Phú Ông cầu nguyện
Thứ sáu - 02/06/2017 19:59
2309
- Bốp! Thằng Bốp đâu? - Có tiếng gọi nghe sang sảng, oai phong ở nhà trên.
- Dạ! Thưa ông! Con đây ạ. Ông có gì sai con ạ?
- Cái chân giò chiều nay mày hầm thật kỹ cho ông. Nay ông ăn chay để lên nhà thờ nên chưa ăn được. Đợi đêm sang canh rồi ông ăn.
- Dạ! Con đang hầm dần rồi ông ạ.
- Chuẩn bị giầy, áo, tráp cho ông đi "hành hương".
Thế là thằng Bốp nhanh như sóc - cái tác phong phải có của kẻ ở nhà này - đi hầm chân giò rồi chuẩn bị các đồ cho chủ nó.
Chủ của thằng Bốp - cái người có giọng nói sang sảng thanh thoát kia - là phú ông quyền uy bậc nhất cái làng, cái vùng này. Ông quyền uy từ dáng vẻ bề ngoài với thân hình phương trượng, cái mặt đầy là những thịt, cái bụng như muốn tỏ lộ ra hết những "lòng lành" của chủ mình. Ông còn quyền uy bởi cái túi tiền của ông, cái túi lúc nào cũng đầy dư, mà ông lại có nhiều cái túi như thế. Cái lệ của đời rồi, cứ có tiền là có quyền - quyền của mình hoặc quyền của những kẻ muốn chơi với mình.
Phú ông không chỉ là người có tiền - đích thị là có tiền, rất nhiều tiền - ông còn là người rất sính ngoại. Trời ban cho ông cái sự thích thú những gì của nước ngoài. Cứ cái gì của nước ngoài với ông cũng là tân tiến, là tiến bộ, là tri thức hết nên chẳng có gì ngạc nhiên khi ông rất muốn theo Đạo Đức Chúa BLời, một Đạo mới du nhập vào nước Nam ta. Vả lại, Đạo này còn từ phương Tây - thế giới của văn minh (phú ông luôn coi phương Tây là nhất về văn minh) - do toàn người Tây dạy Đạo. Làng ông người theo Đạo này gần hết rồi. Theo Đạo này ông vừa được mang cái danh "tri thức" vừa được người trong làng nể quý nên đừng ngạc nhiên khi thấy ông hoàn toàn sảng khoái khi bỏ ra một số tiền rất lớn để xây nhà "thờ" của làng ông. Những lúc ấy ông sao mà không sảng khoái được khi nhìn cả làng vỗ tay khen mình. Rồi những lúc ông thấy lòng xúc động khi thấy mấy chục cái áo vá víu hết chỗ để vá tề tựu ở ngôi nhà thờ ấy mà ăn cỗ, ăn chén nhân ngày mừng nhà thờ mới, mà khen ông đạo đức hết mực.
Thứ Tư với Thứ Sáu nào ông cũng ăn chay theo lời dạy của cố Đạo. Tiền mà thu được từ những cánh đồng của mình, ông cũng trích ra để biếu các cố Đạo và cúng biếu vào nhà thờ. Tháng nào ông cũng đi lên nhà thờ Tòa của Đức Vít-vồ mà viếng, mà nghe những lời khôn ngoan của người trí thức ấy. Cái lệ ấy ăn sâu vào máu thịt của ông, không bỏ được. Đích thị phú ông là người trí thức, là người ngoan đạo của làng rồi. Các cố Đạo hay khen ông như thế lắm. Và ông sảng khoái lắm lắm. Ông tự tin vào cái lòng ngoan Đạo của mình lắm.
Hôm nay ông sẽ lên nhà Tòa của Đức Vít-vồ như thói quen mọi khi của mình. Trước khi đi ông không quên dặn thằng ở hầm thật nhừ cái chân giò của ông để đêm lúc sang canh ông bù lại một ngày ăn chay của mình. Cái này nó cũng là một thói quen của phú ông nhà ta vậy.
