Sẵn sàng là tâm thế của kẻ khôn ngoan

Chủ nhật - 27/11/2022 22:54  368
5Khởi đầu năm Phụng vụ mới, Giáo hội không chỉ muốn con cái mình nhìn một cách đơn thuần về biến cố con Thiên Chúa Giáng Sinh cách đây hơn 2000 năm và cử hành biến cố này với Lễ Giáng Sinh, mà còn muốn chúng ta hướng về tương lai, hướng về biến cố Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang vào thời khắc cuối cùng của lịch sử nhân loại, khai mở một “trời mới đất mới” (Ga 21, 1), làm cho mọi sự đạt đến cứu cánh duy nhất của mình là Thiên Chúa.[1]

Trong Chúa Nhật thứ I mùa Vọng, tỉnh thức và sẵn sàng để hướng về Thiên Chúa là “Ðấng đang ngự đến” mang ý hướng chủ đạo; Thiên Chúa – Đấng đến giữa chúng ta qua Đức Giêsu Kitô; Ngài sẽ đến trong vinh quang để phán xét hết thảy thế gian. Mùa Vọng về cũng là lúc đoàn dân lữ hành của Chúa bước vào hành trình mới trong sự hướng dẫn của Đức Giêsu Kitô. Tuy vậy, hành trình của chúng ta là gì vậy? Chúng ta bước đi trên hành trình ấy để rồi sẽ đến đâu? Đến đây, lời Chúa trong sách Isaia cho chúng ta câu trả lời về những thắc mắc này: “Ðến đây, ta cùng lên núi Ðức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.” (Is 2,2-3).

Tỉnh thức và đợi chờ

Như vậy, hành trình mới nhân loại được Chúa Giêsu hướng dẫn qua dòng lịch sử hướng về sự kiện toàn trong Vương Quốc của Thiên Chúa. Mùa Vọng được ghi dấu đặc biệt bởi sự tỉnh thức và đợi chờ. Tỉnh thức để tích cực làm việc tốt, chờ đợi trong tình yêu thương và hy vọng. Vì thế, chúng ta có thể dùng thời gian này để đổi mới một vài khía cạnh cần thiết trong cuộc sống. Ta cần phải tỉnh thức, vì ý nghĩa cuộc sống trên trái đất này là để chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu, mà thời gian chuẩn bị là món quà và ân sủng của Thiên Chúa với niềm hy vọng là điều chúng ta phải có. Đàng khác, cần phải tỉnh thức vì thói quen và sự thoải mái không thích hợp đang ru ngủ nhân loại này. Chúng ta, những người không thuộc về thế gian này (x. Ga, 18,36), cần phải biết cầm lấy vũ khí của Sự Sáng (x. Rm 13,12). Chỉ có người tỉnh thức mới không cảm thấy bất ngờ. Chúng ta phải chuẩn bị với một tình yêu rực cháy trong tim, như các trinh nữ khôn ngoan cầm đèn đi đón chàng rể. “Kìa chàng rể đến” (Mt 25,6), Chúa Giêsu Kitô sẽ đến vào lúc người ta không ngờ.

 Có thể nói việc Chúa đến là một điều chắc chắn, đến khi nào Người đến thì lại là một điều chưa ai hay. Lời quả quyết và mời gọi các môn đệ của chúa Giêsu trong câu cuối bài Tin Mừng: “Anh em hãy sẵn sàng[2], vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24,44) không chỉ là một lời nhắc nhở các môn đệ mà còn dành cho mỗi người chúng ta suy ngẫm. Ngày cánh chung có thể còn lâu mới tới, không ai biết, thế nhưng trong phạm vi cá nhân, ngày sau hết chính là cái chết tỏ tường mà ai trong chúng ta cũng sẽ phải kinh qua.

Trên một ngôi mộ kia của một nam thanh niên, người ta đọc thấy dòng chữ: “Cái chết thật là vô lễ vì nó dám kéo người trai trẻ này đi trước một cụ già”. Thật vậy, thân phận của con người, tựa bông hoa nở tươi, một làn gió nhẹ lung lay, cũng biến tan sắc màu.[3] Chính vì thế,mỗi người hãy mặc lấy Chúa Giêsu để sống một đời sống sống có mục đích, có lý tưởng hầu hoàn thiện đời mình. Hãy mặc lấy Chúa Giêsu để biết lắng nghe lời Chúa nói với mình qua Kinh thánh, qua những biến cố của cuộc sống thường nhật. Hãy mặc lấy Chúa Giêsu để năng cầu nguyện và tham dự các cử hành Phụng vụ của Giáo hội trong tinh thần yêu mến, không phải bằng thái độ giữ luật như những kinh sư, biệt phái. Cuối cùng, mặc lấy Giêsu chính là biết sống yêu thương phục vụ theo tinh thần của Người “Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Có sống như thế, khi Chúa đến viếng thăm, chúng ta mới lãnh nhận được phần thưởng dành cho người hiếu trung: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo thiên lập địa” (Mt 25, 34).

