Nghĩ về cha
Thứ hai - 27/03/2017 04:28
7250
Cha yếu dấu!
Thấm thoát cha con mình cũng đã vĩnh viễn rời xa nhau được 3 năm rồi. Thế mà với con, ngày đó cứ như mới xảy đến hôm nào. Con nhớ, đó là cái ngày cha nằm bất động trên chiếc giường nhỏ. Cái ngày mà tiếng con gọi “Cha ơi” bay vào thinh không, mãi không có lời đáp.
Ngày cha ra đi con đã khóc rất nhiều. Con khóc vì nhớ cha. Con khóc vì thương cha. Con khóc cho một số phận lam lũ vì đàn con chưa kịp thảnh thơi nay đã ra đi. Con cũng khóc để bù cho những ngày cuối cùng của cha mà con không thể ở bên cha được.
Cha biết không, con đã từng chứng kiến cảnh một người lệ tuôn rơi vội bước xuống xe sau một quãng đường dài để nhìn mặt người thân lần cuối. Nhìn cảnh đó mắt con muốn ứa lệ. Lúc đó con thương hại cho số phận bất hạnh của người đó và thầm nghĩ điều này sẽ không bao giờ xảy đến với mình. Thế mà nó lại đến với con thật. Con đã phải chờ đợi và phải đi một quãng đường xa để về với cha. Trên hành trình đó, những giọt nước mắt của con không thể tuôn rơi vì nó đã chảy ngược vào trong. Ấy thế mà khi con bước xuống xe để vào gặp cha nước mắt con đã rơi mãi, rơi hoài dù con tự nhủ phải cố gắng mạnh mẽ lên. Trong giờ phút đó con mới biết rằng cha cũng như mọi người đã chờ đợi con từng giờ từng phút để sau khoảnh khắc đó, khoảnh khắc con nhìn cha lần cuối, cha đã được đưa vào chiếc quan tài cô quạnh đợi chờ sẵn bên.
Cha biết đấy, gia tài duy nhất con có khi về bên cha chỉ là tấm áo dòng trắng tinh. Tấm áo được dệt nên từ những hy sinh, vất vả và lời cầu nguyện của cha. Nhiều lần con thầm nghĩ chắc cha sẽ hạnh phúc lắm khi nhìn thấy con mặc lên mình chiếc áo dòng ấy. Con còn tưởng tượng niềm hạnh phúc này của cha sẽ được cụ thể hoá bằng những giọt nước mắt. Con mang theo suy nghĩ đó và niềm hạnh phúc đi vào đời tu. Con cố gắng mỗi ngày trong đời tu và đợi chờ ngày được gặp cha để khoe chiếc áo dòng trắng tinh của con. Nào ngờ đâu, ngày con khoe với cha chiếc áo dòng đó lại là ngày con về chịu tang cha. Ngày con khoe với cha chiếc áo dòng lại là ngày cha nằm bất động trong chiếc quan tài chật hẹp. Những giọt nước mắt của cha mà con đã từng tưởng tượng giờ đây lại chuyển hết sang con. Con thương cha. Con cũng thương cho thân phận của mình giờ đây mồ côi cha, giờ đây vắng bóng cha.
Cha ra đi. Nỗi buồn đến với con. Nỗi nhớ trở thành bạn đồng hành của con. Và nỗi sợ hãi đã xâm chiếm con. Cuộc đời con như là một đám mây xám xịt bao phủ tâm hồn con những tháng ngày sau đó. Nếu trước đây con cười cười nói nói thì sau biến cố chia lìa con buồn bã lặng thinh. Nếu trước đây khuôn mặt con luôn vui tươi thì sau biến cố biệt ly con rầu rĩ, ảm đạm. Con chẳng khác gì như con ốc sên thu mình vào vỏ ốc kín đáo.
Sau “cơn ngủ mê dài” trong nỗi nhớ thương cha, con chợt bừng tỉnh khi hiểu rằng sự ra đi của cha không phải là một đại hoạ cho gia đình, cho con hay cha. Nhưng hơn hết đó lại là một hồng ân Thiên Chúa dành cho gia đình, cho con và cha. Bởi chưng, cha đã được Thiên Chúa gọi đi khi chữ hiếu của cha dành cho Người còn mãi đậm đà. Và bởi vì cha đã giữ trọn được chữ hiếu đó nên Người đã cất cha đi kẻo cha rơi vào nơi trơn trượt, kẻo cha sa lầy trong tội lỗi. Con tự nhủ liệu có ích gì nếu tuổi thọ cha được kéo dài thêm mấy mươi năm nữa nhưng chữ hiếu cha dành cho Thiên Chúa lại phai mờ. Và khi đó số phận của cha sẽ đi về đâu khi đứng trước toà phán xét Chúa. Cái chết là một điều không thể tách khỏi cuộc sống con người. Tuy nhiên, được chết trong ân nghĩa Chúa mới là điều quý giá hơn cả. Với con, giờ phút này cha đang được hưởng phúc lộc trên Thiên Đàng, nơi mà Thiên Chúa dành cho những ai một lòng sắt son với Ngài khi còn sống.
Với lẽ đó, niềm vui lại đến với con. Nụ cười lại xuất hiện rạng ngời trên khuôn mặt con. Tắt một lời, và con tim đã vui trở lại. Nhiều lần con còn nghĩ cha như Giuse thuở xưa đã bị bán sang Ai cập. Chính vì bị bán sang Ai cập mà ông đã có cơ hội cứu gia đình ông thoát khỏi nạn đói. Cũng vậy, cha được Thiên Chúa gọi đi trước để cha cầu nguyện cho gia đình, cho mọi người và cho con. Không lý gì mà con phải buồn khi cha được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Tác giả: Antôn Hoàng Văn Phúc, OP