Tâm và Nhẫn

Thứ ba - 04/10/2016 04:47  8551
Thực tế cuộc sống từ ngàn xưa cha ông ta có nhiều chuyện hay đem ra luận bàn. Mà chuyện thường hay bàn luận lại là chuyện yêu thương. Khi nói về yêu thương có lẽ phải bàn đến 2 chữ liên quan trực tiếp đến việc sống yêu thương. Đó là chữ TÂM và chữ NHẪN.

“Hữu Tâm tất thành tựu
Vô Nhẫn bất thành Nhân” (Đăng Học).

Quan điểm về chữ Tâm và Chữ Nhẫn

Theo quan điểm Việt

Tâm là Tim, là lòng dạ, là tình cảm của con người. Tâm trí là khả năng nhận thức. Tâm lý là các hiện tượng, hành vi của con người biểu lộ một ý nghĩa bên trong. Tâm linh các vấn đề liên quan đến tâm hồn.

Nhẫn là kiên trì, là bền bỉ thực hiện điều gì đó, là điều tiết cảm xúc, là tự chủ. Nhẫn nại là khi gặp khó khăn vẫn quyết tâm thực hiện mục đích. Nhẫn nhịn là không nôn nóng, chờ đợi thời cơ thuận tiện. Nhẫn nhục là chịu mọi sự đau đớn, khổ phiền để làm điều mình muốn.

Theo quan điểm Kitô giáo

Tâm đồng nghĩa với lòng con người: Nơi Thiên Chúa ghi khắc lề luật, nơi phát xuất những điều xấu, nơi Chúa Thánh Thần đổi mới. Tâm đồng nghĩa với lương tâm: Nơi tiếng nói Thiên Chúa hiện diện, nơi thôi thúc làm lành lánh dữ, nơi phán đoán các lựa chọn của con người. Nhẫn đồng nghĩa với kiên trì “Ai kiên trì chịu đựng một thời gian, thì cuối cùng niềm vui sẽ bừng lên cho người ấy nhiêu” (Hc 1, 23), hay “Ai làm thinh không nói một thời gian, thì thiên hạ sẽ mở miệng khen là sáng suốt” (Hc 1,24).

Tương quan TÂM và NHẪN đối với sức khỏe và đời sống

Theo y học cổ truyền (YHCT), Tâm là tạng, Tâm tức là Tim. Tâm chủ huyết nghĩa là Tâm có vai trò đẩy máu đi nuôi cơ thể theo vòng tuần hoàn. Nếu tạng tâm yếu thì đồng nghĩa với việc lưu lượng máu có sự thay đổi. Tâm cũng chủ về thần: nghĩa là nếu Tâm cung cấp đúng và đủ lượng máu thì tinh thần tỉnh táo, sáng suốt. Còn nếu Tâm thiếu máu sẽ thấy người mệt mỏi, xanh xao.

Không Nhẫn là hay tức giận. Theo YHCT, giận quá thì hại can. Can là tạng Gan. Can tàng huyết nghĩa là máu và các chất được tàng trữ ở gan. Nhiệt độ ở gan thường là cao nhất trong cơ thể, vì ở đó xảy ra quá trình chuyển hóa năng lượng. Khi tức giận thường xảy ra hiện tượng bốc nóng, mặt đỏ, mắt đỏ.

Trong cuộc sống thời đại, việc ăn nhanh, sống vội đạt mục tiêu cuốn con người vào lối sống hiệu năng ấy. Cho nên con người ngày nay ít tự chủ, thường xuyên tức giận với những lý do rất nhỏ. Nhẹ thì nhìn đểu, chửi mắng nhau. Nặng thì đánh đập, giết người. Đó là hiện tượng của những người không có Tâm yêu thương nên sống Bất Nhẫn.

Có câu chuyện rằng: Các con số đang cùng nhau đi trên một con đường và số 0 đi sau. Bỗng nhiên số 0 chạy lên trước các số khác, càng lúc nó càng chạy nhanh vì nó hình tròn. Cũng vậy, chữ Tâm và chữ Nhẫn là bạn đồng hành, cùng lớn lên, cùng làm việc như hai chị em. Nhưng thời gian gần đây, chữ Nhẫn thấy mình bị tụt lùi quá nên nó đã chạy rất nhanh để vượt lên trước chữ Tâm. Nó có ý làm vậy để gây sự chú ý. Chứ trước đây như đã nói thì hai chữ này cùng đi bên nhau. Chữ TÂM đi trước còn chữ NHẪN theo sau. Bây giờ thì khác. Chữ NHẪN có khi lại đi trước chữ TÂM. Thế là không còn chữ Tâm nhẫn nại để yêu thương nữa nhưng đã trở thành NHẪN TÂM. Chữ Nhẫn càng vượt xa chữ Tâm thì hậu quả càng xấu. Như số 0 khi đi sau các con số khác thì nó làm tăng giá trị của số trước nó, nhưng nếu nó vượt càng xa các con số kia thì giá trị sẽ càng nhỏ.

Trong cuộc sống, khi ta tức giận tim sẽ đập với tần số nhanh hơn, mặt đỏ hơn, huyết áp tăng nhanh, ngôn ngữ phát ra với tốc độ không kiểm soát vì “tức giận là trạng thái cái lưỡi làm việc nhanh hơn cái đầu.” Và nguy cơ đột quỵ do trụy tim, tai biến cũng nhiều hơn. Điều này không những ảnh hưởng xấu đến nhân cách, tâm lý mà cả về sức khỏe.


Nói tới mối tương quan của việc thi hành tình yêu thương và nhẫn nại, thánh Catharina de Siena trong cuốn Đối Thoại đã viết: “Cây Đức ái thì được nuôi dưỡng bởi tủy là đức Nhẫn nại và cắm rễ sâu trong đất Khiêm nhường”. Tu luật của Thánh Augustinô cũng viết: “Người khôn ngoan bao nhiêu thì càng kiên nhẫn bấy nhiêu”. Vì vậy, việc thực hành chữ Tâm và chữ Nhẫn có liên quan chặt chẽ với nhau. Chúng ta không thể bỏ thực hành Nhẫn mà lại nói rằng mình sống có Tâm được.
 
Các sách tham khảo:
1- Kinh Thánh, Lời Chúa Cho Mọi Người, bản dịch nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ năm 2006.
2- Bài Giảng Y Học Cổ Truyền, tập 1, Khoa YHCT Đại học Y Hà Nội.

Tác giả: M.Thiên Ân

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập250
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm226
  • Hôm nay65,285
  • Tháng hiện tại926,820
  • Tổng lượt truy cập69,986,694
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây