Ai là người lớn nhất?

Chủ nhật - 27/09/2020 05:56  1449
Thứ Hai tuần XXVI
Lc 9,46-50

Trong xã hội ngày nay, người ta thường đánh giá một con người dựa trên sự giàu sang và địa vị của người ấy. Do vậy, nhiều người đã ra sức tìm kiếm cho mình một “chỗ đứng”, một “ghế ngồi”, kể cả phải dùng đến những thủ đoạn bất chính. Tham vọng quyền lực, quyền thống trị người khác, là một thực tế không thể phủ nhận. Cái não trạng ấy không chỉ có nơi con người thời nay, nhưng nó đã xuất hiện ngay từ thời Chúa Giêsu, thậm chí nó còn tồn tại ngay giữa hàng ngũ các Tông đồ, những người đầu tiên đi theo Chúa.

Thật vậy, ban đầu đi theo Chúa, các Tông đồ vẫn mang trong mình một toan tính trần thế. Các ông nghĩ rằng: Chúa Giêsu sẽ là một Đấng Mêsia quyền thế, Ngài sẽ khôi phục nước Ít-ra-en, giải thoát dân tộc mình khỏi sự đô hộ của ngoại bang, và rồi theo Chúa các ông sẽ có được một chức vị nào đó trong nước của Ngài. Bởi thế, khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn của Ngài (x. Lc 9,22; Lc 9,43-45; Lc 18,31-34), thay vì đồng cảm và chia sẻ nỗi xao xuyến này với Thầy của mình, thì các ông lại tranh giành và bàn tán với nhau: xem ai là người lớn nhất trong ngày Thầy mình “đăng quang”? Nhân cơ hội đó, Chúa Giêsu đã dạy cho các ông bài học về sự khiêm nhường và tinh thần phục vụ: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất” (Lc 9,47-48).

Trẻ em, trong xã hội Do Thái thời bấy giờ là thành phần không được tôn trọng, bị coi thường và không có vị thế nên khi Chúa nói: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”, Đức Giêsu đã đồng hóa mình với những con người bé mọn, hèn kém, những số phận bị gạt ra bên lề xã hội. Với những con người đó, Chúa muốn các môn đệ của Ngài phải yêu thương họ hơn ai hết; Chúa muốn Giáo hội của Ngài là một Giáo hội cho người “nghèo”, một Giáo hội đồng hành với nhân loại. Đây là cung cách mà Chúa đòi hỏi nơi các vị lãnh đạo Giáo hội, nơi những ai muốn theo Chúa: “Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất”. Chỉ những ai khiêm nhường, tự hạ, để mình trở nên như trẻ nhỏ và biết phục vụ người khác, người đó mới là người lớn nhất, người môn đệ đích thực của Đức Kitô.

Lời mời gọi này của Chúa thật sự không dễ dàng đối với chúng ta vì trong cuộc sống, chúng ta thường niềm nở với những ai có lợi cho chúng ta, thường thân thiết với ai có thế giá, có của cải; còn với những người nghèo khổ chúng ta lại xa lánh, thậm chí là khinh dể họ. Chính thái độ phân biệt sang hèn này, đã từng bị thánh Giacôbê Tông đồ phê phán: “Giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: "Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này", còn với người nghèo, anh em lại nói: "Đứng đó! " hoặc: "Ngồi dưới bệ chân tôi đây! ", thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?” (Gc 2,2-4).

Hãy nên như “trẻ nhỏ”, để có tâm hồn đơn sơ, không tính toán so đo, không mưu cầu lợi ích cho mình. Khi trở nên như “trẻ nhỏ”, chúng ta sẽ biết sống phó thác tin tưởng nơi Chúa, bớt thói kiêu căng để có thể đi đến với người khác. Khi nhận mình là người “nhỏ nhất”, chúng ta mới sẵn sàng hy sinh phục vụ tha nhân và nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi họ, nhất là những người cô thế, cô thân, những người bất hạnh, bị bỏ rơi. Không những vậy, chúng ta cần loại bỏ đi tính ghen ghét, đố kị khi thấy người khác vượt trội hơn mình; cần loại trừ thái độ bè phái như môn đệ Gioan từng mắc phải: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy." (Lc 9,49). Chúng ta cần có một tấm lòng cởi mở và quảng đại, biết đối thoại, cộng tác với người khác để cùng nhau xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất; một thế giới văn minh tình thương, như lời Chúa Giêsu mách bảo: “Đừng ngăn cản người ta. Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!” (Lc 9,50).

Lạy Chúa, xin tặng ban cho chúng con trái tim và đôi tay của Ngài, để chúng con trở nên khí cụ của Chúa, biết đem tình yêu của Ngài đến cho tha nhân, qua đời sống yêu thương phục vụ. 

Tác giả: Nhóm suy niệm BC

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập362
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm324
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại914,976
  • Tổng lượt truy cập78,918,427
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây