Bên thềm xuân Tân Sửu
Thứ năm - 11/02/2021 02:47
1838
“Chúa cho con ngẩng đầu hãnh diện,
tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng”
(Tv 91,11)
“Giao” là chuyển giao, “thừa” là kế thừa… “giao thừa” là “cũ giao lại, mới tiếp lấy”, thời điểm “năm cũ qua, năm mới đến”[1].
Theo truyền thống dân gian, giao thừa là thời điểm quan trọng, lời những giây phút thiêng liêng nhất của một năm… Đây là thời điểm “trừ tịch”, tức là loại bỏ hết những gì là cũ kỹ xấu xí và đón lấy những điều mới mẻ tốt đẹp.
Năm nay chúng ta tiễn xuân Canh Tý, đón xuân Tân Sửu, năm con trâu… Chúng ta cùng suy nghĩ đôi điều về ý nghĩa văn hóa và tâm linh của lễ giao thừa này.
1. CON TRÂU TRONG TÂM THỨC VIỆT NAM
Năm Tân Sửu là năm con trâu, một hình ảnh gần gũi với văn hóa Việt Nam, văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước. Trâu là một trong sáu con vật nuôi ở nhà (lục súc: ngựa, bò, dê, gà, chó, lợn), rất gần gũi với gia chủ. Cách riêng, vì đa số người dân Việt làm nghề nông, nên con trâu là con vật được coi trọng vì giúp ích con người nhiều nhất.
Thực vậy, hình ảnh con trâu có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, như được thể hiện qua các câu tục ngữ ca dao:
- “Con trâu là đầu cơ nghiệp”: hình ảnh con trâu đi trước, cái cầy theo sau là hình ảnh rất đỗi thân thương, gắn liền với nghề trồng lúc nước. Dịp đại dịch vừa qua đã cho thấy tầm quan trọng của nông nghiệp: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ!”.
- “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Cả ba việc ấy đều là khó thay”: “Tậu trâu” ở đây là gầy dựng sự nghiệp, “cưới vợ” là ổn định gia thất, “làm nhà” là an cư lạc nghiệp.
- “Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc”: nông nghiệp thời xưa cần trâu như thể sự giàu có được cân đong đo đếm bằng thóc…
2. LOẠI BỎ BA CON TRÂU XẤU
2.1. Trâu điên
Con trâu điên không làm chủ được mình, không chịu theo sự điều khiển của gia chủ. Lúc này, mắt nó thường đỏ lên, lồng lộn và bất kham…, hành động một cách hung dữ: phá phách ruộng vườn, chạy tứ tung, thậm chí húc chết người… Nhà Phật ví tâm của người bất an như trâu điên, chạy lung tung và việc tu tập thiền định như là sợi dây để cọc con trâu lại trong an tĩnh.
2.2. Trâu buộc ghét trâu ăn
Một hình ảnh của một con trâu ghen tị, không vui vẻ khi thấy người khác hơn mình. Sự ghen tị có thể là căn nguyên sinh ra ghen ghét, thù hận, chia rẽ, hạ bệ… Ca dao có câu:
“Trâu buộc thì ghét trâu ăn
Quan võ thì ghét quan văn dài quần”
2.3. Trâu hung ác
Người đời thường dùng kiểu nói “đầu trâu mặt ngựa” để ám chỉ những kẻ côn đồ hung ác, không có tính người. Cũng trong trường nghĩa ấy mà có câu nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” để nói về việc những kẻ thường hay rù rập nhau làm chuyện xấu xa hay mờ ám.
3. VỖ BÉO BA CON TRÂU TỐT
3.1. Trâu sức khỏe
Con trâu là con vật to nhất trong mười hai con giáp, là biểu tượng của sức khỏe, sức mạnh, như người ta thường ví “to khỏe béo bền”, “khỏe như trâu”, “tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu”…
Khỏe mạnh không chỉ là tình trạng không có bệnh tật, mà con là sự “thoải mái về thể chất, thư thái về tinh thần” để có thể sống vui tươi, sống có ích…
Năm mới, câu chúc đầu môi là chúc cho nhau có sức khỏe dồi dào, vì sức khỏe là vàng, là điều kiện để có thể sống và làm việc tốt.
3.2. Trâu siêng năng
Con trâu là hình ảnh một con vật siêng năng, một nắng hai sương, luôn gần gũi để gánh vác sự khó nhọc của nhà nông.
Rủ nhau đi cấy, đi cày
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa;
Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ăn cho béo, trâu cày cho sâu
Ở đời khôn khéo chi đâu
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần”…
Vì thế, con trâu cũng là hình ảnh của sự chịu thương chịu khó, thứ khuya dậy sớm, chăm chỉ cần cù…
3.3. Trâu sinh ích
Con trâu hi sinh chịu khó, ăn cỏ, kéo cầy, thức khuya, dậy sớm “nơi thì bừa cạn, nơi thì cầy sâu”; chết thì “để da” và hữu ích đến từng bộ phận:
Con trâu ăn cỏ đất bằng
Uống nước bờ ao
Hồi nào mày ở với tao
Đến khi mày chết
Tao cầm dao xẻo thịt mày
Thịt mày nấu cháo linh binh
Da máy bịt trống tụng kinh trong chùa
Sừng mày tao tiện con cờ
Cán dao, cán mác, lược dày lược thưa
Chính vì thế, người nông dân coi trâu như bạn thân thiết:
Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta
Cấy cầy vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
4. XUÂN QUAN TÂM
Ngày 08/12/2020 vừa qua, ĐTC đã công bố Sứ điệp cho ngày hòa bình thế giới, 01/01/2021 với chủ đề liên quan đến “Văn hóa quan tâm”[2]. Trong sứ điệp này, Ngài kêu gọi chúng ta chống lại “văn hóa vô cảm và lãng phí, đang thắng thế trong thời đại này”, để vun đắp nền văn hóa quan tâm và chăm sóc, dựa trên “bánh lái” phẩm giá con người và “la bàn” các nguyên tắc xã hội. Ngài cỗ võ việc xây dựng nền văn hóa quan tâm chăm sóc này qua việc lưu tâm thăng tiến nhân phẩm và bảo vệ nhân quyền, chăm sóc ngôi nhà chung, vun đắp tình liên đới, tôn trọng thiên nhiên…
Nền văn hoá quan tâm, theo nghĩa mọi người cùng nhau dấn thân, liên đới và tham gia bảo vệ và thăng tiến phẩm giá và hạnh phúc của mọi người, theo nghĩa sẵn sàng quan tâm và yêu thương, hoà giải và chữa lành, tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau, là một con đường tốt nhất dẫn đến hoà bình.
Mùa Xuân là cơ hội tốt để chúng ta thể hiện tình yêu thương, lòng hiếu kính, biết ơn, và sự quan tâm tới mọi người và ích chung nhiều hơn.
Sự thăm hỏi, những lời cầu chúc, những món quà Tết… sẽ có ý nghĩa lớn lao hơn rất nhiều khi gói ghém trong đó tình yêu ân cần, nồng ấm. Điều đặc biệt là sự quan tâm tới những người khó khăn đang ở những vùng ngoại biên… thường hay bị bỏ quên trong đêm tối mùa đông của lãng quên và lãnh đạm.
5. XUÂN HY VỌNG
Chúng ta vừa trải qua một năm khó khăn do đại dịch Covid 19. Ai đó nói vui rằng: “Năm kia năm con Heo ăn sung mặc sướng; năm ngoái năm con Chuột: chúng ta sống chui sống lủi trong nhà, chỉ thò mặt ra ngoài để kiếm ăn, phải tích lũy lương thực để dùng dần, phải tránh xa khi nhìn thấy dòng người… Cố lên, sang năm con Trâu rồi, sẽ được ra ngoài sấp mặt kéo cày trả nợ….”.
Biết bao người đã thiệt mạng trong đại dịch. Tính đến ngày 11/02/2021 đã có 2.364.938 người tử vong trong số 107.853.095 ca nhiễm Covid-19. Biết bao công ty, doanh nghiệp phá sản, người lao động thất nghiệp… Sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, tôn giáo bị ảnh hưởng trầm trọng…
Tuy nhiên, vẫn còn đó những hi vọng, không chỉ vì 79.855.937 người đã được chữa khỏi, nhiều vaccine chống corona virus đã được sản xuất… nhưng còn là và nhất là vì qua đại dịch, con người biết nhận thức đúng hơn về các giá trị cao quý khác: sức khỏe, tình gia đình, sức mạnh của tình liên đới, sự quả cảm và hi sinh vì đồng loại, tầm quan trọng của niềm tin, tôn giáo…
Cầu chúc mọi người mùa xuân mới tràn đầy năng lượng tích cực để yêu thương, cống hiến và phục vụ.
Thánh vịnh 91
Thú vị thay được tạ ơn CHÚA,
được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao,
được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm,
và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya,
hoà điệu sắt cầm gieo trầm bổng,
nhè nhẹ vấn vương khúc tỳ bà.
Lạy CHÚA, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rỡ,
thấy việc tay Ngài làm, con phải reo lên :
Lạy CHÚA, công trình Ngài xiết bao vĩ đại,
tư tưởng Ngài thâm thuý lắm thay!
Người khờ dại nào đâu có biết,
kẻ ngu si chẳng hiểu điều này :
Bọn bất nhân dầu sởn sơ như cỏ,
phường gian ác có đua nở khoe tươi,
cũng là để bị diệt trừ vĩnh viễn.
Còn CHÚA, Ngài cao cả đến muôn đời.
Kìa những kẻ thù Ngài, lạy CHÚA,
kìa những kẻ thù Ngài tiêu vong,
bọn gian ác đều rã tan hết thảy.
Ngài cho con ngẩng đầu hãnh diện,
tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng,
thân con, Ngài xức dầu thơm mát.
Mắt con nghênh những kẻ địch thù,
tai nghe biết lũ hại con mạt vận.
Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt,
lớn mạnh như hương bá Li-băng
được trồng nơi nhà CHÚA,
mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta;
già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả,
tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn,
để loan truyền rằng: CHÚA thực là ngay thẳng,
là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất công.
[1] Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 2008, tr. 227.