Về tay ai?

Thứ hai - 23/10/2023 22:48  1540
Lc 12,13-21

c4ed6570f263aaa148d942d49f675e5bTrong Tin mừng, Đức Giêsu đã cảnh báo với không chỉ anh thanh niên đến xin Ngài làm người cầm cân nảy mực trong việc chia gia tài, song còn nhắc nhở cho tất cả những người đang hiện diện khi đó, thậm chí là cả với chúng ta ngày nay. Đức Giêsu không nhận lời đề nghị của anh nhưng Ngài lại nhắm đến việc giáo dục đời sống luân lý. Việc đó đụng chạm tới lòng tham vô đáy của con người.

Theo luật Do Thái xưa, đương sự có thể nhờ người quyền cao chức trọng, uy tín trong xã hội để đứng ra phân xử, chứ không nại đến quan tòa. Chính vì vậy, một người trong đám đông xin Đức Giêsu đứng ra làm trọng tài. Đức Giêsu đã dùng ngay chính hoàn cảnh ấy để dạy cho đám đông bài học về sự thanh thoát. Ngài muốn dân chúng gỡ tâm hồn khỏi những đam mê của cải vật chất. Ngài bảo: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được đảm bảo nhờ của cải đâu”.

Rõ ràng của cải vật chất vẫn là cám dỗ kinh khủng đối với con người. Tuy nhiên, Đức Giêsu không mạnh mẽ đến mức khiến người cầu xin Ngài phân xử phải bẽ bàng, mất mặt trước đám đông, nhưng Ngài lại kể dụ ngôn về người phú hộ giàu có như một bài học đắt giá cho những ai tôn thờ ngẫu tượng. Người phú hộ trong câu chuyện rất hài lòng và cảm thấy hoàn toàn an tâm với của cải mình làm ra. Ông có thể hưởng thụ một cách thoải mái mà không lo người khác dòm ngó: “Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã”. Đức Giêsu chê trách thái độ của người phú hộ này: “Đồ ngốc! Nội đem nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Ngài kết thúc dụ ngôn bằng việc kêu mời mọi người hãy tìm kiếm những giá trị đích thực của Nước Trời, những giá trị làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.

Thật vậy, của cải vật chất không đem lại cho con người ý nghĩa đích thực của đời sống. Nó chỉ có giá trị tạm thời và là phương tiện phục vụ con người. Bởi vậy, đừng để tâm hồn dính bén với của cải trần thế.

Là kitô hữu, nếu ai cũng chỉ lo thu tích của cải nơi trần gian này cho thật nhiều, chất đầy nhà thì sẽ thất bại ê chề. Bởi vì dù có danh gia vọng tộc, giầu sang phú quý, nứt đố đổ vách, lắm tiền nhiều của nhưng chưa chắc đã hạnh phúc. Các cụ xưa vẫn thường bảo: ăn cơm thịt bò lo ngay ngáy, ăn cơm mắm cáy ngáy o o.

Xin cho mỗi người ý thức rằng, khi vào trần gian ta chỉ có hai bàn tay trắng và khi nhắm mắt xuôi tay ra khỏi thế giới này, ta cũng trắng hai bàn tay để biết sống đúng với tư cách là con cái của Thiên Chúa, là môn đệ của Đức Giêsu và là thành phần của Giáo hội. Đồng thời biết quan tâm, chia sẻ với những anh em kém may mắn, để họ cảm nhận được sự hiệp hành và nâng đỡ không chỉ của ta nhưng còn là của chính Đấng giàu lòng từ bi và thương xót. Đó cũng là cách mà mỗi người đang hiệp thông, tham gia vào sứ vụ của Đức Kitô nơi trần gian.

Tác giả: Lam Ngã

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập347
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm311
  • Hôm nay19,076
  • Tháng hiện tại478,574
  • Tổng lượt truy cập76,186,840
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây