không phải lúc nào trong đối thoại cũng cần biểu lộ lập trường, nhất là với những chuyện không quan trọng.
Đối thoại tuy đem lại những ích lợi cho tương quan giữa con người với nhau, nhưng đằng sau nó cũng có những hệ luận có thể gây chia rẽ đáng phải lưu tâm. Đó là, thái độ hoài nghi, thiếu tin tưởng và thành kiến xấu là những chướng ngại cho đối thoại. Làm sao có thể xây dựng mối tương giao tốt đẹp giữa hai người thiếu tin tưởng lẫn nhau. Những cử chỉ lạnh lùng, thái độ dửng dưng, lãnh đạm trong gặp gỡ tiếp xúc là trở ngại thực sự giết chết đối thoại.
Trong Tin mừng có những hạng người đặc biệt không đối thoại được như người Do thái cứng lòng, người Biệt phái tự mãn. Đối thoại với họ chỉ là tranh luận, bắt bẻ tìm sơ hở để hạ nhục đối phương. Đây là hạng người sau khi đối thoại chỉ giữ lại trong mình những cay đắng, bị nhức nhối vì lời nói vô tình hay cố ý của người khác gây thương tích trong tâm hồn.
Sau cùng bài học đối thoại là biết cho đi và giữ lại. Cho đi chính bản thân mình, cho đi ý riêng, bỏ đi ý kiến cá nhân hay cái tôi to lớn của mình. Giữ lại một lời nói hữu ích có thể biến đổi cuộc đời theo hướng tích cực. Có thể là một lời khích lệ, cũng có thể là một lời phê bình. Những lời ta giữ lại phải có tác dụng làm ta hoán cải, suy nghĩ để rút ra bài học sửa đổi cho mình. Nhưng quan trọng hơn cả là giữ lại tha nhân. Thánh Augustinô để lại một lời chia sẻ quý báu ta nhớ giữ mỗi khi đối thoại: “Hãy yêu thương. Rồi bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn.”
Nt. Scholastica, Đaminh Bùi Chu