***
Trời nắng quá. Mất cả ngày đường anh Mõ mới lên đến nhà Tòa được. Anh ngồi nghỉ ở cửa nhà Tòa, chỗ duy nhất có cái râm mát của trời hè gay gắt này.
Ngồi nghỉ rồi lại nghĩ ngợi. Anh nhìn về cái đời đã qua của mình. Cái đời mà anh nghĩ chẳng còn từ nào mà nói về ngoài cái từ tủi nhục. Anh từ tận miền Trung di cư ra đây, vì cái nạn đói ở quê anh nó gay quá rồi. Mất mấy tháng cứ vất vưởng đi xin lòng thương của người ta mà sống qua ngày, anh mới xin ở lại một cái làng kia. Nhưng anh nghèo quá, không xin nhập cư vào làng được. Anh đành chấp nhận cái kiếp dân ngụ cư, đi làm thuê làm mướn. Ở làng của anh thì chỉ có phú ông mới lắm ruộng, lắm đất nên anh hay được ông ta gọi thuê. Rồi anh cũng dựng được cái lều mà có chỗ chui ra chui vào.
Cái người Mõ của làng ấy - cũng kiếp ngụ cư như anh - chết. Thế là anh được phú ông tiến cử cho cái chức ấy giữa làng. Cái phận đời đã nghèo khổ rồi, giờ thêm cái danh Mõ - cái danh cho những kẻ đáng khinh giữa làng giữa nước - nên anh cứ nhận đời mình là tủi nhục vậy. Nhiều khi tủi nhục quá, anh muốn kết liễu đời mình cho xong chuyện. Nhưng Đạo anh - Đạo mà anh được bố mẹ dạy cho - không cho phép anh làm điều ấy. Tuy là thêm được bát gạo, bát khoai nhờ cái nghề Mõ giữa làng này, mà có thấm đâu với những ánh mắt hắt hủi của người làng khi nhìn anh. Nhiều lúc anh tặc lưỡi: "Đúng là đời thằng Mõ".
Niềm an ủi cho anh là những lần được về nhà Tòa mà dự lễ - cái lễ lớn một năm chỉ có một lần - này thôi. Dù mất mấy ngày đường xa, chỉ có cơm nắm muối vừng nhưng chẳng năm nào anh bỏ cả.
- Ai như anh Mõ đó nhỉ?
Có tiếng ai gọi từ xa xa. Anh Mõ quay lại nhìn. À. Là phú ông làng anh.
- Vâng! Con chào ông. Con vừa dừng chân nghỉ thôi ạ.
- Thôi tranh thủ lúc ít người mà vào nhà Tòa đi anh Mõ ạ. Không là lát đông người, bị chèn bẹp dí đấy anh Mõ ạ.
Phú ông nói xong rồi lại khẩy chân đi, với cái tiếng cười sang sảng của mình.
Anh Mõ ngẩn người ra, không hiểu phú ông định nói gì. Nhưng anh cũng cất nắm cơm dở của mình vào bị, rồi vào nhà Tòa luôn. Anh cũng sợ đông người rôi lại không chen vào được.
***
- Lạy Chúa. Con là Phú ông làng X, tháng nào cũng lên đây.
Phú ông bắt đầu quỳ cầu nguyện với Chúa - thói quen mà tháng nào ông cũng làm.
- Chắc Chúa vẫn nhớ con chứ ạ. Tháng nào con cũng lên đây với Chúa. Tháng nào con cũng biếu vào nhà thờ Chúa bao nhiêu tiền. Tuần nào con cũng ăn chay hai lần. Con cũng góp tiền xây nhà thờ nhiều lắm Chúa ạ. Con hay được khen là ngoan đạo lắm.
Quỳ một lúc, phú ông mệt quá, ngồi lên ghế. Cái thân hình vĩ đại không làm ông quỳ được lâu. Nhưng ông cũng thấy thế là đủ lắm rồi. Mà trong nhà này mát quá. Gió thoang thoảng quá. Mắt ông muốn díu lại quá. Một...hai...ba... Nó díu lại thật rồi.
Rồi phú ông giật mình. Có tiếng khóc nấc ở sau ông. Ông ngồi ghé tai nghe... Có cả tiếng thầm thì nữa...
- Chúa ơi. Con chỉ là kẻ nghèo mạt, kẻ ngụ cư. Con không xứng vào nhà Chúa lộng lẫy quá thế này. Con là kẻ có tội.
Phú ông tò mò nhìn xuống. Nheo mắt lại mới thấy là anh Mõ. "Quái! Sao nay thằng Mõ dám vào tận nhà Tòa mà đọc kinh nhỉ?". Phú ông thầm nghĩ, rồi lại quỳ xuống mà cầu nguyện tiếp.
- Lạy Chúa. Tạ ơn Chúa đã giữ gìn con, chứ không như những kẻ khác, hay như thằng Mõ kia. Con ăn chay tuần hai lần chứ nó cả đời có mấy khi ăn chay như con đâu. Tạ ơn Chúa. Tạ ơn Chúa.
Rồi phú ông cúi mình ba cái thật nhanh. Phú ông đi ra khỏi nhà Tòa, và không ngăn mắt mình khỏi nhìn anh Mõ một cái.
Còn anh Mõ, vẫn quỳ đấy, gần cửa cuối của nhà Tòa. Cái thân hình gầy nhom lại run lên. Anh có nghe phú ông cầu nguyện với Chúa vừa nãy - bởi phú ông ít khi để người ta không biết là mình đang cầu nguyện lắm. Đúng là cả đời anh chẳng bao giờ ăn chay cho thật đúng cả. Cứ bữa sáng là một bát cơm nguội để dành từ tối hôm trước. Trưa là cơm độn khoai. Tối là khoai với ngô, có khi tối còn chẳng có gì mà ăn. Mà khoai với ngô thì, không hà cũng non choẹt mà anh van nài mãi ở nhà phú ông. Cũng đã có lần anh thử ăn chay, và hôm đấy suýt chết gục ngoài ruộng nếu không có bạn cày dìu về.
- Chúa ơi! Con chẳng giữ Đạo cho ngay lần nào cả. Con tội lỗi. Con tội to quá Chúa ơi. Đến ăn chay con cũng làm chẳng được thì có giữ Đạo cho xứng đâu chứ.
"Con ơi!". Có tiếng gì vậy?
Anh Mõ nhìn quanh. Lúc này chỉ có anh ở đây thôi. Anh nhìn khắp một lượt.
- Ma sao? Làm gì có ma giữa giờ này được.
- Con ơi! Ta đây - Đúng là có tiếng nói, nghe sao êm đềm quá...
- Ta nhận lời cầu nguyện của con. Con đã hạ mình xuống, nên Ta sẽ nâng con lên cho xứng với lời cầu nguyện của con. Đừng lo lắng gì cả. Cứ sống như những gì con đã sống.
Ôi! Tự nhiên anh Mõ thấy mình lâng lâng quá. Sao có cái cảm giác khoan khoái đang lan ra khắp các thớ thịt anh vậy? Có ánh sáng gì đang bao phủ anh thế? Bay bổng quá..
...
Chiều hôm ấy, người ta phải gọi anh Mõ dậy. Bởi người phu nhà thờ thấy anh đang nằm sóng soài dưới dất, chẳng biết vì đói quá hay sao nữa.
***
Năm năm sau, người ta vẫn thấy phú ông quỳ ở nhà Tòa mà cầu nguyện:
- Lạy Chúa! Cảm ơn Chúa đã cho con không giống thằng cùng đinh đang quỳ dưới kia...
Cũng năm ấy, người ta không thấy anh Mõ còn lên nhà Tòa vào dịp lễ này nữa. Người ta kháo nhau là anh chết rồi. Thấy bảo là anh chết bình an lắm. Chết đẹp lắm. Và họ còn kháo nhau "anh Mõ được Chúa đón về".
Hải Nhuận, 1/6/2017
Q.H