Thứ Hai tuần II, MV năm C
Lc 5, 17-26
Tin mừng hôm nay vốn rất quen thuộc, nhưng nếu ai để tâm lắng nghe vẫn có thể nhận được những ý nghĩa mới. Đó chính là sức sống, là linh hồn của Lời Chúa đã bén rễ vào tâm hồn tín hữu để lớn lên. Các thính giả Do Thái xưa đến với Chúa Giê-su rất đông, nhưng nhiều người lại không đón nhận được chân lý bởi tâm hồn họ mắc chứng tê bại.
Cũng như mọi lần, bài giảng của Chúa Giê-su thu hút đông đảo thính giả. Họ đến từ các làng mạc miền Ga-li-lê, Giu-đê, Giê-ru-sa-lem. Điều này cho thấy những lời rao giảng của Chúa Giê-su có tầm ảnh hưởng quan trọng, nhưng một sự kiện đã cắt ngang buổi giảng dạy của Ngài. Từ trên mái nhà, người ta thả một người bại liệt nằm trên một chiếc giường xuống trước mặt Đức Giêsu. Người ấy chưa nói câu nào và những người khiêng anh tới cũng vậy, nhưng Đức Giê-su đã hành động: Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi” (Lc 5,20).
Chúa Giê-su không chỉ thấy tình trạng bất động về thân xác người bệnh mà còn thấu cả những gì đang diễn ra nội tâm của anh. Thế nên thay vì chỉ chữa bệnh, Ngài còn giải phóng anh khỏi gánh nặng của tội lỗi. Lời nói và việc làm của Chúa Giê-su chạm tới quyền năng của một Thiên Chúa. Đây không phải lần đầu Ngài làm như vậy. Quả thực, tha tội vốn chỉ thuộc về quyền của Thiên Chúa. Thắc mắc này mỗi ngày một lớn hơn nơi các Pha-ri-sêu và kinh sư. Họ suy nghĩ: “Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế ? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?”(Lc 5,21). Tư tưởng của họ không sai, nhưng đáng lý họ nên để tâm suy xét xem Đức Giê-su dựa trên nền tảng nào để tuyên bố như vậy thay vì chỉ nghĩ đến đúng sai theo lý luận con người.
Chừng nào chỉ thấy Đức Giê-su là con bác thợ mộc Giu-se, không thấy tình trạng đáng thương của bệnh nhân và niềm tin mãnh liệt của những người thân đem bệnh nhân đến với Chúa Giê-su, thì những người Pha-ri-sêu và kinh sư sẽ không hiểu được vì sao Ngài làm như vậy. Suy nghĩ đoạn Tin mừng hôm nay, thử hỏi chúng ta có thái độ của người Pha-ri-sêu và kinh sư với não trạng kỳ thị, thích soi xét người khác không, đồng thời khiêm nhường nhìn lại tâm hồn mình và hỏi xem nó có đang bị bại liệt không. Vì khi phạm tội, thích xầm xì, chỉ trích anh chị em, chúng ta cũng đang rơi vào tình trạng bại liệt thiêng liêng.
Lạy Chúa, sống trên đời không ai muốn mình mắc chứng bất toại, nhưng câu chuyện hôm nay soi sáng cho ta hiểu rằng, so với bại liệt thân xác thì bất toại tâm linh còn khốn hơn bội phần. Một tâm hồn bại liệt thì không xứng đáng để Chúa đi vào, cũng không biết rung động trước nỗi thống khổ của người khác. Xin Chúa hãy đến và cứu nhân loại chúng con khỏi thứ bại liệt thiêng liêng này. Amen!
Nt. Scholastica Vũ Hiền, nhóm Suy niệm BC