Được mang đi, bị bỏ lại

Nửa sau của bài Tin Mừng, cách nào đó làm chúng ta liên tưởng đến những bộ phim thần tiên. Một cách nào đó, “Con Người”[4] được coi như những ông thần, ông tiên; còn các đối thể chịu tác động là những người u sầu, đau khổ… Trong trường hợp hai động từ được dùng trong đoạn văn này, bản dịch Tiếng Việt (CGKPV) chọn nghĩa tích cực cho hành động “mang đi”: “Một người được mang đi” và nghĩa tiêu cực dành cho hành động “để lại”: “Một người bị bỏ lại”. Ngược lại với nhóm CGKPV, dịch giả Nguyễn Thế Thuấn chọn cách hiểu ngược lại: “Một sẽ bị mang đi” và “một sẽ được để lại”. Nhiều tác giả chọn cách hiểu như nhóm CGKPV (một người được mang đi và một người bị bỏ lại), ngụ ý rằng “những người được mang đi” để hưởng niềm vui với Chúa, còn “những người bị bỏ lại” sẽ nhận bản án của Chúa.[5] Tuy nhiên, việc “được mang đi” hay “bị bỏ lại” không phải là một sự lựa chọn nhẫu nhiên; mà dựa trên việc những người được “Con Người” ghé thăm đã có sự chuẩn bị ra sao?

Hai người đàn ông cùng cày ruộng ngoài đồng, hai người đàn bà cùng xay bột trong nhà. Họ cùng sống trong một hoàn cảnh, cùng làm chung một công việc, tại sao có người được cứu có người lại không? Thưa vì một người có chuẩn bị và một người không chuẫn bị. Một người có đức tin và một người không tin. Một người làm việc qua loa để lảnh tiền công, để ăn xài, chơi bời trác táng, người kia cũng lảm việc cũng lãnh lương nhưng lòng quy hướng về đời sau và về Thiên Chúa. Tiền của không làm hoa mắt họ. Mũi họ không bị ô nhiễm bởi mùi hôi tanh của tội lỗi, tiếng động cơ nhà máy không làm lấn át tiếng nói lưong tâm và sự bằng yên trong tâm hồn họ.

Thế nhưng, con người rất dễ rơi và một ảo tưởng cố hữu, đó là luôn cho rằng đời của chúng ta còn rất dài, còn rất nhiều thời giờ nên đừng có vội làm chi. Đạt Lai Lạt Ma từng nói: “Con người. Chúng ta hy sinh sức khỏe để kiếm tiền. Sau đó lại dùng tiền để phục hồi sức khỏe. Và rồi, chúng ta lo lắng cho tương lai và chán ghét hiện tại, chúng ta sống như thể sẽ không bao giờ chết và sau đó lại chết như chưa từng sống thực sự”. Cứ vui hưởng mọi sự đời này đợi đến khi già yếu rồi ăn năn sám hối lúc ấy cũng chưa muộn. Ấy là thái độ nguy hiểm nhất mà ma quỷ dùng để cám dỗ con người, khiến nhiều người đã không kịp trở tay. Vì thế, sống trong tỉnh thức và sẵn sàng là điều tối cần thiết với người tín hữu Kitô, bởi “Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được mang đi, một người bị bỏ lại. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được mang đi, còn người kia bị bỏ lại.”

Việc làm sống lại Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể cần được thể hiện qua một tâm hồn trong trắng, cầu nguyện với thái độ khiêm cung. Đó là những gì chúng ta cần có khi sống cuộc lữ hành Đức Tin này. Cùng với đó là việc sống sao để loại bỏ đi những sự đảo lộn giá trị qua những học thuyết sai lạc, những lối sống vô luân thể hiện qua sự đề cao tự do và việc tôn thờ các ngẫu tượng mới.[6] Có Chúa ở trong tâm hồn như vậy sẽ giúp chúng ta có khả năng đón mừng lễ Giáng sinh và sẳn sàng để được Chúa “mang đi” thay vì bị “bỏ lại” khi Người lại đến.

Bài Tin Mừng được kết thúc bằng dụ ngôn kẻ trộm vào nhà. Có lẽ, với trí khôn được ban tặng, con người ta sẽ tỉnh thức canh chừng để trước là khỏi mất đồ đạc, sau là để bắt cho kỳ được tên trộm. Dưới góc nhìn Đức Tin, báu vật mà ta cần phải bảo vệ không gì khác chính là  kho tàng giấu trong ruộng, là viên ngọc quý người thương gia tìm được (x. Mt 13, 44 - 46). Ấy chính là Đức Giêsu Kitô mà Thiên Chúa đã trao ban cho loài người qua mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể.

Khởi đầu Mùa Vọng, Lời Chúa nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy sống hết mình trong ơn gọi của người Kitô hữu, ngay cả những khi chúng ta gặp những điều bất công hay thất bại. Sống như thế để đi vào mối tương quan với Thiên Chúa một cách sinh động nhất và đi vào mối tương quan với anh chị em của chúng ta trong tình nghĩa thiết phục vụ yêu thương.
 

[1] Mùa Vọng chia làm hai giai đoạn tương ứng với hai ý nghĩa sau đây:

Giai đoạn thứ nhất bắt đầu Mùa Vọng, tức là Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, và kéo dài đến hết ngày 16 tháng 12. Ý nghĩa của giai đoạn này là hướng lòng trông đợi của người tín hữu vào ngày Chúa Kitô ngự đến lần thứ hai trong vinh quang, tức ngày quang lâm, ngày tận thế.

Giai đoạn thứ hai kéo dài một tuần lễ, từ ngày 17 đến 24 tháng 12, nhằm chuẩn bị trực tiếp mừng đại lễ Giáng Sinh, tức tưởng niệm biến cố Chúa Kitô đã ngự đến trần gian lần thứ nhất trong lịch sử nhân loại.

Như vậy, Mùa Vọng mang hai ý nghĩa khác nhau, một nghĩa quay về quá khứ, tức chuẩn bị mừng biến cố Giáng Sinh lịch sử của Con Thiên Chúa, một biến cố làm chuyển đổi tất cả lịch sử nhân loại. Một ý nghĩa hướng về tương lai, tức chuẩn bị tâm hồn các tín hữu đón chờ Chúa Kitô trở lại trong quang lâm.
(x https://hddmvn.net/giai-dap-nhung-thac-mac-ve-mua-vong-phan-ii/)

Thiết nghĩ cũng nên trình bày thêm về chủ đề từng tuần trong Mùa Vọng:
– Chúa nhật I Mùa Vọng: Ad Te levavi… (Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy Chúa  )
– Chúa nhật II Mùa Vọng: Populus Sion … (Này hỡi Dân Sion…)
– Chúa nhật III Mùa Vọng: Gaudete … (Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)
– Chủ nhật IV Mùa Vọng: Rorate … (Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính…)
[2] Chúa Giê-su báo trước cho các môn đệ Ngài tính cách bất ngờ không thể đoán trước được của “ngày và giờ Con Người ngự đến

Việc so sánh nhắm đến sự mê muội này: giả như chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã tỉnh thức. Đó cũng là lời khuyên bảo của thánh Phao-lô gửi cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1Tx 5: 1-2).

 
[3] Lời bài hát Hỡi người hãy nhớ của Lm. Ns. Kim Long
 
[4] Kiểu nói “Con Người” là đặc ngữ sê-mít, không có nghĩa gì khác ngoài một con người với điểm nhấn được đặt trên tính chất con người trần thế của mình: “một phàm nhân”. Kiểu nói này thường được ngôn sứ Ê-dê-ki-en sử dụng và cũng được gặp thấy ở nơi khác như Is 51, 12; G 25, 6; Tv 8, 5. Ví dụ như trong Ed 2, 1: “Hỡi con người, hãy đứng cho vững, Ta sắp nói với ngươi đây”, ở đây kiểu nói“con người” tương đương với đại từ “ngươi” để chỉ chính vị ngôn sứ, ông xem mình chỉ là một phàm nhân, qua ông Thiên Chúa sắp ký thác sứ điệp của Ngài cho dân Ngài.

Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su thích dùng tước hiệu “Con Người” theo ngôn sứ Đa-ni-en để nói về chính mình. Khi thủ đắc tước hiệu này cho riêng mình, Chúa Giê-su diễn tả vừa tính siêu việt của mình vừa nhân tính mà Ngài dự phần vào, nhờ đó Ngài có thể mang lấy số phận của nhân loại; đồng thời phải hiểu rằng cuối cùng Ngài sẽ chiến thắng.

 
[5]Lm. Jos. Ph.D. Thạch, SVD; Chú Giải Tin Mừng CN I MV năm A (Mt 24,36-44).
x.https://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/11/mang-i-va-bo-lai-chu-giai-tin-mung-cn-i.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&m=1&fbclid=IwAR0n1ECqzBPp85XDjE4hqqNkpP2XzYHEM0flpb2S71aVjqvOua75Nif_C5o
[6] x. Linh mục Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ, Những thách đố của đời sống Đức Tin, Germany ngày 20-03-2021.
https://giaophankontum.com/tin-tuc/giao-hoi-viet-nam/nhung-thach-do-cua-doi-song-duc-tin

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập389
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm351
  • Hôm nay68,565
  • Tháng hiện tại729,158
  • Tổng lượt truy cập70,756,915
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây