Thứ Tư tuần V thường niên
(Mc 7,14-23)
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra tiêu chuẩn để đánh giá vấn đề tinh sạch hay dơ bẩn, và qua đó cho chúng ta thấy trọng tâm của việc thực hành tôn giáo là tấm lòng trong sạch chứ không phải những hình thức bên ngoài. Khi thấy các môn đệ của Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn, những người Biệt phái và Luật sỹ đã chất vấn Chúa Giêsu: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?"
Là người thấm nhuần tinh thần tôn giáo và tôn trọng lề luật, Chúa Giêsu đã lên tiếng xác minh về bản chất của đời sống tôn giáo chân chính. Nghi lễ và những tập tục bề ngoài có quan trọng, nhưng không phải là bản chất chính yếu của tôn giáo. Tâm điểm của tôn giáo là tấm lòng và tinh thần sống niềm tin của con người. Giữ tất cả các lề luật tôn giáo mà không có tấm lòng của tinh thần tôn giáo chân chính thì cũng chẳng được ích gì. Những người Biệt phái và luật sỹ đã quá chú trọng đến lề luật và quên đi bản chất của tôn giáo là tấm lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Nhận ra sự sai lầm của họ, Chúa Giêsu đã đưa ra tiêu chuẩn để phân định giữa thanh sạch và ô uế: "Cái làm cho người ta ra ô uế không phải từ bên ngoài vào, nhưng là những gì từ trong con người xuất ra." Đây là một lời nhận định thật nặng nề nhưng cũng rất đúng đắn. Nó không phải chỉ đụng chạm những người Biệt phái và Pharisêu, nhưng cả đến mọi người chúng ta. Điều Thiên Chúa muốn là tấm lòng trong sạch chứ không phải những hình thức bề ngoài.
Ca dao Việt Nam có câu: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người." Đây cũng là nguyên tắc rất hợp với tinh thần của lời Chúa hôm nay. Bên ngoài bóng bẩy đẹp đẽ nhưng bên trong ô uế xấu xa thì không giá trị gì, như Chúa Giêsu đã nói rằng: “từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng…” Sự trong sạch đích thực hệ tại điều này là chúng ta ở trong tương quan đúng đắn với Thiên Chúa và tha nhân. Nhìn lại cách sống đạo của chúng ta, đâu là tương quan mà chúng ta có được với Chúa và với tha nhân?
Như thế, mỗi người chúng ta cần kiểm điểm để thanh luyện lối sống, các hành vi, tư tưởng, ước muốn, cảm xúc, và cách đối xử của chúng ta, để làm đẹp tấm lòng của mình và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Nẻo đường duy nhất giúp chúng ta đạt tới đó là sống không phải theo những quy tắc của con người, nhưng theo ý muốn của Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa làviệc giữ nhưng điều răn bên ngoài mà thôi thì không đủ, chính trái tim con người phải quy hướng về thánh ý của Thiên Chúa.