Mầu nhiệm cánh chung dạy ta những gì?
Thứ sáu - 24/11/2023 03:19
241
1. Ý nghĩa của sự chết: Nhờ Đức Kitô, sự chết mang một ý nghĩa tích cực: Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người. Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, để sống một đời sống mới. Theo gương Đức Kitô, chúng ta có thể biến cái chết của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha. Khi chấm dứt cuộc đời trần thế này, chúng ta sẽ không trở lại với những cuộc sống trần thế khác. Chúng ta chỉ chết một lần, không đầu thai sau khi chết. Hội Thánh khuyên chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho giờ chết, khấn xin Đức Mẹ và thánh Giuse chuyển cầu cho chúng ta trong giờ lâm tử.
2. Chết trong Đức Giêsu Kitô: Đứng trước cái chết, bí ẩn về thân phận loài người chúng ta lên cao đến tột đỉnh. Chúng ta phải chết, đó là điều tự nhiên, nhưng, đức tin cho chúng ta biết: chết là “tiền công trả cho tội lỗi” (Rm 6,23), và đối với những ai chết trong Đức Kitô, sẽ được tham dự vào sự Phục Sinh của Người (x. Rm 6,3-9). Chết là chấm dứt cuộc đời trần thế. Cuộc đời chúng ta được tính bằng thời gian. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta thay đổi, già đi rồi chết, bình thường như mọi sinh vật khác trên mặt đất. Thực tại này cho chúng ta một cái nhìn cấp thiết hơn về cuộc sống. Ước gì chúng ta luôn nhớ rằng: đời người chúng ta là có hạn, thân xác chúng ta sẽ trở về bụi đất, và sinh khí của chúng ta sẽ trở về với Đấng đã dựng nên chúng ta (x. Gv 12,1.7).
3. Phục sinh cùng với Đức Kitô: Đức Kitô sẽ cho chúng ta sống lại “ngày sau hết”, nhưng có thể nói, chúng ta đã phục sinh với Đức Kitô rồi. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần, cuộc đời chúng ta đã dự phần vào cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô ngay từ đời này. Được kết hiệp với Đức Kitô, nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta đã thật sự tham dự vào đời sống trên trời của Đức Kitô Phục Sinh (x. Pl 3,20), nhưng sự sống này còn “ẩn tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa” (Cl 3,3). Ước gì chúng ta biết nuôi dưỡng mình bằng Mình Máu Đức Kitô, để tất cả chúng ta đều thuộc về Thân Thể Người, để rồi, tất cả sẽ được phục sinh vào ngày sau hết, được “xuất hiện với Đức Kitô và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,4).
4. Hướng về Thiên Đàng: Những ai chết trong ơn nghĩa Chúa và những ai đã được thanh luyện trọn vẹn, sẽ sống mãi với Đức Kitô. Muôn đời họ sẽ nên giống Thiên Chúa, vì Người thế nào họ sẽ được “nhìn thấy Người như vậy” diện đối diện. Thiên Đàng là cuộc sống viên mãn vì được hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Trinh Nữ Maria, với các thiên thần và các thánh. Thiên Đàng là mục đích tối hậu và là sự hiện thực các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng hạnh phúc tuyệt hảo và chung cuộc. Lên Thiên Đàng là được ở với Đức Kitô. Được ở với Đức Kitô là ở trong Thiên Đàng, bởi vì, ở đâu có Đức Kitô, nơi đó có sự sống, nơi đó là Nước Trời.
5. Tránh xa Hỏa Ngục: Chết mà còn mang tội trọng, không hối cải, không đón nhận tình yêu nhân hậu của Chúa, có nghĩa là, phải xa cách Chúa đời đời, vì chính chúng ta đã tự do lựa chọn. Hỏa ngục chính là tình trạng con người dứt khoát: tự loại mình, khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa. Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống Hỏa Ngục. Thiên Chúa từ bi: không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải (x. 2 Pr 3,9), Tuy nhiên, ai tự ý lìa bỏ Thiên Chúa bằng một tội trọng và chai lì đến cùng, sẽ phải xuống Hỏa Ngục, chịu cực hình muôn đời. Ước gì chúng ta luôn biết tỉnh thức, để khi cuộc đời ở trần gian chấm dứt, chúng ta được liệt vào số những người được chúc phúc, và được dự tiệc Nước Trời.
6. Nuôi dưỡng niềm hy vọng Trời Mới Đất Mới: Sau cuộc phán xét chung, những người công chính, được vinh thăng cả hồn lẫn xác, để hiển trị muôn đời với Đức Kitô, và toàn thể vũ trụ sẽ được đổi mới. Thánh Kinh gọi nhân loại và thế giới được canh tân cách huyền diệu này là Trời Mới Và Đất Mới. Thiên Chúa đã tiền định vũ trụ này cũng phải được biến đổi, để cho thế giới khôi phục lại tình trạng ban đầu, và vũ trụ này cùng được vinh quang với con người, trong Đức Giêsu Phục Sinh. Cho dẫu, chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi của vũ trụ, nhưng, chúng ta biết được Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới, và một Trời Mới Đất Mới, ở nơi ấy, hạnh phúc sẽ làm thỏa mãn, và vượt quá mọi ước vọng an bình của chúng ta.
7. Mẹ Maria – hình ảnh cánh chung của Hội Thánh: Mẹ là một chi thể trổi vượt và độc đáo nhất của Hội Thánh, có thể nói, Mẹ là “kiểu mẫu” của Hội Thánh. Nơi Mẹ, chúng ta có thể chiêm ngắm Hội Thánh đang trên đường “lữ hành đức tin”, Nơi Mẹ, chúng ta cũng có thể chiêm ngắm Hội Thánh mai sau, khi kết thúc hành trình tại Quê Trời, ở đó, Đấng Hội Thánh tôn kính như Mẹ của mình, đang chờ đợi Hội Thánh trong vinh quang của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, và trong sự hiệp thông với tất cả các thánh. Ngày nay, Mẹ đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Hội Thánh sẽ hoàn tất đời sau. Ước gì vinh quang của Mẹ chiếu giãi trên trời thế nào, thì vinh quang ấy cũng giãi sáng trên chúng ta, như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng, và niềm an ủi cho Dân Chúa đang lữ hành, nơi dương thế này.
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB