CHÚA NHẬT 30 TNA
Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40
Đọc báo, nghe đài, coi tivi, quan sát cuộc sống xung quanh, chúng ta thấy nhiều chuyện thật thương tâm và đáng báo động. Đó là tình trạng bạo hành trong gia đình: chồng đánh đập vợ, có trường hợp cắt gân tay vợ, cha mẹ đánh đập tàn nhẫn con cái, không cho chúng hưởng bất kỳ niềm vui nào của tuổi thơ, cha mẹ giết con – số lượng phá thai nhiều đến kinh khủng: hàng mấy triệu thai nhi bị giết mỗi năm ở Việt Nam. Thai nhi bị giết bỏ đi như một loại rác thải y tế, bị đổ xuống cống, bị cho vào cầu tiêu dựt nước, dã man hơn nữa là có những cán bộ y tế tuồn ra ngoài đem về nuôi heo tăng trọng, nuôi chó berger canh biệt thự như chuyện “tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp đã nói, thầu các bào thai ép lấy nước cốt đổ xuống hồ nuôi cá giống…
Chúng ta hỏi, “tại sao có những chuyện như vậy cứ liên tục diễn ra trong cuộc sống thường ngày, trong xã hội này?” Tôi nghĩ, suy cho cùng là bởi vì xã hội hôm nay đang thiếu yêu thương. Một xã hội, một cuộc đời thiếu yêu thương thì thật đáng sợ! Khi không còn yêu thương, người ta không còn nghĩ đến người khác nữa, mà chỉ nghĩ đến mình. Người ta làm tất cả chỉ vì mình bất chấp sự thiệt hại, thương đau có thể gây ra cho người khác. Tại sao có bạo lực trong gia đình, chồng đánh vợ, cha mẹ đánh đập con cái, giết hại thai nhi? Thưa, chỉ vì chồng không còn yêu thương tin tưởng vợ, không còn chăm lo cho hạnh phúc của vợ nữa, cha mẹ chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến con cái, sợ rằng con cái sẽ chia mất sức lực, của cải, thời giờ, sắc đẹp…
Hỏi rằng có ai trong chúng ta không cần đến tình yêu? Tôi nghĩ mọi người đều cần tình yêu. Nếu sống mà không có tình yêu, thì cuộc đời sẽ trở nên vô nghĩa. Tình yêu là động lực mạnh nhất thôi thúc con người vui sống và sống một cách có ý nghĩa. Gerald G. Jampolsky và Diane V. Cirincione đã viết một cuốn sách với tựa đề “Tình yêu là phép nhiệm mầu” để nói về giá trị và sức mạnh của tình yêu. Nhà xuất bản First News trong lời giới thiệu cho cuốn sách đã viết: “Tình yêu là điều kỳ diệu nhất trên cuộc đời này. Tình yêu có thể biến một sa mạc khô cằn thành một ốc đảo xanh tươi. Tình yêu là sức mạnh có thể biến kẻ thù thành bạn. Tình yêu là phép màu giúp bạn tìm ra phương cách tốt nhất để hàn gắn những rạn nứt nảy sinh trong các mối quan hệ tình bạn, tình yêu, với cha mẹ, con cái, bạn bè, đồng nghiệp…”
Chúng ta thử nghĩ tại sao con cái vui vẻ quây quần bên cha mẹ, đi xa luôn nhớ về gia đình? Thưa bởi nơi đó có tình yêu. Cha mẹ vui vẻ sống bên con cái, không ngại hy sinh vất vả, một nắng hai sương cũng chỉ vì yêu thương con và muốn điều tốt nhất cho con. Một người nam, một người nữ bỏ cha mẹ đến với nhau, gắn bó nên một xương một thịt, trở thành một gia đình và sống bên nhau suốt đời vì họ yêu thương nhau. Giáo lý hôn nhân dạy: “yếu tố căn bản của hôn nhân là tình yêu. Hôn nhân được xây dựng trên tình yêu và mục đích cuối cùng của hôn nhân cũng là tình yêu”. Thánh Augustino rất xác tín về giá trị của tình yêu nên đã nói: “Bạn cứ yêu đi rồi làm gì thì làm” nghĩa là nếu muốn hành động đúng thì phải lấy tình yêu làm kim chỉ nam hướng dẫn.
Chính vì tình yêu quan trọng như thế nên mọi giới răn của Thiên Chúa đều qui về tình yêu, tình yêu Thiên Chúa và tình thương nhân loại. Đức Giêsu đã trả lời cho các kinh sư và biệt phái rằng: “Điều răn quan trọng nhất là ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Để trở thành một người kitô hữu thực sự thì không thể không yêu thương. Tình thương là kim chỉ nam, là nền tảng cho mọi hành động. Tình yêu ấy bắt nguồn từ Thiên Chúa và tình yêu Thiên Chúa là mẫu mực cho tình yêu con người. Nếu muốn yêu thương con người đúng cách thì hãy yêu mến Thiên Chúa trước. Nếu muốn diễn tả tình yêu Thiên Chúa một cách sống động cụ thể, thì phải bắt đầu bằng tình yêu nhân loại. Nếu tin Chúa thì phải yêu Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết linh hồn, nghĩa là Thiên Chúa phải là đối tượng yêu thương duy nhất phải ưu tiên. Nếu muốn yêu thương nhân loại thực sự thì phải yêu anh em như chính mình = yêu mình thế nào thì phải yêu thương tha nhân như vậy, nếu không muốn điều xấu cho mình thì cũng không thể muốn điều xấu cho tha nhân, muốn điều tốt cho mình thì cũng phải muốn điều tốt cho tha nhân, muốn tha nhân làm gì cho mình thì hãy làm điều đó cho tha nhân.
Bài đọc 1 cho ta những chuẩn mực khá cụ thể về việc yêu thương tha nhân. Tha nhân ở đây là người ngoại kiều, mẹ góa con côi, người bị ức hiếp, người nghèo khổ phải đi vay mượn. Với những loại người này phải dành cho họ sự quan tâm đặc biệt. Không được áp bức và ngược đãi, không được lấy lãi khi cho vay, không được giữ áo choàng làm đồ cầm, để họ có được những gì tối thiểu cho cuộc sống nghèo khó của họ. Nếu người Do Thái không tuân theo những chỉ ấy mà làm ngược lại, thì họ sẽ phải lãnh lấy hậu quả là cơn nóng giận của Thiên Chúa, bị chúc dữ chứ không được chúc lành. Chúa Giêsu không dừng lại ở những điều tiêu cực ấy mà còn đẩy xa hơn: yêu thương thì phải hành động. Nếu yêu Chúa thật lòng thì cũng phải yêu thương tha nhân thực sự. Hình ảnh người Samaritano nhân lành chính là mẫu mực cho tình thương tha nhân thực sự.
Không ai lại không mong muốn tình yêu, nhưng để sống yêu thương thì không phải dễ, nhất là tình yêu mà Thiên Chúa đòi hỏi: Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực; yêu tha nhân như chính mình. Thực tế còn đầy rẫy những chuyện, những việc làm chẳng thấy yêu thương mà chỉ thấy gian ác ích kỷ như đã nói trên: bạo hành gia đình, bạo lực với con trẻ, gian lận thương mại, chất độc trong các loại thực phẩm, chất thải độc hại không xử lý xả ra môi trường gây hại rất lớn cho con người… Vì thế mà hơn bao giờ hết, lời mời gọi yêu Chúa và yêu người trong xã hội hôm nay càng trở nên khẩn thiết. Nguyện xin Chúa giúp mỗi kitô hữu chúng ta ý thức hơn nữa về giá trị của tình yêu, sự khẩn thiết của tình yêu trong xã hội hiện đại, nhất là mỗi người có đủ nghị lực để sống yêu thương như Chúa đòi hỏi. Amen.