Thứ 7 tuần 1 Mua Chay
(Đnl 26,16-19; Mt 5,43-48)
Khi nhập thể cứu đời, Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại một điều răn mới: Hãy yêu thương nhau. Tình yêu theo điều răn mới Chúa mang đến khác xa với tình yêu theo luật Môsê: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, và yêu người thân cận như chính mình”; và cũng khác xa với tình yêu con người hôm nay thường thực hiện: yêu thương kẻ yêu thương mình. Tình yêu Chúa đòi buộc chúng ta thực hiện là "yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em." Là môn đệ Chúa, chúng ta cần thực thi giới răn yêu thương này trong chính cuộc sống của mình, bởi có như thế chúng ta mới được trở nên con cái của Cha chúng ta, là Đấng ngự trên trời.
Đây quả là lời dạy khó thực hiện nhất, nhưng các môn đệ Chúa vẫn phải cố gắng thực hiện bởi vì những lý do sau:
Đầu tiên, nếu chúng ta chỉ yêu những người yêu mình thì chúng ta không hơn gì dân ngoại và những người tội lỗi, họ cũng làm được và làm tốt hơn nữa là khác. Chẳng lẽ chúng ta cũng chỉ như dân ngoại và tội lỗi không biết Chúa thôi sao? Chúng ta hãy nhìn lên mẫu gương Chúa Giêsu và các thánh để noi theo: Chúa Giêsu trên thập giá đã xin Chúa Cha tha thứ cho những người đóng đinh mình, vì họ lầm không biết; thánh Têphanô khi bị ném đá cũng cầu xin Chúa tha thứ cho những kẻ bách hại; các thánh tử đạo Việt Nam đã không hề oán trách hay ghen ghét kẻ giết mình, nhưng tha thứ… Là những Kitô hữu, chúng ta giống Chúa, giống các thánh, giống các bậc tiền nhân và khác với người ngoại chính ở chỗ ta yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ.
Thứ đến, bản tính con người thật khó yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm rồi, đàng này Chúa đòi hỏi chúng ta yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Thật ra, dù yêu thương kẻ thù thật khó, nhưng đây lại là một phương thế tuyệt hảo để hoá giải những mâu thuẫn giữa người với người bởi vì khi con người cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất, truyền từ đời cha sang đời con cháu và cả dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và cứ như thế kéo dài mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
Thứ nữa, chúng ta phải tha thứ bởi khi tha thứ chính là lúc được thứ tha. Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì ta phải tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
Cuối cùng, tha thứ chính là tiêu chuẩn để Chúa phán xét công trạng cho chúng ta khi đến trước toà Chúa để đáng được ân thưởng Nước Trời vì “Mỗi lần anh em làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta đây là làm cho chính ta” và “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm của chúng ta với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên cho người công chính cũng như kẻ bất lương thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét ai?
Vì thế, hãy đáp lại lời kêu mời của Chúa, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi chúng ta để nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng Hoàn Thiện, hầu cũng được hạnh phúc viên mãn với Chúa trên Nước Trời.