Tuần 24
Xh 32,7-11.13-14; 1 Tm 1,12-17; Lc 15,1-10
Con trai của Scarlett Lewis là Jesse đã bị giết trong năm 2012 khi Sandy Hook xả súng vào trường tiểu học, vụ thảm sát lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Lúc đầu, cô cho biết, cô cảm thấy như đất trời sụp đổ trước mắt mình. Cô đã giận dữ với các game bắn súng và căm giận muốn giết kẻ xả súng, nhưng cô đã lựa chọn sự tha thứ. Cô nói: “Không phải dễ dàng để tha thứ cho kẻ gây ra điều khủng khiếp cho mình, nhưng nó bắt đầu với một sự lựa chọn và sau đó đã trở thành một quá trình”. Cô đã kêu gọi người đến dự lễ tang của Jesse hãy thay những suy nghĩ tức giận bằng sự tha thứ để có thể thay đổi thế giới (http://readzo.com/posts).
Câu chuyện trên gợi lên cho chúng ta về một Thiên Chúa thích tha thứ hơn là tức giận, thích bỏ qua hơn là giáng phạt. Quả vậy, bài đọc thứ nhất nói với chúng ta rằng Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và định giáng phạt trên dân vì dân Israel đã đi ra ngoài đường lối của Chúa, đúc một con bê rồi sụp lạy nó thay vì phải thờ phượng một mình Ngài. Vậy mà sau khi Môsê nài xin lòng nhân từ và tha thứ, Thiên Chúa đã nguôi cơn thịnh nộ và tha hết mọi hình phạt cho dân. Ngài lại tiếp tục yêu thương và chúc lành cho họ thay vì chúc dữ.
Lòng thương xót tha thứ của Chúa còn được thể hiện rất rõ trong bài Tin mừng. Trước lời xì xầm của các kinh sư và biệt phái: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”, Chúa Giêsu đã kể cho họ 2 dụ ngôn. Dụ ngôn thứ nhất nói về người chăn chiên có một con trong số 100 con đi lạc. Ông bỏ lại 99 con không đi lạc và đi tìm một con chiên đi lạc. Tìm được rồi, ông vác chiên trên vai, đưa về đàn, mời bạn bè đến chia vui. Dụ ngôn thứ hai nói về người phụ nữ có 10 đồng quan, mất một đồng, đã đốt đèn lên, rồi đi tìm cho bằng được đồng quan bị mất. Khi đã tìm thấy, bà mời bạn bè, hàng xóm đến chia vui. Phần kết của cả hai dụ ngôn cùng một nội dung: Thiên Chúa sẽ vui mừng vì người tội lỗi sám hối ăn năn trở về “Tôi nói cho các ông hay, trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
Thực ra, Đức Giêsu không chỉ dạy tha thứ mà trong suốt cuộc đời, Ngài luôn tha thứ cho tội nhân có lòng hối cải. Những người thu thuế và tội lỗi thường lui tới và ăn uống với Chúa là một bằng chứng cho thấy Ngài sẵn sàng tha thứ và chấp nhận tội nhân. Ngài bảo người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình: “Chị hãy ra về bình an và từ nay đừng phạm tội nữa”. Trên thập giá, bị kết án cách bất công, bị xỉ nhục, nhưng Chúa đã tha thứ cho kẻ trộm có lòng ăn năn và xin Chúa Cha tha cho những kẻ giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” Tình thương tha thứ ấy còn kéo dài mãi cho đến ngày tận thế. Để biểu hiện lòng tha thứ ấy, Chúa đã thiếp lập bí tích Hoà giải.
Được Chúa tha thứ cũng chính là kinh nghiệm tuyệt vời của thánh Phaolô nói tới trong bài đọc hai. Trước khi tin vào Chúa Giêsu, thánh nhân là kẻ lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược. Ngài chống đối Chúa Kitô, bắt bớ các kitô hữu. Vậy mà không những đã tha thứ cho thánh nhân, Chúa Giêsu còn tín nhiệm gọi thánh nhân đến phục vụ Ngài, trao cho thánh nhân sứ mạng loan báo Tin mừng cho dân ngoại. Thánh nhân đã tâm sự rằng: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời.”
Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương, bao dung, và hay tha thứ. Ngài thích tha thứ và bỏ qua hơn là đánh phạt và nhớ lại những lỗi lầm của con người. Ngài mong ước các tội nhân trở về và vui mừng khi thấy họ ăn năn hối cải. Ngài cũng chợ đợi chúng ta xót thương và tha thứ cho tha nhân. Vậy tôi có cố gắng sám hối mỗi ngày không, có quảng đại tha thứ cho mình, cho anh em của mình chăng? Nguyện xin Chúa tiếp tục ban ơn tha thứ cho chúng ta. Xin Ngài cũng mở lòng chúng ta ra để tha thứ cho nhau. Xin làm cho tâm hồn chúng ta luôn mới mẻ để chúng ta xứng đáng làm chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa. Amen!