Khuôn mặt của tôi trong cuộc khổ nạn của Chúa

Thứ sáu - 26/03/2021 21:50  1137
Chúa Nhật Lễ Lá năm B
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1 - 15,47 (Mc 15,1-39)

fb 1200x628 palm sunday 1024x536Với Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, chúng ta chuẩn bị bước vào những ngày cao điểm của cuộc thương khó của Đức Giêsu. Những chống đối, thù ghét dường như được dồn nén lại và trút hết lên Đức Giêsu khi Người chịu đánh đòn và chịu chết.

Nhìn bề ngoài, Đức Giêsu chịu khổ nạn và chịu chết là do sự thù ghét của giới lãnh đạo Do thái đã mượn tay đế quốc Rôma để tiêu diệt NgườI, nhưng nhìn trong thánh ý của Thiên Chúa, việc Đức Giêsu chịu nạn và chịu chết là vì tội lỗi loài người. Thánh Phaolô đã xác nhận điều đó: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3). Lời Kinh Thánh là lời nào?

Bài đọc I cho chúng ta thấy khuôn mặt của người Tôi trung của Đức Chúa, một người được tuyển chọn để làm sáng tỏ công lý trước mặt muôn dân, để đỡ nâng những ai rã rời kiệt sức. Người Tôi trung tự nguyện đón nhận những roi đòn, những xỉ vả, nhiếc móc phỉ nhổ, và nhất là đã chấp nhận mang lấy những đau khổ, tật nguyền và tội lỗi của chúng ta để nhờ những thương tích Người phải chịu, chúng ta được chữa lành và được sống (x. Is 50,4-6; 53,4-5).

Thánh Phaolo trong bài đọc II còn khẳng định cách rõ ràng hơn nữa: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Đó là những gì chúng ta đã được chiêm ngắm khi Ngôi Hai xuống thế làm người. Không chỉ có thế, Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x.Pl 2,6-8.) Để nhờ cái chết và sự phục sinh của Người, nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ nhờ giá máu của Đức Kitô.

Nhìn vào các nhân vật trong cuộc thương khó của Đức Giêsu, nào là Nhóm Mười hai, nào là Phêrô, Giuđa, các thượng tế, kỳ mục, Philatô và cả đám đông…, chúng ta dường như thấy được khuôn mặt của mình trong mỗi nhân vật đó. Có khi chúng ta tự hào và hân hoan vui mừng như đám đông nghênh đón Chúa vào thành Thánh, và rồi cũng chính đám đông đó, với hết cung giọng, hô lên thật to: đóng đinh nó vào thập giá. Có khi chúng ta là Phêrô, mạnh mẽ và quyết liệt: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã. Và dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”, để rồi trước lời chất vấn của mấy đứa đầy tớ gái vô danh, không những chối mà Phêrô còn thề không biết Đức Giêsu là ai. Có khi chúng ta là Giuđa, vì một chút lợi ích cá nhân, không những bán rẻ Thầy mình, mà còn bán rẻ cả chính linh hồn mình cho ma quỷ vì không chạy đến với Chúa để được ơn tha thứ. Có khi chúng ta là Philatô, một quan tổng trấn thế giá, nhưng vì chút nhát đảm và sợ mất địa vị mà nhắm mắt làm ngơ để chối bỏ sự thật… Dù đặt mình vào nhân vật nào đi chăng nữa, chúng ta thấy mình đều có liên quan trong cái chết của Đức Giêsu. Nếu ngày hôm nay, Chúa tiếp tục chịu khổ nạn, thì chính chúng ta cũng nằm trong số những người gây thương tích cho Chúa.

Chúng ta không đoán xét ai là kẻ đã gây ra cái chết của Đức Giêsu, vì sự thật lịch sử đã minh chứng rõ, nhưng trong thánh ý của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã thực sự chết vì chúng ta, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta (x.Rm 5,8). Chính vì yêu thương, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài xuống thế gian, để ai tin vào Con Một Ngài thì được cứu độ (x. Ga 3,16). Cũng chính vì yêu thương nhân loại đang đắm chìm trong tội lỗi, Thiên Chúa đã để cho Con Một Ngài phải chịu chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân, phương chi bây giờ chúng ta đã được hưởng ơn cứu chuộc, được nên công chính nhờ Máu Đức Kitô đổ ra (x.Rm 5,8-9). Chúng ta sẽ phải sống một đời sống mới như thế nào cho xứng với tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta qua Đức Giêsu.

Chúng ta không phải là những khán giả bàng quan bên ngoài, nhưng vì chúng ta thấy được khuôn mặt của mình qua các nhân vật trong cuộc khổ nạn của Chúa, nên chúng ta được mời gọi cùng với Đức Giêsu bước vào cuộc thương khó với Chúa, cùng với Chúa nhận ra con người thật của mình, nhận ra tội lỗi mình đã phạm làm cho Chúa phải chịu khổ và chịu chết, cùng với Chúa đón nhận tình yêu và ơn cứu độ Chúa dành cho chúng ta.

Nguyện xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết can đảm và trung thành với Chúa trước bất kỳ hiểm nguy nào, chứ không như Phêrô nhát đảm chối Thầy. Xin Chúa cho chúng ta can đảm làm chứng cho sự thật, cho dù để bảo vệ sự thật ấy, chúng ta có thể thiệt hại về danh dự địa vị, thậm chí cả mạng sống, chứ không như Philatô lấy lòng dân chúng và các thượng tế mà chối bỏ sự thật hiển nhiên. Xin cho chúng ta luôn tin tưởng cậy trông vào Chúa trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi chúng ta sa ngã phạm tội nặng nề, chứ không như Giuđa thất vọng vì tội bán Thầy. Xin cho chúng ta cũng dám tuyên xưng đức tin như viên đại đội trưởng xưa, được mang lấy lòng bác ái như Giô xếp đến xin xác Chúa để mai táng, được ở lại bên Chúa như Mađalêna và các phụ nữ khác và trên hết, xin cho chúng ta biết mở lòng đón nhận tình yêu Chúa qua khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, nhờ đó mà được sống muôn đời. Amen!

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Quỳnh

 Tags: hôm nay
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập87
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay35,685
  • Tháng hiện tại1,045,920
  • Tổng lượt truy cập79,049,371
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây